Ăn sâu ban miêu, ba người ngộ độc nặng
Cụ thể, khoảng 19h ngày 5/5, 5 người ở tỉnh Yên Bái cùng ăn cơm tối, có món sâu ban miêu chiên. Trong 5 người, 3 người ăn món sâu ban miêu, 2 người còn lại không ăn.
Sau khi ăn khoảng 1-3 giờ đồng hồ, 3 người ăn món sâu ban miêu có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng, tiểu buốt, tiểu khó, có người tiểu ra máu…
Sáng 6/5, 3 người cùng vào bệnh viện địa phương để thăm khám. Tại bệnh viện địa phương các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc nên đã chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
![]() |
Hình ảnh sâu ban miêu chứa chất độc cantharidin khiến 3 người ở Yên Bái bị ngộ độc (Ảnh: Quỳnh Mai) |
Các bệnh nhân kể lại, tưởng sâu ban miêu là loại côn trùng ăn được và thấy có nhiều ở rau ngót, rau tầm bóp… nên đã bắt về chế biến cho mọi người cùng ăn.
Sau khi ăn 3 người có biểu hiện giống nhau nghĩ bị ngộ độc nên đã cùng đến thăm khám tại bệnh viện địa phương.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Sâu ban miêu thực chất là một loài bọ cánh cứng chứa chất độc cantharidin.
Cantharidin là chất rất độc, hủy hoại và gây chết protein. Chất này đi đến đâu sẽ gây tổn thương protein đến đấy.
"Khi ăn phải chất này, đầu tiên sẽ gây tổn thương đường tiêu hóa, gây phồng rộp, bỏng đường tiêu hóa, hoại tử dạ dày, ruột… Cantharidin đi đến cơ quan nào sẽ làm tổn thương cơ quan đó nên sau khi gây tổn thương đường tiêu hóa sẽ gây tổn thương gan, thận… và thậm chí có thể gây tử vong", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên thông tin.
Cũng theo chuyên gia chống độc, biểu hiện đầu tiên của người ngộ độc cantharidin sẽ liên quan đến đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, nôn ra máu, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy… sau đó là các biểu hiện như đi tiểu buốt, tiểu khó, tiểu ra máu…
Các bệnh nhân ngộ độc cantharidin cần phải được cấp cứu kịp thời, nếu không nguy cơ biến chứng rất nặng. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm chất độc này cũng rất cao.
"Thực tế đã ghi nhận trường hợp tử vong vì ăn sâu ban miêu. Sâu ban miêu có một số loài khác nhau nhưng chúng đều chứa chất độc cantharidin", TS. BS Nguyễn Trung Nguyên khẳng định.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết: Ba bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu kể trên vẫn đang trong quá trình đánh giá, theo dõi và tiếp tục điều trị tại Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai.
Chuyên gia chống độc khuyến cáo, hiện vẫn có nhiều người dân ăn sâu ban miêu, thậm chí sử dụng loại sâu này để làm thuốc chữa bệnh. Hành động này vô cùng nguy hiểm vì sâu ban miêu có chứa chất cực độc.
Ngoài ra, người dân cũng cần từ bỏ thói quen ăn những loại côn trùng, động vật lạ vì không biết chúng có chứa chất độc hay không.
Người dân khi thấy có những biểu hiện như buồn nôn, đau bụng, tiểu ra máu… cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tuyên truyền về an toàn thực phẩm đến hơn 100 hội viên phụ nữ

Thủ tướng yêu cầu sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả

Y bác sĩ không được tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng

Kết quả rà soát việc công bố sản phẩm trong đường dây sữa giả

Sữa giả gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe ra sao?

Quận Tây Hồ chung tay vì sức khoẻ cộng đồng

Tập trung hậu kiểm nhóm thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ

Mối nguy "bủa vây" bếp ăn Công ty Chee Wah Việt Nam

Kiểm soát chất lượng thực phẩm, bánh kẹo tại các làng nghề
