"Vừng ơi mở cửa"- đêm hội ngộ của các thế hệ sinh viên Văn khoa
![]() |
Bài liên quan
Triển lãm tranh hữu nghị Việt Nam – Singapore
Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng lại vở "Tin ở hoa hồng"
Chương trình được thực hiện với mục đích tri ân, tôn vinh các thầy cô - những người đã cùng đóng góp xây dựng nên Khoa Văn học và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành từ môi trường này; với mong muốn tạo cơ hội để các thế hệ sinh viên sống lại một thời hoa niên đầy ắp kỷ niệm với hào khí văn thơ đã trở thành thương hiệu của khoa Ngữ Văn Tổng hợp & truyền lại nhiệt huyết đó cho các thế hệ sinh viên hiện tại.
"Vừng ơi mở ra" xây dựng từ sáng kiến của các anh, chị em cựu sinh viên, Khoa Văn học - Trường Đại học KHXH&NV phối hợp với Hội Cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn, Nhà xuất bản Văn học, Báo Đời sống & Pháp luật, báo Kinh tế và Đô thị, Ban Văn học nghệ thuật VOV6 Đài Tiếng nói Việt Nam.
Theo đó, chương trình được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp với sự góp mặt của đông đảo thế hệ cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn trước đây, Khoa Văn học hiện nay cùng khách mời là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ tên tuổi: Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Việt, Trần Quang Đạo, Lê Cảnh Nhạc, Nguyễn Vĩnh Tiến… Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam là Trưởng ban chỉ đạo chương trình.
Trần Thanh Tùng (Tùng John) - một gương mặt quen thuộc của “làng” sinh viên Hà thành những năm 1990 sẽ cùng ca sỹ Thành Lê và nhiều nghệ sỹ khác làm sống dậy đam mê âm nhạc, gợi lại không khí văn nghệ trong đời sống sinh viên Hà Nội thuở chưa xa. Những ca khúc được phổ thơ của các cựu sinh viên Văn khoa như Nguyễn Thế Kỷ, Đoàn Ngọc Thu cũng được gửi tới khán giả.
Tại chương trình nghệ thuật này, Hội Cựu sinh viên Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) sẽ trao tặng và đóng góp cho Quỹ học bổng Văn Khoa từ nguồn tài trợ của một số doanh nghiệp và từ nguồn đóng góp của chính các cựu sinh viên nhằm tiếp lửa cho những sinh viên trẻ.
![]() |
Các thế hệ sinh viên Văn khóa cũng vui mừng chào đón sự trở lại của tập thơ “Vừng ơi mở cửa”, một tác phẩm được NXB Văn học xuất bản từ một tập sách của sinh viên Khoa Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp đã từng lưu hành nội bộ trước đây vào năm 1991.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm- Sinh viên lớp Ngữ văn K15, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã viết về tập thơ như "Một trời nhớ thương" với nỗi xúc động khôn tả.
"Các bạn đang cầm trên tay một tập thơ có một số phận không bình thường – Tập thơ này đã biến mất 27 năm một cách vô tăm tích, rồi lại đột ngột hiện ra trước đôi mắt sững sờ của thi sĩ kiêm nhà báo Nguyễn Tiến Thanh trong một buổi tình cờ dọn nhà. Tiến Thanh đã run run và rưng rưng cầm cuốn sách lên, rồi anh cứ thế ngồi bệt trên nền nhà mà đọc liền một mạch, đọc trong nỗi xôn xao rất khó diễn tả thành lời.
...
Chỉ hai tiếng vừng ơi mà chẳng nhớ
Hang cấm – tim em có bao giờ bỏ ngỏ
Nhớ đi anh, chỉ hai tiếng thôi mà
Vừng ơi! Là cửa sẽ mở ra!
(Vừng ơi mở cửa – Phạm Thu Thủy)
.... Thơ ca cũng giống như tình yêu, khi gọi thì không đến, nhưng khi đã đến thì đuổi cũng không đi. – Tác giả Phương Liên “Ước làm một nhành cỏ dại”, khi linh cảm thấy con tim thiếu nữ của mình đã vĩnh viễn thuộc về người ấy:
