Xem xét kỹ khái niệm "người có tài năng" trong hoạt động công vụ
Chiều 7/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Đây là 3 nội dung quan trọng phục vụ cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đóng góp ý kiến. Với Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, đây là cơ hội gần nhất để khơi thông sự giao thoa và chuyển đổi lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân; là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện nền quản trị quốc gia.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ Hà Nội chiều 7/5 |
Tạo cơ chế thúc đẩy giao thoa lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân
Theo đại biểu Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc sửa đổi Luật cán bộ, công chức lần này là cơ hội gần nhất để khơi thông sự giao thoa và chuyển đổi lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân.
Hiện nay, rào cản thể chế đang hạn chế sự phát triển và hiểu biết lẫn nhau giữa hai khối. Khoảng cách giữa khu vực Nhà nước và tư nhân ngày càng lớn, khiến cán bộ Nhà nước thiếu hiểu biết về thực tiễn xã hội, các loại hình kinh doanh và hoạt động kinh tế, văn hóa. Điều này dẫn đến sự lạc hậu, cứng nhắc, tự ti và thiếu khả năng quản lý, quản trị các lĩnh vực phức tạp.
Bên cạnh đó, hệ thống quy định hiện hành về tuyển dụng công chức, với các giới hạn về độ tuổi, kinh nghiệm và kỳ thi, đang ngăn cản sự giao lưu lao động.
“Ví dụ, nếu tôi muốn mời một giám đốc ngân hàng tư nhân hoặc một nhà khoa học từ viện nghiên cứu tư nhân về làm việc cho chính quyền địa phương, các quy định hiện hành không cho phép. Ngược lại, cán bộ nhà nước sau thời gian công tác cũng khó chuyển sang khu vực tư nhân để làm tư vấn hoặc tham mưu, dù họ có kinh nghiệm quý giá. Sự thiếu giao lưu này là rào cản lớn cho sự phát triển và nâng cao năng lực quản trị quốc gia”- đại biểu Trần Sỹ Thanh cho biết.
Đại biểu đề nghị lần sửa đổi này phải tạo cơ chế để thúc đẩy giao thoa lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân, thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị và Trung ương về vấn đề này.
“Nếu bỏ lỡ cơ hội lần này, sẽ rất lâu chúng ta mới có thể giải quyết được rào cản này. Việc khơi thông giao thoa lao động không chỉ giúp cán bộ Nhà nước hiểu rõ hơn thực tiễn xã hội, mà còn nâng cao hiệu quả quản trị, đưa các loại hình kinh doanh, kinh tế và văn hóa tiến gần hơn với đời sống thực tế. Đây là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện nền quản trị quốc gia”- đại biểu Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
![]() |
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu thảo luận tại tổ |
Đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nền công vụ minh bạch, hiệu quả, với đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại và phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Đại biểu đề nghị hoàn thiện các quy định liên quan về quyền, nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức và ứng dụng công nghệ số trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức.
Đồng thời, bổ sung một điều riêng quy định về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, đảm bảo tính liên thông với các cơ sở dữ liệu khác, như cơ sở dữ liệu dân cư.
“Quy định này cần cụ thể để làm cơ sở cho Nghị định của Chính phủ, đồng thời xác định rõ việc ứng dụng công nghệ số trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, thi đua, khen thưởng, nhằm giảm thủ tục hành chính rườm rà”- đại biểu Tạ Đình Thi góp ý.
Cũng theo đại biểu, Luật hiện hành đã quy định về vị trí việc làm nhưng thực tế triển khai còn lúng túng. Dự thảo tiếp tục quy định vị trí việc làm bao gồm ngạch công chức, nhưng chưa rõ cơ chế quản lý kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làmvà chỉ tiêu biên chế. Do đó, cần làm rõ mối quan hệ này để tránh chồng chéo và đảm bảo tính khả thi.
![]() |
