Tag

Trôi theo cảm xúc cùng “Hà Nội chưa xa đã nhớ”

Văn học 31/03/2023 14:04
aa
TTTĐ - Viết tản văn, một thể loại văn học có khuynh hướng phóng khoáng và tự do, ít tính quy phạm, Vy Anh chọn cho mình hai đối tượng, hai lĩnh vực riêng để miêu thuật và bày tỏ cảm xúc. Đó là các trang đặc tả những kỷ niệm da diết của cô với Thủ đô yêu dấu, quê hương của cô có tên là “Hà Nội, bốn mùa thương nhớ”. Tiếp đó, đề tài thứ hai cô theo đuổi là những món ăn ở Thủ đô và cô đặt cho chúng một cái tên chung là “Món ngon Hà thành”.
Nhà văn Ma Văn Kháng ra mắt "Chim én liệng trời cao" ở tuổi ngoại bát tuần Cùng đọc Ma Văn Kháng viết về tình yêu và người phụ nữ trong tình yêu Những xúc cảm sâu nặng gửi tặng bạn bè và tuổi thơ của nhà văn Ma Văn Kháng. Những “ngõ nhỏ, phố nhỏ” thân thương gắn với văn nghệ sĩ của Hà Nội

Tản văn là thế đấy! Không câu nệ gò bó từ nội dung đến hình thức. Bạn có thể đề cập đến mọi vấn đề, mọi mặt của cuộc sống, miễn là từ đó bạn có thể và cần phải bộc lộ được tâm tư, cảm xúc cùng những cảm nhận của riêng mình. Nếu vậy thì phải nói ngay rằng, Vy Anh đã có một sự lựa chọn thông minh, sự lựa chọn mang dấu ấn rõ rệt cái tôi của cô!

Hai phần của cuốn sách, mỗi phần có đặc điểm riêng. Vy Anh là một tâm hồn đa cảm. Sinh ra ở Hà Nội. Lớn lên ở đây, trưởng thành từ đây. Neo giữ trong ký ức cô là con người, cảnh vật, cuộc sống, những gì cô đã trải qua ở mảnh đất thân yêu này.

Ở đây, tất cả mọi thứ, từ những gì nhỏ nhặt nhất, như một mùa cây thay lá, một sắc hoa, một tiếng chim, một ngọn gió, một làn hương… cũng có thể trở thành đối tượng để cô níu lấy, khám phá và ngạc nhiên, giúp cô bầy tỏ tình yêu dạt dào sâu xa với Hà Nội của mình.

Trôi theo cảm xúc cùng “Hà Nội chưa xa đã nhớ”
Nhà văn Ma Văn Kháng và tác giả Vy Anh

Cô yêu Hà Nội khi tháng Hai về “mưa xuân phơi phới, hoa xoan tim tím rụng vơi đầy” cùng hoa bưởi tỏa hương trong gió. Với cô, tháng Ba, thời điểm giao mùa giữa mùa xuân dịu dàng và mùa hạ nồng nàn, Hà Nội “đẹp nao lòng với những cánh hoa sưa trắng muốt bừng nở”.

Tháng Tư về, “những đóa hoa loa kèn như một lời hẹn hò” với cô, dịu dàng khoe sắc trên phố phường. Nắng tháng Năm dắt tay cô ngược dòng thời gian đi về tuổi thơ. “Mùa này, sấu trổ hoa. Những bông sấu trắng ngà hương thơm chua chua dìu dịu la đà theo gió”, vương trên làn tóc tuổi học trò của cô. Với cô, mưa tháng Tám “nhè nhẹ rấm rứt như nỗi nhớ không nguôi của những người yêu xa”.

Văn chương nó lạ thế đấy, đọc 38 bài viết trong “Hà Nội, bốn mùa thương nhớ”, những trang văn trữ tình ấm áp của Vy Anh, không thể không nhớ ra rằng, cô biên tập viên báo Pháp luật và Xã hội này đã từng theo học Thiết kế đồ họa. Vì nếu không thì sao lại có các trang viết kỹ lưỡng với cảm nhận thị giác tài tình chan chan sắc màu, ảnh hình đến thế?

Dạt dào cảm hứng có nhẽ là phần Vy Anh viết về các “Món ngon Hà thành”. Qua cách hành văn nhẹ nhàng và tinh tế, các món ngon của Hà thành mùa nào thức nấy được Vy Anh đưa vào những bài tản văn nhỏ xinh như: “Sấu à... sấu ơi. Bún chả Hà Nội, đi xa vẫn nhớ. Lách cách… lách cách… nộm đơi… Bún ốc nguội - món ăn đặc sắc của đất Hà thành. Nhớ lắm, chè đỗ đen Hà Nội xưa. Canh bóng nấu thả…”.