Biết bao cành hoa, ngọn lá
Bàn tay ghẻ lạnh, chán chường
Tình cờ vương một nhành cỏ
Dịu mềm, bé nhỏ, yêu thương.
Thế là cỏ em nằm lại
Thế là tay anh nâng niu
Và thế… tình em cháy mãi
Cỏ chẳng dại đâu, anh yêu!
(Cỏ dại – Phương Liên)
Đúng là thơ tình yêu của sinh viên và cũng chỉ có sinh viên mới viết được như thế! Ngay cả khi bị rơi vào trạng thái thất tình thì có tác giả vẫn hiên ngang ngồi ôm đàn mà hát, hát lên một cách run rẩy với chính mối tình bơ vơ của mình:
Thu đã về em lại ra đi
Lá xao xác hàng hàng phố nhỏ
Một mình anh ôm đàn ngồi giữa gió
Lời ca nào khe khẽ lạc trên môi.
(Mùa thu – Trần Nhật Minh)
Tất cả các cảm xúc đó đều hết sức chân thành – chính vì lẽ đó các cây bút góp mặt trong tập thơ: “Vừng ơi mở cửa” đã cùng nhau làm nên một bản hòa tấu của tâm hồn. Công bằng mà nói, không phải bài thơ nào ở trong tập thơ này cũng đều hay cả, có bài khá và có cả những bài trung bình. – Nhưng điều quan trọng là các cây bút sinh viên đã giúp chúng ta giữ lại và nhớ lại một thời hoa bướm nằm giữa những trang sách một thời mà nắng sân trường lung linh trong từng ánh mắt, một thời trong sáng tới mức không thể trong sáng hơn được nữa, một thời đã ra đi và biết bao giờ sẽ trở lại??? Tôi vừa lướt qua trên Fb và bỗng lặng người khi đọc những dòng chữ của ai đó đã viết hộ tâm tư của rất nhiều người, trong đó tất nhiên là có cả tôi: “Nói cho tôi biết đi! Bạn nhớ gì về thời sinh viên của mình? Muốn khóc quá!”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - giảng viên Khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì nhận định: "37 tác giả ngày đó trong tập thơ này, 37 niềm đam mê sáng tạo thơ ca một thời ở Văn khoa Tổng hợp, bây giờ họ ra sao? Tất cả, tất cả họ đều là những con người tử tế. Trong số đó, có người rẽ lối thành doanh nhân, có người là nhà nghiên cứu, có người trở thành nhà báo, không ít người giữ những chức vụ quan trọng ở các cơ quan trọng yếu của nhà nước... Cuộc sống là sự chọn lọc khắc nghiệt, cuộc đời là quá trình vận động vô thường nhưng những người yêu thơ, trân trọng thơ, neo giữ thơ trong tâm khảm vẫn luôn khẳng định được nhân cách, nhân phẩm trong hành trình tồn tại".
Đến với "Vừng ơi mở cửa", tất cả các thế hệ sinh viên đã và đang học tập dưới mái nhà chung Khoa Ngữ Văn trước kia và Khoa Văn học ngày nay, cả những thế hệ sinh viên các Khoa khác đã từng học tập và gắn bó với Đại học Tổng hợp, với Trường Đại học KHXH&NV, với Kí túc xá Mễ Trì sẽ được cùng ôn lại những kỷ niệm xưa, để cùng tự hào về truyền thống của sinh viên Văn khoa Tổng hợp, để cùng lưu giữ và trao truyền tinh thần đó cho các thế hệ sinh viên hôm nay.
Bài liên quan
Tìm hiểu chân dung các văn nhân trong mắt người viết trẻ
Ấn tượng đêm nhạc “Tự hào Việt Nam”
Nhà văn mặc áo lính phải có nghĩa vụ viết về chính cuộc đời mình
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

TP Hồ Chí Minh: Biển người mãn nhãn với màn trình diễn pháo hoa

Đại tiệc văn hóa, công nghệ chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam

Độc đáo bộ sưu tập áo dài "Sen Việt"

Dấu ấn thời gian tại những buổi triển lãm mừng đại lễ 30/4

Nghệ An hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025

Những chương trình đậm chất lịch sử - văn hóa - nhân văn

Hấp dẫn và bổ ích chuỗi hoạt động tại Phố Sách Hà Nội

Bí quyết chăm sóc sắc đẹp tự nhiên cho chị em phụ nữ

Phát triển công nghiệp văn hoá theo lộ trình chắc chắn, phù hợp
