Yên Bái hướng đến phát triển du lịch bền vững
Biến di sản thành tài sản
Sở hữu 574 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Yên Bái đang phát huy mạnh mẽ nguồn lực di sản, mang lại nguồn thu lớn cho ngành Du lịch tỉnh.
Huyện Văn Yên vốn là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái từ lâu được mệnh danh là vùng đất “cao sơn ngọc quế”, được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp, với núi non kỳ vĩ, nhiều hang động, suối ngàn, thác nước.
Nơi đây lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện như lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Lễ cấp sắc của người dân tộc Dao đỏ, lễ cúng rừng (Tết rừng) của người dân tộc Mông, tết Khu si mờ của người dân tộc Phù Lá, múa khèn, múa Sênh tiền của dân tộc Mông…
Cùng với đó, huyện Văn Yên cũng giữ gìn, tôn tạo và phát huy tốt các di tích đã được nhà nước công nhận, trong đó có 12 di tích cấp tỉnh, 2 di tích cấp quốc gia.
![]() |
Yên Bái sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo |
Ngoài ra, nơi đây còn điểm du lịch tâm linh nổi tiếng đó là đền Mẫu Đông Cuông, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tọa lạc tại tả ngạn thượng lưu sông Hồng, đền Đông Cuông được xây dựng vào thời Lê, là nơi thờ phụng những người có công với đất nước, được vua nhà Nguyễn trao 4 sắc phong.
Năm 2009, đền Đông Cuông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Năm 2023, lễ hội đền Đông Cuông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những di sản này chính là nguồn lực thu hút khách du lịch đến với Văn Yên. Hàng năm, Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu thu hút đông đảo du khách, từ những trò chơi dân gian đến phiên chợ quê đều mang đậm nét đặc sắc của cộng đồng.
Theo thống kê, năm 2024, Lễ hội đền Đông Cuông, Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông và Lễ hội đền Nhược Sơn đã thu hút trên 98.000 lượt du khách.
![]() |
Khách Tây thích thú với trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Yên Bái |
Nhận thức được tiềm năng đó, triển khai Nghị quyết số 28 ngày 24/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Huyện ủy Văn Yên đã ban hành Chương trình hành động số 10 ngày 20/7/2021 thực hiện Nghị quyết số 28; xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cụ thể cho từng năm.
Ông Hà Đức Anh, Bí thư Huyện ủy Văn Yên cho biết: "Huyện xác định phát triển du lịch xanh, bền vững phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với khai thác có hiệu quả, sử dụng tiết kiệm các tiềm năng, thế mạnh trên cơ sở bảo vệ cảnh quan, môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, xác định các sản phẩm du lịch xanh phải có sự tham gia tích cực của người dân địa phương”.
Đến nay, toàn huyện thành lập được các hợp tác xã, tổ hợp tác du lịch như: Khu nghỉ dưỡng 3 sao Đại - Phú - An, thị trấn Mậu A; Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng thôn Minh Khai, xã Quang Minh; Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Trung Thành tại xã Yên Hợp phát triển du lịch farmstay; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và du lịch xã Nà Hẩu; Hợp tác xã Du lịch cộng đồng xã Phong Dụ Thượng; đặc biệt là Điểm du lịch cộng đồng xã Nà Hẩu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Huyện cũng chú trọng tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao phục vụ khách du lịch như: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế, tinh dầu quế, trà quế, quế thuốc lá, quế thanh huyện Văn Yên.
Ông Hà Trung Kiên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: "Nhận thức rõ vai trò của câu chuyện văn hóa trong việc gắn kết du khách, phòng đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn dày công sưu tầm các câu chuyện, huyền tích, điển tích sẵn có trong các tài liệu cổ, các câu chuyện về các di tích đã được công nhận, các bài giới thiệu về các khu vực có hoạt động du lịch.
Sau đó, phòng tổ chức biên soạn lại theo hướng ngắn gọn, hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách và xây dựng, gửi tỉnh xuất bản cuốn sách "Yên Bái - Con đường di sản”, "Sổ tay các chương trình du lịch tỉnh Yên Bái”. Đây là cây cầu nối để những giá trị văn hóa của Văn Yên chạm đến trái tim du khách gần xa”.
Lực đẩy từ du lịch cộng đồng
Với mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, Yên Bái đã chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.