Ông Richard Sterling, nhà văn Mỹ chuyên viết về ẩm thực và du lịch đã qua 100 nước và viết không biết cơ man nào trang sách về các của ngon vật lạ trên hành tinh. Đến Việt Nam, ông mê ngay ẩm thực. Chắc hẳn ông Richard đã thưởng thức nhiều món ăn Việt. Giá như được thưởng thức thêm cả 30 món, như mấy món vừa kể trên trong cuốn sách của Vy Anh, hẳn ông sẽ càng yên tâm về nhận định của mình!

Còn tôi, đã lâu lắm rồi không còn biết đến mùi vị của món nộm đu đủ xanh ăn lúc trẻ, giờ đọc xong bài “Lách cách... lách cách... nộm đơi...” thì cứ như bên tai vừa rộn lên tiếng kéo khua của ông hàng nộm và khoái thú chưa, một lần nữa lại như được vừa ăn vừa xuýt xoa, xì xoạt… vì cái “tươi ngon giòn ngọt của sợi đu đủ xanh nạo, cái dai dai của thịt bò khô tẩm ướp ngũ vị, cái béo bùi của lạc quyện với nước mắm chua ngọt hòa cùng tương ớt cay the”. Ngôn ngữ văn chương qua năng lực sử dụng của Vy Anh thật tình là có cái hiệu quả đáng quý thế đấy!

Trôi theo cảm xúc cùng “Hà Nội chưa xa đã nhớ”
Tạp tản văn Hà Nội chưa xa đã nhớ của tác giả Vy Anh

Vậy đó, cái đẹp đẽ nhất trong văn chương mà con người có thể trải nghiệm được, đó chính là cái bí ẩn. Mà phát hiện ra cái bí ẩn trong những sự việc bình thường như thế lại chính là cảm thức nền tảng, quan trọng nhất của nghề viết, của người viết.

Vy Anh sở hữu một tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động, một đời sống nội tâm phong phú và có được những kỹ năng viết lách cơ bản. Với tản văn, số chữ dùng không được phép phung phí. Về mặt này, Vy Anh có ý thức trong dè xẻn và chọn lựa, cố gắng để mỗi câu chữ truyền tải một thông điệp có ý nghĩa. Dấu ấn cá nhân là tính nữ trong tản văn của Vy Anh thể hiện không chỉ ở chỗ chọn đề tài. Mà đậm đà hơn ở trong cách cảm, cách nghĩ và những cảm xúc tươi mới, tự nhiên, trong trẻo, chân thành, dồi dào và tinh tế.

Đọc tản văn của Vy Anh là trôi theo dòng cảm xúc, là như được thoát ra khỏi cái ồn ào nhộn nhàng thường khi, lảnh ra một góc trời tĩnh lặng, êm đềm, đắm mình vào nỗi nhớ, xốn xang trong hoài niệm, lắng nghe tiếng nói thầm thì của tạo vật và trân trọng thêm, yêu quý thêm cuộc đời. Chúc mừng thành công đầu tiên của Vy Anh.

Nhà văn Ma Văn Kháng

Đọc thêm

Những "phát súng" cảnh tỉnh sắc bén từ ngòi bút sắc sảo Văn học

Những "phát súng" cảnh tỉnh sắc bén từ ngòi bút sắc sảo

TTTĐ - Trong bối cảnh truyền thông số phát triển mạnh mẽ, thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt và không ít trường hợp thật - giả lẫn lộn thì nhu cầu về một tiếng nói tỉnh táo, sắc sảo và đầy trách nhiệm trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. “Bắn chỉ thiên” - tập tiểu phẩm báo chí của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn vừa được NXB Chính trị Quốc gia Sự thật giới thiệu tới độc giả như một "phát súng" thức tỉnh, truyền thông điệp mạnh mẽ về sự tử tế, chính trực và tinh thần phản biện trong xã hội hiện đại.
“Bóng tàu qua phố”  -  Giai điệu kết nối ký ức Thủ đô và khát vọng tương lai Văn học

