Ý kiến của một nhà văn về bộ sách giáo khoa Cánh Diều “dậy sóng”
![]() |
Sách giáo khoa tiếng Việt do nhóm Cánh Diều biên soạn gây nhiều tranh cãi |
Mấy ngày nay, nhiều phụ huynh hỏi tôi về chất lượng nội dung bộ sách giáo khoa tiếng Việt do nhóm Cánh Diều biên soạn, mà giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên, Nhà Xuất bản Đại học sư phạm TP. HCM ấn hành. Cộng đồng mạng, báo chí cũng bàn luận nhiều về bộ sách này.
Tôi đã mua bộ sách Giáo khoa lớp 1 (tập 1 và tập 2) do nhóm Cánh Diều biên soạn và thấy đúng như sự băn khoăn của người dân. Quả thật tôi cũng hoang mang vì không nghĩ một bộ sách giáo khoa lại có những “cục sạn” to đùng như thế. Tuy nhiên, cũng là 1 người làm công tác giáo dục, tôi mong rằng những hạn chế không đáng có trong bộ sách này chỉ là do “tai nạn nghề nghiệp” của nhóm biên soạn. Tôi từng kỳ vọng rằng, khi báo chí và cộng đồng vào cuộc chỉ ra những khiếm khuyết, nhóm Cánh Diều mà đứng đầu là giáo sư Nguyễn Minh Thuyết sẽ tiếp thu một cách cầu thị, điều chỉnh những sai sót để bộ sách ngày càng hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, tôi đã lầm. Bởi vì, khi giải đáp các thắc mắc của cộng đồng, giáo sư Thuyết khẳng định những điều mà cộng đồng bảo rằng sai sót, hạn chế của sách đều là do chủ ý của nhóm biên soạn. Nghĩa là nhóm Cánh Diều không sai, công chúng và báo chí mới sai. Tôi xin được phép tranh luận với giáo sư Thuyết và nhóm Cánh Diều một số nội dung như sau.
Trước hết về các từ mang tính địa phương, tần suất sử dụng trong ngôn ngữ giao tiếp hiện nay rất thấp lại được đưa vào sách giáo khoa lớp 1 như: gà nhí, gà nhép, nhá cỏ, nhá dưa, khổ mỡ, tợp mỡ, thở hí hóp… Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng do học sinh chưa học các vần cần thiết để tạo ra các từ quen thuộc, nên nhóm tác giả phải dùng từ tương đương để thay thế. Ví dụ học sinh chưa học vần “ai” nên không thể dùng từ “nhai” (cỏ), “nhai” (dưa) mà phải dùng “nhá” (cỏ), “nhá” (dưa); học sinh chưa học vần “ông” vần “ăng” nên nhóm tác giả dùng từ “chả” chứ không thể dùng từ “không/chẳng”.
Chúng tôi cho rằng, nếu học sinh học được âm hay vần nào rồi thì chúng ta cho các em thực hành sử dụng âm đó, vần đó. Có thể đọc viết riêng biệt từng âm, từng vần, sau đó ghép lại thành tiếng, thành từ. Nhóm tác giả đã quá vội vàng khi mà học sinh chỉ học được một số âm và vần ít ỏi lại bắt trẻ học văn bản.
Một văn bản thì đòi hỏi hoàn chỉnh về nội dung và hình thức. Để đáp ứng yêu cầu của văn bản, lại phải chỉ sử dụng những âm vần giới hạn mà học sinh đã học, nên mới xảy ra chuyện dùng từ gượng gạo, tối nghĩa, cục bộ địa phương. Thay vì trong trường hợp này, nhóm tác giả chỉ cần tạo ra những cụm từ, những câu ngắn cho học sinh tập đọc là được.
Giáo sư Thuyết cũng biện giải rằng, đa số những từ như “nhá” (cỏ), “khổ” (mỡ), “tợp” (mỡ)… là từ toàn dân, là từ phổ thông vì nó có xuất hiện trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê. Cách giải thích này rất có vấn đề, bởi lẽ nếu lấy tiêu chuẩn từ nào xuất hiện trong từ điển, dù đó là cuốn từ điển uy tín, là từ toàn dân thì chưa phù hợp.