Homstay “Hello Mù Cang Chải” của chàng thanh niên dân tộc Mông Giàng A Dê ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã không còn chỗ. Theo anh Giàng A Dê, thông thường, những dịp Tết, lễ, du khách phải đặt trước cả tháng.
Khách đến homestay chủ yếu là người nước ngoài. Họ thích tham gia vào các hoạt động trải nghiệm khám phá nét văn hóa của thôn bản như đạp xe ngắm cảnh thiên nhiên của bản làng yên bình, xem cách dệt vải truyền thống…
Hiện huyện Mù Cang Chải có 104 dịch vụ homestay, nhà nghỉ và 70 cơ sở nhà hàng, quán ăn. Phát huy lợi thế, ngoài việc hỗ trợ vốn, huyện Mù Cang Chải còn mở thêm các lớp ngoại ngữ cho người dân như mở được 3 lớp tiếng Anh; 1 lớp tiếng Pháp.
Cùng với đó, huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng giao tiếp khi đón khách và biết cách thu hút khách du lịch.
Là một trong những người phát triển mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở xã La Pán Tẩn, anh Giàng A Dê nhận thấy, du lịch cộng đồng đang mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa vì không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Anh Đặng Thái Sơn, Chủ nhiệm CLB du lịch Suối Giàng, quản lý Không gian văn hóa trà Suối Giàng chia sẻ: "Năm 2019, chúng tôi lên Suối Giàng. Thời điểm đó chưa có đơn vị nào làm du lịch.
Cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, không khí trong lành mát mẻ, sự hồn hậu, chất phác, thân thiện của đồng bào Mông và những cây chè Shan tuyết cổ thụ nơi đây đã níu chân chúng tôi. Không gian văn hóa trà Suối Giàng được hình thành trong 59 ngày đêm.
Đến hôm nay, mỗi khi nhớ lại, chúng tôi vẫn trào dâng cảm xúc trân trọng sự nỗ lực và tình cảm của bà con, chính quyền địa phương xã Suối Giàng. Tiếp đó, chúng tôi đầu tư thêm mô hình Ngôi làng Hạnh phúc có nhà hàng, điểm checkin chụp ảnh, lớp học sẻ chia, làng nghề dệt người Mông, mô hình làm chè thủ công.
Chúng tôi hy vọng đồng hành cùng với bà con địa phương phát triển thương hiệu trà Shan tuyết Suối Giàng gắn với du lịch để nơi đây trở thành một điểm dừng chân đáng nhớ với du khách trong và ngoài nước".
![]() |
Du khách thích thú với các thắng cảnh tại Yên Bái |
Không chỉ tại Mù Cang Chải, tại huyện Văn Yên, Nghĩa Lộ… mô hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh. Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 25 thôn, bản với 209 hộ thuộc dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái, tham gia làm du lịch cộng đồng, từng bước góp phần thay đổi diện mạo của địa phương.
Đảm bảo mục tiêu phát triển xanh, bền vững
Năm 2024, toàn ngành Du lịch tỉnh Yên Bái đón phục vụ trên 2.272 lượt khách (đạt 133,7% kế hoạch; tăng 8,8% so với cùng kỳ); khách quốc tế đạt 381.634 lượt (đạt 96,3% kế hoạch, tăng 91,2% so với cùng kì năm 2023); doanh thu đạt 1.922 tỷ đồng (đạt 128,1% kế hoạch, tăng 11,6% so với cùng kỳ).
Theo ông Nông Việt Yên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 81/2024/NQHĐND ngày 30/9/2024 về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2024 - 2030.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân thị xã Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025; Đề án “Phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trạm Tấu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
![]() |
Hồ Thác Bà - điểm du lịch hấp dẫn tại Yên Bái |
Với những kế hoạch bài bản, lộ trình khoa học, ngành Du lịch Yên Bái hướng đến mục tiêu năm 2025 sẽ đón và phục vụ 2.000.000 lượt, khách quốc tế đạt 300.000 lượt, doanh thu ước đạt 1.700 tỷ đồng.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch liên tỉnh “Một cung đường 5 điểm đến”; Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, triển khai phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh như: sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; phát triển sản phẩm du lịch tâm linh; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tại các địa phương trong tỉnh.
Tin liên quan
Đọc thêm

Rừng dừa Bảy Mẫu hút khách tham quan dịp lễ 30/4 - 1/5

Sắp hết lễ, biển Sầm Sơn vẫn đông nghịt người tắm

Hàng nghìn du khách đổ về tham quan suối cá thần Thanh Hóa

Nhiều chương trình thể dục thể thao biển đặc sắc chào đón du khách

Bừng sáng đêm hội Carnaval Hạ Long 2025

Hàng ngàn du khách nô nức đến Sun World Ha Nam - thiên đường “giải nhiệt” mới tại miền Bắc

Emirates và Sun Group hợp tác thúc đẩy du lịch Việt Nam

Đường hoa biển Đà Nẵng - điểm check-in mới hấp dẫn du khách

Hải Phòng khai mạc Liên hoan du lịch biển Đồ Sơn 2025