“Bóng tàu qua phố” - Giai điệu kết nối ký ức Thủ đô và khát vọng tương lai

TTTĐ - “Bóng tàu qua phố” là khúc ngân dịu dàng vang vọng từ năm cửa ô Hà Nội - nơi quá khứ và hiện tại quyện hòa trong âm vang bánh sắt, sắc vàng mùa thu và nhịp sống đô thị đương đại. Với giọng thơ lãng mạn mà sâu lắng, tác giả Tào Khánh Hưng đưa người đọc lên chuyến tàu ký ức xuyên qua phố cổ, cầu Long Biên, qua cả miền quê lúa thơm và những khát vọng tương lai. Tàu không chỉ chở hành khách mà còn chuyên chở tình yêu Hà Nội, bản sắc Việt và giấc mơ phát triển trên từng cung đường đất nước. Một bài thơ lắng đọng, để ta thêm yêu con tàu, yêu Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến.
“Anh em bình thường” đầy ắp tiếng cười cho hè 2025 Văn học

“Anh em bình thường” đầy ắp tiếng cười cho hè 2025

TTTĐ - Kì nghỉ hè gõ cửa cũng là lúc các bậc phụ huynh quan tâm hơn đến việc lựa chọn các đầu sách thiếu nhi cho con em mình. Ra mắt đúng mùa hè năm nay, bộ truyện tranh dài kì “Anh em bình thường” (gồm 11 tập) do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Tân Việt Books liên kết xuất bản chắc chắn sẽ là lựa chọn làm say mê các bạn nhỏ, hứa hẹn khuấy đảo mùa hè 2025.
Hiệp sĩ Dế mèn Phạm Tuyên với những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian Văn học

Hiệp sĩ Dế mèn Phạm Tuyên với những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian

TTTĐ - Nhạc sĩ Phạm Tuyên được trao Giải Hiệp sĩ Dế mèn vì đã cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp cho thiếu nhi với những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian. Trong đó có cuốn "Về quê - Khúc đồng dao của bé" (đồng tác giả Phạm Hồng Tuyến) lọt vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn năm nay.
Chân thành và cảm động cuốn sách nhà báo Tiểu Phong tặng con gái Văn học

Chân thành và cảm động cuốn sách nhà báo Tiểu Phong tặng con gái

TTTĐ - “Cây mận ngọt nhất Trái Đất từng đến vịnh Hạ Long” của nhà báo Tiểu Phong không chỉ là một cuốn sách dành cho thiếu nhi mà còn là một tác phẩm đầy cảm xúc, phản ánh những khía cạnh sâu sắc của tình cảm gia đình và hành trình trưởng thành. Với lối kể chuyện chân thành và cảm động, cuốn sách hứa hẹn chạm đến trái tim của nhiều độc giả.
Tràn ngập lòng biết ơn với "Chân dung Bác Hồ qua trang sách" Văn học

Tràn ngập lòng biết ơn với "Chân dung Bác Hồ qua trang sách"

TTTĐ - Thế hệ trẻ ngày nay rưng rưng xúc động và tràn ngập lòng biết ơn khi được tìm hiểu "Chân dung Bác Hồ qua trang sách".
Đắk Nông: Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025 Văn học

Đắk Nông: Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025

TTTĐ - Sáng 15/5, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông tổ chức khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025 với chủ đề “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Ra mắt bộ sách đặc sắc của nhà văn Đoàn Giỏi Văn học

Ra mắt bộ sách đặc sắc của nhà văn Đoàn Giỏi

TTTĐ - Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (17/5/1925 - 17/5/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu đến độc giả cả nước bộ sách đặc biệt gồm 8 tác phẩm tiêu biểu của cây bút lớn gắn bó sâu sắc với thiên nhiên và con người Nam Bộ. Các hoạt động kỉ niệm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng được tổ chức để tôn vinh, tưởng nhớ cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trở thành Đại sứ Truyền cảm hứng Giải thưởng Dế Mèn Văn hóa

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trở thành Đại sứ Truyền cảm hứng Giải thưởng Dế Mèn

5 năm - chặng đường lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp trong toàn xã hội, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng... Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) sáng lập và tổ chức thường niên đã khẳng định vị thế là giải thưởng văn hóa nghệ thuật uy tín, tôn vinh các tác phẩm xuất sắc do thiếu nhi sáng tạo hoặc dành cho thiếu nhi. Đây là giải thưởng được trao định kỳ vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), trở thành dấu mốc đẹp trong đời sống văn hóa nghệ thuật dành cho trẻ em Việt Nam.
Khi văn hóa - lịch sử “kết duyên” cùng hội họa... Văn học

Khi văn hóa - lịch sử “kết duyên” cùng hội họa...

TTTĐ - Nằm trong chuỗi hoạt động của dự án phát triển truyện tranh tại Việt Nam, nhân dịp ra mắt loạt sách "Kí ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II" và "Kí ức kiều bào: Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới", Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp cùng Viện Pháp trân trọng tổ chức tọa đàm "Truyện tranh: Khi văn hóa - lịch sử “kết duyên” cùng hội họa".
Xem thêm