Xuất bản bộ sách tưởng nhớ 30 năm ngày mất Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ
![]() |
Những cuốn sách được ra mắt tưởng nhớ ngày mất của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ
"Di cảo Lưu Quang Vũ - Nhật ký và thơ"
Ngoài những tập thơ đã xuất bản và hơn 50 vở kịch đã được công diễn, Lưu Quang Vũ còn để lại một khối lượng di cảo khá lớn gồm: Nhật ký, thư từ, sổ tay ghi chép, bản thảo đã hoàn thành hoặc còn dang dở… Một số đã được công bố từ năm 2008 - 2018 và gia đình đang tiếp tục công bố phần còn lại. Hy vọng qua đó, bạn đọc có thể hình dung và có một cái nhìn đầy đủ hơn về con người, tính cách và những yếu tố góp phần làm nên tài năng Lưu Quang Vũ.
![]() |
Cuốn sách được chia làm 3 phần:
Phần 1: Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường - gồm những trang nhật ký được Lưu Quang Vũ viết trong thời gian học cấp III cho đến những ngày tháng đầu tiên bước vào quân ngũ.
Phần 2: Những bông hoa không chết - bao gồm các bài thơ được Lưu Quang Vũ sáng tác trong giai đoạn 1971-1975. Đây là giai đoạn sau này được nhìn nhận là khó khăn nhất với người nghệ sĩ khi chất chứa sự thất vọng, cô đơn, thậm chí có khi là bế tắc (ly hôn, thất nghiệp, đi vẽ thuê…).
Phần 3: Người trong cõi nhớ - tuyển chọn một số bài viết đặc biệt tưởng nhớ Lưu Quang Vũ của bạn bè, đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu.
Những trang nhật ký mơ mộng , lãng mạn của chàng trai Lưu Quang Vũ ở tuổi 14,15 đến những bài thơ bị xé rách đầy dằn vặt, đau xót của tuổi trẻ trong Di cảo Lưu Quang Vũ được NXB Trẻ trân trọng giới thiệu vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của tác giả Lưu Quang Vũ (tháng 4/2018).
"Xuân Quỳnh: Nghịch lý của tình yêu và số phận" – Ghi chép, thư từ, tiểu luận
Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hiếm hoi đã để lại nhiều bài thơ tình hay trong suốt đời thơ ngót 30 năm của mình. Ở thời kỳ đầu, với hai tập Chồi biếc và Gió Lào cát trắng, nhiều tứ thơ đằm thắm da diết đã neo đậu lại trong tâm trí người đọc. Ngoài thơ, Xuân Quỳnh còn để lại khối lượng di cảo lớn gồm: Ghi chép, thư từ, truyện...
![]() |
Cuốn sách này được chia làm 2 phần:
Phần 1: Tiểu luận của PGS.TS Lưu Khánh Thơ dẫn dắt người đọc đi vào thế giới đời thường của nhà thơ Xuân Quỳnh – trong các mối quan hệ với gia đình, chồng con, những bạn bè, đồng nghiệp – Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Lê Minh Khuê, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật... và mối thân tình đặc biệt của vợ chồng Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ với họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Phần 2: Những ghi chép ở Vĩnh Linh - Quảng Trị trong khoảng thời gian ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ và những dòng thư từ chan chứa tình yêu của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ được tổng hợp lại từ di cảo của Xuân Quỳnh. Trong đó, nhiều hình ảnh – tư liệu lần đầu tiên được gia đình công bố.
"Chuyện nhỏ sớm mùa thu" – Tuyển truyện ngắn Lưu Quang Vũ
Nói đến Lưu Quang Vũ và sự nghiệp Lưu Quang Vũ trước hết là nói đến thơ và kịch, cả hai xen cài và làm nên một dấu ấn đặc sắc cho thi đàn và kịch trường Việt Nam cuối thế kỷ XX. Còn văn xuôi, với Vũ, cũng có thể gọi là một sự nghiệp, không phải là quá mỏng.
