Thị trường xe điện Trung Quốc: Cuộc đua giảm giá, hệ lụy đằng sau
Hiện tại, thị trường xe điện Trung Quốc có tới gần 50 thương hiệu lớn nhỏ cùng tham gia tranh giành người tiêu dùng. Theo các thống kê gần đây, có đến 95% doanh nghiệp đang hoạt động trong tình trạng thua lỗ. Chỉ ba cái tên nổi bật là BYD, Li Auto và Seres được cho là đang có lãi nhờ quy mô lớn và doanh số ổn định.
Điểm đáng chú ý là mặc dù đã trải qua một thời gian dài cạnh tranh về giá, các hãng xe vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch khuyến mãi. Họ liên tục tung ra các gói ưu đãi sâu, giảm giá trực tiếp hoặc hỗ trợ tài chính để kích cầu, thể hiện quyết tâm "đua giá đến cùng". Đối với phần lớn doanh nghiệp, mục tiêu hiện tại không còn là tối ưu hóa lợi nhuận, mà là giành giật thị phần bằng mọi giá.
Theo dữ liệu từ South China Morning Post trích dẫn nghiên cứu của JP Morgan, các chương trình giảm giá xe điện tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 16,8% trong tháng 4/2025, tăng nhẹ so với mốc 16,3% hồi tháng 3. Đây là những con số chưa từng có tiền lệ, phản ánh mức độ khốc liệt của cuộc cạnh tranh hiện tại.
Số liệu từ Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (CPCA) cho thấy, mức giảm giá trung bình từ đầu năm 2024 đến nay là 8,3%, trong khi tính từ cuối năm 2023, giá xe điện tại thị trường nội địa đã giảm khoảng 10% so với các giai đoạn trước đó.
Điều đáng lo ngại là biên lợi nhuận - phần chênh lệch giữa giá bán và tổng chi phí sản xuất đã giảm mạnh từ khoảng 20% cách đây 4 năm, xuống còn vỏn vẹn 10% trong năm 2024. Với mức lợi nhuận mỏng như vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều không thể đảm bảo sự phát triển dài hạn, nhất là trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu và logistics vẫn duy trì ở mức cao.
Với tình trạng cạnh tranh khốc liệt kéo dài, giới phân tích nhận định rằng một làn sóng tái cấu trúc sâu rộng sẽ diễn ra trong ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc. Các thương hiệu nhỏ, thiếu nền tảng tài chính vững chắc hoặc không có lợi thế công nghệ, sẽ buộc phải rút lui khỏi thị trường hoặc sáp nhập vào các tập đoàn lớn hơn để tồn tại.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu đang nổi lên như một giải pháp khả thi. Việc mở rộng thị trường ra nước ngoài giúp các hãng xe Trung Quốc bán được sản phẩm với giá tốt hơn, từ đó cải thiện biên lợi nhuận và duy trì hoạt động sản xuất.
Theo số liệu mới nhất, trong 4 tháng đầu năm 2025, xe điện đã chiếm khoảng 33% tổng lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc, đây là một bước tiến đáng kể so với mức trung bình 25% của hai năm gần đây. Con số này không chỉ phản ánh xu hướng toàn cầu hóa của ngành xe điện Trung Quốc, mà còn là bằng chứng cho nỗ lực tìm kiếm “vùng trời mới” của các nhà sản xuất trong nước.
Dù đang dẫn đầu thế giới về sản lượng và tốc độ phát triển xe điện, thị trường Trung Quốc vẫn đối mặt với bài toán cân bằng giữa tăng trưởng và lợi nhuận. Khi cuộc đua giá tiếp diễn, những hệ lụy về tài chính, nguồn lực và chất lượng sản phẩm cũng trở thành thách thức lớn.
Tương lai của ngành xe điện Trung Quốc phụ thuộc không chỉ vào công nghệ hay quy mô sản xuất, mà còn vào khả năng thích ứng chiến lược, từ tinh gọn hoạt động nội địa, nâng cao hiệu quả vận hành, đến mở rộng chinh phục các thị trường toàn cầu đầy tiềm năng.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Green Future ra mắt dịch vụ cho thuê xe cưới chỉ từ 1,2 triệu đồng

VinFast Minio Green sẽ sử dụng lốp do Sailun sản xuất tại Việt Nam

Hyundai Creta 2025 được nhận đặt cọc, dự kiến ra mắt vào tháng 6

Thi lý thuyết lái xe sẽ dùng bộ đề 600 câu hỏi từ 1/6/2025

3 lý do VinFast EC Van “gây bão” cọc trên thị trường

Những mẫu CUV/SUV phổ thông chuẩn bị đổ bộ thị trường Việt

Phát động Chương trình bồi dưỡng kỹ năng lái xe cho học sinh THPT

Hyundai Motor trở thành nhà tài trợ mới của ASEAN Hyundai Cup

Đại gia Minh “Nhựa” chia tay SUV hạng sang Range Rover SVAutobiography