Tôi xem Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (chủ biên), Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2003 thì thấy có nhiều từ rất ít thông dụng. Ví dụ: “cử sự” nghĩa là “bắt đầu một công việc gì to tát, có đông người tham gia”; “bở vía” nghĩa là “không còn hồn vía, mất hết tinh thần vì quá sợ hãi”; “ăn sương” có nghĩa là “kiếm ăn một cách lén lút về ban đêm; làm nghề mại dâm hoặc ăn trộm”… Những từ ngữ này vừa cũ kỹ xa lạ, vừa có tính chất như tiếng lóng, vừa mang đặc thù của địa phương, làm sao có thể xem nó như từ toàn dân thịnh hành được?
Để khách quan hơn, tôi xem thêm 1 quyển từ điển khác, là Từ điển tiếng Việt phổ thông do Viện Ngôn ngữ học chủ trì biên soạn, Nhà Xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2007. Trong cuốn từ điển mà người thực hiện đã chủ động ghi là “tiếng Việt phổ thông” này, vẫn có nhiều từ khá xa lạ, không hề “phổ thông” chút nào. Ví dụ: “dã lậu” nghĩa là “quê mùa”; “dã trư” là “heo rừng”; “mụ gia” nghĩa là “mẹ vợ hoặc mẹ chồng”… Như vậy, cách giải thích từ nào có trong từ điển thì là từ phổ thông của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết liệu có thuyết phục không?
Vấn đề thứ hai là về tính giáo dục của những câu chuyện mà nhóm Cánh Diều đã đưa vào sách Giáo khoa lớp 1. Tôi nhận thấy nhiều câu chuyện không có tính giáo dục cao. Trái lại, nó còn dễ khiến người ta hiểu là đang dạy học sinh thói lọc lừa, khôn vặt. Tôi thử phân tích câu chuyện “Quạ và chó”. Chuyện kể về 2 con vật là quạ và chó, quạ đang ngậm cục mỡ (sách ghi là “khổ mỡ”), chó thì chẳng có gì ăn. Chó bèn lập mưu, lừa gạt quạ để quạ mở miệng ra hát to. Thế là cục mỡ rơi xuống gần và chó đớp cục mỡ đó (sách ghi là chó “tợp mỡ”). Rõ ràng ở đây, chó là tên lừa lọc dối trá để cướp miếng ăn của kẻ khác. Nhiều khả năng học sinh sẽ bị nhiễm thói xấu này khi học văn bản.
![]() |
GS Nguyễn Minh Thuyết (cầm micro) là tổng chủ biên bộ sách này |
Giáo sư Thuyết khi nghe công chúng phân tích như thế, bảo là công chúng “định kiến” với giáo dục nên mới nghĩ vậy. Ông cho biết chuyện “Quạ và chó” chỉ giáo dục cho trẻ đừng tin người khác để rồi bị lừa gạt. Dù cách hiểu mà giáo sư Thuyết muốn mọi người hướng đến là không sai, nhưng cách hiểu của cộng đồng cũng không sai. Làm một bộ sách cho học sinh lớp 1, mà đưa văn bản có nhiều cách hiểu, trong đó có những cách hiểu gây phản cảm, thì trách nhiệm thuộc về nhóm biên soạn.
Hơn nữa, trong các mục tiêu của sách giáo khoa lớp 1 lần này, có hướng đến phát triển năng lực tư duy và sáng tạo cho học trò. Mà muốn phát triển tư duy, thì cùng một sự vật hiện tượng chúng ta phải phân tích nhiều góc độ, xem xét nhiều khía cạnh. Vậy mà, khi cộng đồng phân tích các văn bản trong sách lớp 1 khác với ý đồ của nhóm biên soạn đôi chút, giáo sư Thuyết đã nhanh chóng chụp mũ cộng đồng, cho rằng họ phân tích với “tâm địa” không khách quan, với “định kiến” về ngành giáo dục.