![]() |
Để có một chân dung trọn vẹn về Lưu Quang Vũ, ta phải tìm đến truyện ngắn Lưu Quang Vũ. Vào đời và cùng lúc vào nghề bằng tập thơ Hương cây - năm 1968. Từ giã đột ngột để ra đi ở con số ngoài năm mươi kịch bản - năm 1988. Những truyện ngắn Vũ viết vào cuối những năm 1960 đến nửa đầu những năm 1980 được chọn trong ba tập "Người kép đóng hổ", "Mùa hè đang đến" và "Truyện ngắn Lưu Quang Vũ" như là chiếc cầu nối giữa thơ và kịch.
Đứng ở thời điểm cuối 1970 đầu 1980 nhìn lại, khi hào quang chiến thắng và niềm hào hứng về tương lai của dân tộc có phần nhạt đi trước các khó khăn và thử thách của đời sống, truyện ngắn của Vũ vừa mang nét giao thoa của hai âm điệu vừa đang nhích dần về phía tiền trạm của một giai đoạn mới. Một “mùa hè đang đến” ở Lưu Quang Vũ và ở nền văn xuôi mà anh có góp phần. Chuyện nhỏ sớm mùa thu - tuyển lại những truyện ngắn tiêu biểu, chọn lọc của Lưu Quang Vũ cũng đến với độc giả trong dịp đặc biệt mùa thu - tháng Tám này.
"Nàng Sita – Những vở kịch khai thác tích truyện dân gian" (gồm 5 vở: "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Lời nói dối cuối cùng", "Nàng Sita", "Ông vua hóa hổ", "Linh hồn của đá").
Ngòi bút Lưu Quang Vũ trực diện khám phá mọi mặt của đời sống xã hội - con người. Anh viết nhanh, hơn 50 vở kịch trong khoảng thời gian chưa đầy 10 năm như để bắt kịp với nhu cầu chuyển mình thiết yếu của thời cuộc.
Trong đó, nếu căn cứ trên tiêu chí cốt truyện của kịch bản, dễ nhận thấy có loạt những vở kịch khai thác trực tiếp từ các tích dân gian. Những nhân vật và cảnh huống không còn xa lạ trong văn hóa đại chúng (thằng Cuội, Trương Ba, nàng Sita, người đàn bà chờ chồng hóa đá…) dưới ngòi bút Lưu Quang Vũ được soi rọi ở những chiều kích mới mẻ, dồn nén hơi thở đương đại.
Tổng hợp chất liệu đời sống trong hình thức dân gian, kịch Lưu Quang Vũ cổ tích mà chân thực, kể chuyện xưa mà đánh động chuyện nay với hàng loạt vấn đề thời sự trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi. Mặt khác, những giá trị truyền thống một lần nữa được tái sinh trong sự sáng tạo mới mẻ, hiện đại, giàu tính nghệ thuật.
Ra đi ở tuổi 40, nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã sống một cuộc đời đáng sống bên cạnh người bạn đời - nhà thơ Xuân Quỳnh. Cuộc tình và sự nghiệp và cả sự ra đi đột ngột của họ đã trở thành một hiện tượng trong giới văn nghệ sĩ. Kịch của Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000 và trở thành tác giả trẻ nhất được nhận giải thưởng cao quý này.
Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2017.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Độc đáo bộ sưu tập áo dài "Sen Việt"

Dấu ấn thời gian tại những buổi triển lãm mừng đại lễ 30/4

Nghệ An hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025

Những chương trình đậm chất lịch sử - văn hóa - nhân văn

Hấp dẫn và bổ ích chuỗi hoạt động tại Phố Sách Hà Nội

Bí quyết chăm sóc sắc đẹp tự nhiên cho chị em phụ nữ

Phát triển công nghiệp văn hoá theo lộ trình chắc chắn, phù hợp

Nhiều nghệ sĩ trẻ truyền cảm hứng yêu nước, tự hào dân tộc

Mô hình trung tâm công nghiệp văn hóa trong đơn vị sự nghiệp công lập