Đại biểu Tạ Đình Thi góp ý vào Dự án Luật Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) |
Chính sách ưu đãi cần đi đôi với trách nhiệm
Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ tại Điều 5, theo đại biểu Tạ Đình Thi, quy định hiện nay giao Chính phủ quy định chi tiết, song đại biểu lo ngại rằng nếu không quy định cụ thể trong luật, các chính sách ưu đãi sẽ thiếu tính khả thi, đặc biệt khi có sự chồng chéo với các luật khác.
Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp và Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định tại Điều 5 hiện nay chưa rõ ràng.
“Xác định thế nào là người có tài năng vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Nghị định 140 quy định chế độ thu hút, ưu đãi cho người có tài năng, như thủ khoa, người tốt nghiệp xuất sắc, hoặc đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, liệu những người này có thực sự là người có tài năng trong hoạt động công vụ hay không cần được xem xét kỹ lưỡng”- đại biểu nêu.
Cho biết thực tiễn nhiều người được tuyển dụng theo Nghị định 140 vẫn cần đào tạo, hướng dẫn và trải qua thời gian tập sự để đáp ứng yêu cầu công việc, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ đề nghị luật bổ sung quy định về thời gian thử thách, từ 6 tháng đến 1 năm, cho người được tuyển dụng với chế độ ưu đãi.
Trong thời gian này, nếu không phát huy được năng lực, họ phải rời vị trí để nhường chỗ cho người khác, thay vì giữ nguyên chỉ vì từng được coi là có tài năng. Chính sách ưu đãi cần đi đôi với trách nhiệm cụ thể, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc thực tế, không chỉ dựa trên thành tích trước đó.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ phát biểu góp ý vào Dự án Luật Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) |
Về vị trí việc làm và ngạch công chức, quy định tại Mục 3, Chương 4, đại biểu cho rằng vẫn còn mơ hồ. Vị trí việc làm gắn với chức vụ, chức danh, nhiệm vụ cụ thể, trong khi ngạch thể hiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc bỏ thi nâng ngạch khiến việc xác định trình độ trở nên khó khăn. Hơn nữa, gắn vị trí việc làm với ngạch công chức không phù hợp với cán bộ, tức là những người giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, hoặc chỉ định, như đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc lãnh đạo Đảng.
“Trả lương và xét chế độ cho cán bộ theo ngạch công chức, như trường hợp đại biểu Quốc hội từng phải thi nâng ngạch, là không hợp lý. Tôi đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để chuyển mạnh sang cơ chế quản lý theo vị trí việc làm, rõ ràng hóa mối quan hệ giữa vị trí việc làm và ngạch, đảm bảo phù hợp với cả cán bộ và công chức” - đại biểu đề xuất.
Nữ đại biểu cũng đề xuất quy định cụ thể việc áp dụng cơ chế đánh giá cán bộ (Điều 19) dựa trên chỉ số hiệu quả công việc (KPI) và lấy ý kiến phản hồi từ người dân, doanh nghiệp. Cơ chế này sẽ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và là tiền đề cho các khâu khác trong công tác cán bộ, như bổ nhiệm, khen thưởng, hoặc kỷ luật.
Ngoài ra, cần đảm bảo tính liên thông trong công tác cán bộ, đặc biệt giữa khu vực công và tư. Hiện nay, chuyển từ khu vực tư sang công rất khó khăn, trong khi chuyển từ công sang tư dễ hơn. “Tôi cho rằng cần khắc phục để tạo cơ chế linh hoạt, đảm bảo “vào khó, ra dễ, lên được, xuống được” - đại biểu nói.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Quân chủng Hải quân đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3

Chủ tịch UBND tỉnh sẽ trực tiếp điều hành công việc của cấp xã khi cần thiết

Chính thức đề xuất chỉ định lãnh đạo tỉnh, thành sau sáp nhập

Ba lần Bác Hồ thăm Bộ đội Hải quân

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 7/5, Quốc hội bàn các vấn đề về tinh gọn bộ máy

Triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Ai sẽ chỉ định Chủ tịch UBND, HĐND tỉnh sau sáp nhập?

Muốn đạt tăng trưởng thì phải đột phá khoa học, công nghệ