Thử hỏi với tư duy bảo thủ như thế, liệu giáo sư Thuyết có khiến cộng đồng tin tưởng về 1 bộ sách do ông làm Tổng chủ biên có dạy được trẻ em Việt Nam tư duy sáng tạo, đổi mới và phát triển hay không?
Vấn đề cuối cùng tôi muốn nói đến, là chuyện giáo sư Thuyết cho rằng trẻ em lớp 1 chưa cần thiết phải học ca dao tục ngữ Việt Nam, vì vậy mà nhóm Cánh diều không đưa vào sách. GS Thuyết lý giải là trình độ các em chưa đủ để lĩnh hội tục ngữ, ca dao hay các tác phẩm văn chương dân gian Việt Nam khác.
Tôi chỉ muốn hỏi mọi người, những bài hát ru mà trẻ nhỏ nghe bà, nghe mẹ ru từ thuở còn nằm trong nôi có phải là từ văn học dân gian mà ra không? Những đứa trẻ sơ sinh này có cần phải hiểu nội dung các bài hát ru ấy đâu. Nhưng chính cái âm điệu, cái vần điệu và những hình ảnh ngộ nghĩnh trong từng lời ca ấy sẽ ngấm vào tâm hồn trẻ. Để rồi khi trẻ lớn dần lên, lời ca câu hát dân gian đã có sẵn trong máu thịt.
Lớn lên đôi chút, những đứa trẻ được dạy những bài đồng dao hay các câu tục ngữ quen thuộc như ăn quả nhớ kẻ trồng cây, chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách… Nếu đưa vào sách lớp 1, những tác phẩm văn học dân gian này vừa là phương tiện hữu hiệu để trẻ tập đọc, vừa là cách rất tốt để ta cho trẻ làm quen với lời ăn tiếng nói của cha ông đã đúc kết tự bao đời. Thế nhưng sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều đã không đưa vào, mà lại dịch những câu chuyện xa lạ từ nước ngoài, thay đổi nội dung, nhân vật, chắp vá chi tiết tùy tiện.
Người ta sục sôi vì bộ sách Giáo khoa lớp 1 mới không hẳn là vì những hạt sạn trong đó mà sâu xa hơn là hoang mang về nền giáo dục nước nhà. Vài hạn chế trong sách giáo khoa có thể khắc phục được dễ dàng, nhưng chúng ta không dễ gì lấy lại lòng tin mà nhân dân đã dành cho giáo dục. Bây giờ, mọi người lại đua nhau tìm lại những bộ sách cũ để dạy con em của họ, để thấy cái ưu việt lẫy lừng một thời của sách cũ.
Đành rằng đổi mới là tất yếu, nhưng các nhà soạn sách nhân danh những mục tiêu cao vời vợi để rồi cho ra sản phẩm kém chất lượng, nó khiến cho chúng ta không khỏi thất vọng và hoài nghi. Do đó, tôi nghĩ rằng, thay vì công kích lại dư luận, nhóm Cánh diều và quan trọng nhất là giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hãy cầu thị lắng nghe, sửa chữa những sai sót.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Khẳng định vai trò hướng nghiệp, định hướng tương lai cho người trẻ

Hôm nay (21/4), thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

GreenAms lập kỳ tích tại đấu trường Robotics lớn nhất thế giới

Xoá tan nỗi lo tốt nghiệp không có việc làm

Chuyên gia chia sẻ bí quyết chọn ngành học chuẩn để thành công

Đón đầu xu hướng chọn nghề, làm chủ tương lai trong kỷ nguyên số

Tiếp sức học sinh chọn ngành thời đại số

Cơ hội vàng cho giới trẻ trong kỷ nguyên số

Cùng học sinh THPT định hướng tương lai
