Sửa luật phải nêu được đặc thù riêng, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển
![]() |
Thanh niên Việt Nam luôn giàu hoài bão và khát vọng cống hiến
Bài liên quan
Trên 7.000 cán bộ, đoàn viên khối Doanh nghiệp Trung ương hiến máu tình nguyện
Ý chí đủ lớn ắt sẽ tìm ra cách thực hiện
Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phát huy thế mạnh- xứng đáng đầu tàu trong cả nước
Sáng 10/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Thanh niên sửa đổi. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sau 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên, cho thấy việc ban hành luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Theo Bộ trưởng Nội vụ, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 26 điều so với luật hiện hành. “Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng, giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm”, Bộ trưởng Tân nói.
Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, thanh niên là một trong những nhân tố có vai trò quan trọng, quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước, có sức trẻ, thể lực dồi dào, tư duy năng động, sáng tạo.
Mục đích chính của việc xây dựng quyền, nghĩa vụ cũng như chính sách đối với thanh niên là nhằm tạo hành lang pháp lý để thanh niên phát huy sức trẻ, khả năng, trí tuệ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phải tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho thanh niên so với những công dân khác. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo xác định lại cách tiếp cận để từ đó xây dựng nội dung các quyền, nghĩa vụ và chính sách một cách khoa học, có giá trị trong thực tiễn thi hành.
Về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Thường trực Ủy ban nhận thấy đây là chính sách mới, gắn liền với xu hướng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nên việc quy định vào dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo để khuyến khích, thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp.
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”. Viện dẫn câu hát trong bài “Khát vọng tuổi trẻ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong muốn, việc sửa đổi luật lần này cần phải tiếp lửa cho khí thế hừng hực của thanh niên, đồng thời có sự gắn bó mật thiết giữa quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên Việt Nam, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu còn đề nghị nghiên cứu về mô hình Bộ Thanh niên, do Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn làm Bộ trưởng, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, ở nhiều nước trên thế giới, lực lượng thanh niên còn được tham gia vào việc hoạch định chính sách. Nét mới này được thế giới nhấn mạnh tại nhiều diễn đàn về thanh niên, nên chúng ta cũng cần phải quan tâm đến vấn đề này.
Nhắc lại câu của Bác Hồ: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đã là công dân toàn cầu thì thanh niên cũng cần toàn cầu. Do vậy, sửa luật lần này phải làm sao tháo gỡ được khó khăn, bất cập và cả những cái yếu của thanh niên. Ông cũng đề xuất, nghiên cứu nâng độ tuổi thanh niên lên 35 hay 40 tuổi, vì quy định độ tuổi thanh niên 30 tuổi thì quá thấp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đất nước đã thống nhất 44 năm, chúng ta đổi mới rất nhiều, nhưng một số tổ chức, bộ máy thì cơ cấu, hoạt động vẫn không khác mấy so với thời chiến tranh.
Hiện nay Trung ương Đoàn cũng có trụ sở, nhà cửa, tài sản như một Bộ, nhưng lại không có chức năng quản lý nhà nước, không chế tài được ai. "Để làm được điều này cần chủ trương lớn, nhưng tổ chức Đoàn cũng cần suy nghĩ, đề xuất về mô hình, phương pháp tổ chức phù hợp với tình hình mới" ,Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật lần này, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những chính sách trong này quy định thiếu tính đặc thù. "Ví dụ như quy định thanh niên được quyền chăm sóc sức khỏe thì mọi người dân cũng đều có quyền được chăm sóc sức khỏe chứ đâu có riêng gì thanh niên. Hay quy định nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc thì các luật về nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đã quy định rất rõ rồi. Luật Thanh niên phải quy định những nội dung đặc thù, quy định chính sách gì thật sự mới", bà Ngân nhấn mạnh.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin tới cử tri về sắp xếp xã, phường

Phải giải phóng, phát huy mọi nguồn lực của đất nước

Phát huy kinh nghiệm tuyên truyền, vận động của cán bộ Mặt trận

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ về 5 dự án luật quan trọng

Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm tình trạng thuốc giả, sữa giả

Hơn 40 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” năm 2025

Thi đua-khen thưởng phải truyền cảm hứng cho cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin với cử tri về sắp xếp bộ máy

Hà Nội cần quan tâm tới an toàn thực phẩm, sức khoẻ học đường
