Tag

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Còn nhiều thách thức đặt ra

Xã hội 02/04/2025 16:00
aa
TTTĐ - Sáng 2/04, tại Hà Nội, báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra”.
Bắt giữ đối tượng buôn lậu 360kg nguyên liệu thuốc lá

Tọa đàm "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra” có sự góp mặt của đại diện các cơ quan bộ ngành và các tổ chức liên quan, bao gồm ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp; Ông Nguyễn Đức Lê – đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước; Ông Phan Quốc Đông, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan, Bộ Tài chính; Ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA); Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội; TS. Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR); Ông Phùng Danh Tuyến, Phó trưởng Phòng Tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Còn nhiều thách thức đặt ra
Toàn cảnh tọa đàm "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra" do báo Tiền Phong tổ chức

Trong khuôn khổ tọa đàm "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra", các đại diện bộ ngành, cơ quan quản lý cùng các tổ chức liên quan đã nhìn nhận thực trạng buôn lậu thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng vẫn không ngừng gia tăng, mặc dù lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ Nghị quyết 173/2024/QH15. Việc thắt chặt pháp lý để ngăn ngừa hàng lậu cần cân nhắc đến tác động đa chiều để hài hoà các khía cạnh liên quan, đảm bảo việc thực thi hiệu quả mục tiêu Nghị quyết, bao gồm các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm, thiết bị công nghệ; tác động đến môi trường đầu tư, thương mại và các cam kết quốc tế trong bối cảnh Cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã ban hành Công văn 17/TCHQ-GSQL; những phát sinh đối với ngành du lịch Việt Nam trong tương lai…

Tại tọa đàm, Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội cho hay, tội phạm buôn lậu thuốc lá mới thông qua đường biên giới trên biển và đường bộ ngày càng tinh vi, bất chấp lệnh cấm, do lợi nhuận từ hoạt động này cao gấp nhiều lần so với nhập khẩu và kinh doanh truyền thống. Theo ghi nhận, phần lớn các giao dịch diễn ra trên nền tảng trực tuyến, đặc biệt là trong các hội nhóm kín, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác phát hiện và xử lý. Đồng thời, các phương thức vận chuyển cũng trở nên tinh vi, lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh trên toàn quốc để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và khó kiểm soát hơn.

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Còn nhiều thách thức đặt ra
Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội phát biểu tại toạ đàm

Góp ý kiến về về những thách thức gặp phải khi áp dụng Nghị quyết 173, ông Phùng Danh Tuyến, Phó trưởng Phòng Tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Việc chưa hoàn thiện hành lang pháp lý và ban hành văn bản hướng dẫn về các sản phẩm thuốc lá khiến các cơ quan thực thi thiếu sự thống nhất trong xử lý vi phạm. Việc kiểm soát hành vi sử dụng và xử lý vi phạm đối với các đối tượng đặc biệt, chẳng hạn như khách du lịch nước ngoài, vẫn chưa có quy định rõ ràng.

Đồng thời, tình trạng buôn bán thuốc lá lậu ngày càng tinh vi với các hình thức như giao dịch trong các hội nhóm kín, giao hàng trực tiếp, sử dụng từ lóng để quảng cáo... khiến công tác quản lý trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử trở nên phức tạp. Việc triển khai quản lý toàn diện đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan trong công tác thu giữ và tiêu hủy sản phẩm nhập lậu, đặt ra bài toán về phân bổ nguồn lực và ngân sách Nhà nước.

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Còn nhiều thách thức đặt ra
Ông Phùng Danh Tuyến, Phó trưởng Phòng Tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội

Bàn về những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm soát thị trường buôn lậu thuốc lá, ông Nguyễn Đức Lê – đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhận định rằng, tình trạng buôn lậu và vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới đường bộ, đường biển đang diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá mới.

"Trong năm 2024, lực lượng chức năng đã thu giữ 240,000 sản phẩm thuốc lá điện tử cùng 200,000 bao thuốc lá điếu truyền thống. Số liệu này cho thấy, tỷ trọng thuốc lá mới nhập lậu ngày càng chiếm phần lớn và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Do đó, việc xác định nguyên nhân cốt lõi, từ cơ chế chính sách, công tác quản lý hay nhận thức của người dân, trở thành điều kiện cấp thiết để định hướng chiến lược phòng, chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo" - theo ông Nguyễn Đức Lê – đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước

Chia sẻ về thách thức trong quá trình xử lý hàng tồn do doanh nghiệp không được phép triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, ông Phan Quốc Đông, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, hiện chưa được thống nhất hướng xử lý đối với 214 triệu sản phẩm liên quan đến linh kiện thành phẩm thuốc lá mới để xuất khẩu. Điều này cho thấy việc thực thi lệnh cấm không chỉ tác động đến các cá nhân mà tác động tới doanh nghiệp, môi trường đầu tư, chuỗi cung ứng. Do đó, cần có giải pháp tháo gỡ cùng với lộ trình xử lý rõ ràng đối với lượng hàng tồn rất lớn này cũng như đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư. Ông đề xuất, đối với những doanh nghiệp đã nhập nguyên liệu sản xuất theo các hợp đồng ký kết nên được tiếp tục hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định theo cơ chế chuyển tiếp và dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, việc gia hạn hợp đồng sản xuất để xử lý hàng tồn có thể được xem xét đến ngày 31/12/2025.

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Còn nhiều thách thức đặt ra
Ông Phan Quốc Đông, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan (Bộ Tài chính)

Phân tích về việc gia tăng buôn lậu thuốc lá mới, ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho biết, thuốc lá mới được nhiều quốc gia phát triển cho phép sử dụng và đang là một xu thế nên việc phòng chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, 100% các doanh nghiệp thuốc lá tại Việt Nam đều có vốn Nhà nước.

Về ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách với các doanh nghiệp trong ngành, ông Nhân cho hay, trước năm 2025, Công ty thuốc lá Thăng Long – đơn vị thành viên của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đã ký kết hợp tác với một đối tác nước ngoài về việc sản xuất linh kiện và thiết bị thuốc lá nung nóng để phục vụ cho mục đích xuất khẩu, và đã thông qua phê duyệt của Bộ Công Thương. Hiện toàn bộ máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nguyên liệu - trị giá khoảng 15-17 triệu euro - đã được chuyển về và lắp đặt tại Việt Nam. Việc thay đổi quy định từ Công văn 17 có thể dẫn đến nguy cơ Công ty thuốc lá Thăng Long bị kiện, gây thiệt hại đáng kể.

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Còn nhiều thách thức đặt ra
Ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA)

Đồng quan điểm, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Đây là những vấn đề đáng lo ngại, nếu không được giải quyết rốt ráo thì có khả năng bị các nhà đầu tư nước ngoài kiện”. Bởi trước thời điểm có Nghị quyết 173 thì việc kinh doanh của các doanh nghiệp là hợp pháp. Với những cam kết về thương mại với đối tác nước ngoài, trong trường hợp pháp luật Việt Nam thay đổi, nếu gây bất lợi với nhà đầu tư thì cần phải có giải pháp, trước hết là đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư bằng các hình thức khác nhau.

Mặt khác, thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Hiện đã có khoảng 8 doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực này, trong đó tập đoàn Hàn Quốc KT&G đã đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc. “Như vậy, quy định cấm xuất khẩu tác động rất lớn đến nhóm doanh nghiệp này”, ông Hải nhấn mạnh.

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Còn nhiều thách thức đặt ra
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp

Phân tích sâu hơn về góc độ kinh tế, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định: “Cần phải có một lộ trình, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách và đánh giá tác động toàn diện với các chủ thể liên quan trước khi ban hành chính sách”. Các nhà đầu tư nước ngoài thường quan ngại về rào cản thuế quan, rào cản thương mại khi tham gia vào thị trường sản xuất. Song hiện vấn đề quan ngại nhất là rủi ro trong quá trình đầu tư, cụ thể là những thay đổi đột ngột của chính sách. “Nếu chúng ta không tính trước các rủi ro này cho các nhà đầu tư thì ảnh hưởng rất lớn, khiến cho các nhà đầu tư lưỡng lự, thậm chí mất đi nguồn vốn tín dụng, cần phải bảo bộ các nhà đầu tư và có giải pháp cho vấn đề này”.

Ông Lê Đại Hải cũng đặt vấn về tính phù hợp của việc đưa định nghĩa, khái niệm về các sản phẩm thuốc lá mới vào một nghị định xử phạt hành vi như đề xuất của Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định và cho rằng cần phải sửa đổi các khái niệm này từ các văn bản quy phạm pháp luật gốc (luật và các văn bản dưới luật) để bao quát hết các đối tượng.

