Thuốc, thực phẩm chức năng giả "tàn phá" sức khoẻ ra sao?
Dùng thuốc bổ hoá ra "bổ ngửa"?
Mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an TP Hà Nội đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả quy mô lớn, thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả.
Đường dây này do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, cư trú tại số 1, LK 11, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu. Theo đó, các đối tượng khai đã thành lập 17 công ty, trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.
![]() |
Phòng cảnh sát kinh tế, Công an Hà Nội vừa triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc và thực phẩm chức năng giả. Ảnh: Công an TP Hà Nội |
Không thể tưởng tượng nổi, hàng trăm tấn thực phẩm chức năng này nếu được trót lọt tuồn ra thị trường sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng ra sao cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Hà (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Do bố mẹ tôi tuổi đã cao lại có nhiều bệnh lý nền nên tôi thường xuyên mua các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng để biếu ông bà tăng cường sức khỏe. Các sản phẩm này có mức giá khá cao mà sản phẩm nào có cam kết của người bán, lời khuyên từ các bác sĩ, chuyên gia, người nổi tiếng…. khiến chúng tôi như lạc vào “ma trận” mê muội tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây khi cơ quan công an liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều đường dây, cơ sở sản xuất thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, khiến người tiêu dùng như tôi cảm thấy hoang mang và vô cùng lo lắng. Không hiểu những loại thực phẩm chức năng mà tôi đã mua loại nào là giả, loại nào là thật. Việc uống các loại thuốc bổ hoá ra lại "bổ ngửa" như vậy suốt thời gian dài đã âm thầm tàn phá sức khoẻ bố mẹ tôi ra sao?"
Thuốc và thực phẩm chức năng giả đang âm thầm hủy hoại sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi nhiều bệnh lý nền. Đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất về sức khoẻ nhưng lại là đối tượng khách hàng tiềm năng của các dòng sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng. Hậu quả không chỉ làm bệnh tình trầm trọng hơn mà còn là những mất mát về kinh tế và niềm tin.
Bác sĩ Vũ Hoài Nam, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: Các loại thuốc giả hay thực phẩm chức năng giả là những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, có giá tiền cao hơn giá trị thực và đặc biệt, thành phần không đảm bảo, lẫn nhiều các tạp chất.
Ngoài ra, các sản phẩm giả còn dễ nhiễm khuẩn vì không được sản xuất trong dây chuyền chuyên nghiệp và được kiểm định đầy đủ. Khi sử dụng các loại sản phẩm giả này, cơ thể không nhận đủ các chất dinh dưỡng, các tác dụng mong muốn, nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cao. Đồng thời cũng dễ bị nhiễm độc bởi các nguyên liệu để sản xuất nên có tồn dư kháng sinh cao.
“Người cao tuổi, các chức năng gan, thận dễ bị ảnh hưởng bởi các chế phẩm, hóa chất và sản phẩm nhiễm khuẩn. Do đó việc sử dụng thực phẩm chức năng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, có sự tư vấn của các chuyên gia đáng tin cậy. Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm hoặc chế phẩm không rõ nguồn gốc và không được tư vấn bởi chuyên gia có uy tín. Đã từng có người cao tuổi mắc bệnh nền dung nạp các thực phẩm chức năng trôi nổi dẫn đến suy gian, suy thận”, bác sĩ Nam cho biết.
Mở đợt cao điểm tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm chức năng
Theo Bộ Y tế, từ năm 2021 đến nay, thị trường có hơn 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng với 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất. Trong đó, có 29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, 23.133 thực phẩm bổ sung. Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nhận định, thị trường thực phẩm chức năng trong nước tăng trưởng 15%/năm và ngày càng tăng do nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Đánh vào tâm lý người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ, thị trường các sản phẩm thực phẩm chức năng mọc lên "như nấm sau mưa". Tuy nhiên, chất lượng của các loại thực phẩm chức năng càng khó quản lý.
![]() |
Nhiều thực phẩm chức năng và thuốc giả mà các đối tượng chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: Công an TP Hà Nội |
Do đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương mở đợt tấn công từ ngày 15/5 đến 15/6 ngăn tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế.
Các nhà khoa học, nhà quản lý ngành y tế được yêu cầu ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu cơ sở và căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan. Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.
Để tăng cường quản lý chặt chẽ đối với thực phẩm chức năng, hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Mục tiêu của việc sửa đổi là tăng cường chất lượng và an toàn của sản phẩm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước để bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả.
Tin liên quan
Đọc thêm

Mở đợt cao điểm ngăn chặn, phòng chống thuốc, mỹ phẩm, sữa giả

Thông tin về quy định kiểm tra nhà nước với thực phẩm nhập khẩu

Đồng Nai tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Gan tổn thương nghiêm trọng do thói quen ăn thực phẩm tái sống

Liên tục phát hiện các vụ thực phẩm bẩn khối lượng lớn

Đồng Nai tăng cường quản lý thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả

Người cao tuổi cảnh giác "tắc" bã thức ăn trong dạ dày

Doanh nghiệp lợi dụng cơ chế "thông thoáng" tự công bố sản phẩm

Hậu kiểm quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên toàn quốc