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Còn nhiều thách thức đặt ra
TS. Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Đồng thời, ông Lê Đại Hải chỉ ra, đối tượng chịu tác động xung quanh chính sách về thuốc lá mới hiện nay còn có thành phần khách du lịch nước ngoài, nhất là những người đến từ các nước đã cho phép sử dụng thuốc lá mới. Họ đang sử dụng bình thường sản phẩm này ở nước sở tại, nhưng khi nhập cảnh tại Việt Nam thì bị tịch thu, tiêu hủy.

Kết luận tọa đàm, các đại biểu đồng thuận còn nhiều điểm nghẽn trong việc thực thi Nghị quyết 173 về cấm thuốc lá mới, trong đó bao gồm cả vấn đề khó khăn khi nhận diện sản phẩm trong công tác phòng chống buôn lậu và xử lý hành vi vi phạm.

Việt Nam là quốc gia thứ 6 trong khu vực ASEAN cấm thuốc lá mới, do vậy sẽ có nhiều lợi thế vì có thể tham khảo kinh nghiệm các nước để tránh những hệ lụy mà các quốc gia này đã gặp phải. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là thách thức trong việc phòng chống buôn lậu - vấn đề xảy ra ở tất cả các nước cấm, kể cả các nước có hệ thống quy định nghiêm ngặt và giám sát chặt chẽ như Úc, Singapore, Thái Lan.

Đọc thêm

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất tại huyện Thạch Thất Đô thị

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất tại huyện Thạch Thất

TTTĐ - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2558/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2025 tại huyện Thạch Thất.
Điều chỉnh, bổ sung 17 công trình, dự án tại quận Tây Hồ Đô thị

Điều chỉnh, bổ sung 17 công trình, dự án tại quận Tây Hồ

TTTĐ - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2567/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Tây Hồ.
Quảng Ninh: Tích cực tìm kiếm học sinh bị đuối nước mất tích Muôn mặt cuộc sống

Quảng Ninh: Tích cực tìm kiếm học sinh bị đuối nước mất tích

TTTĐ - Liên quan đến vụ việc 7 học sinh bị lũ cuốn tại huyện Hải Hà (Quảng Ninh), đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 3/4 nạn nhân. Lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích còn lại.
Khu vực Bắc Bộ mưa rất to Môi trường

Khu vực Bắc Bộ mưa rất to

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 23/5, nhiều khu vực có mưa dông, đề phòng trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Thủ tướng yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính Xã hội

Thủ tướng yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính

TTTD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 69/CĐ-TTg ngày 22/5/2025 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung hoàn thành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở tại Cao Bằng Môi trường

Nguy cơ lũ quét, sạt lở tại Cao Bằng

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 4 giờ đến 9 giờ ngày 23/5, khu vực các tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 30-50mm, có nơi trên 80mm.
Đoàn MTTQ TP Hà Nội thăm các tổ chức tôn giáo tại TP Huế Xã hội

Đoàn MTTQ TP Hà Nội thăm các tổ chức tôn giáo tại TP Huế

TTTĐ - Ngày 22/5, tiếp tục Chương trình Hành trình kết nối 2025, Đoàn đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), nhân sĩ, trí thức, chức sắc, tôn giáo, dân tộc thiểu số TP Hà Nội đã đến thăm các tổ chức tôn giáo và trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Huế.
Thăm, tặng quà công nhân bị tai nạn lao động ngành Công thương Muôn mặt cuộc sống

Thăm, tặng quà công nhân bị tai nạn lao động ngành Công thương

TTTĐ - Việc thăm hỏi, tặng quà, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động không chỉ là việc làm ý nghĩa trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động mà còn là dịp để các cấp Công đoàn khẳng định vai trò cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, nơi lan tỏa yêu thương, nuôi dưỡng niềm tin và hun đúc tinh thần gắn bó lâu dài.
Quảng Nam: Vụ nổ nhà máy nam châm, 8 công nhân đã xuất viện Xã hội

Quảng Nam: Vụ nổ nhà máy nam châm, 8 công nhân đã xuất viện

TTTĐ - Trong vụ nổ tại nhà máy sản xuất nam châm từ tính SGI Vina (Quảng Nam), 8 trong số 12 công nhân bị bỏng đã xuất viện. Hiện còn 2 người điều trị tại Quảng Nam, 1 chuyển đến Đà Nẵng và 1 trường hợp nặng nhất dự kiến chuyển ra Hà Nội.
TP Hồ Chí Minh lên phương án sắp xếp nhân sự dôi dư Xã hội

TP Hồ Chí Minh lên phương án sắp xếp nhân sự dôi dư

TTTĐ - UBND TP Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch triển khai đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp bộ máy.
Xem thêm