Phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân của MTTQ Việt Nam
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhận danh hiệu Anh hùng Lao động MTTQ TP Hà Nội tặng quà học sinh khó khăn tại tỉnh Nghệ AnPhat |
![]() |
Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 do Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/5 |
Huy động tâm huyết, tạo sự đồng thuận toàn dân
Phát biểu đề dẫn, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, trước yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống chính trị, cải cách bộ máy Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển lâu dài.
Trong đó, việc sửa đổi các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là một nội dung trọng tâm. Điều 9 mới khẳng định mạnh mẽ hơn vị trí của MTTQ là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời cụ thể hóa các chức năng: Đại diện, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phát huy dân chủ và tăng cường đồng thuận xã hội.
Đặc biệt, lần đầu tiên hiến pháp quy định rõ nguyên tắc hoạt động “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ”, xác lập rõ vai trò chủ trì và điều phối của Mặt trận trong hệ thống các tổ chức thành viên.
"Điều này mở ra điều kiện pháp lý thuận lợi để nâng cao hiệu quả hoạt động, tinh gọn đầu mối, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp hiện nay", đồng chí Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc sửa đổi Điều 84 nhằm trao quyền trình dự án luật, pháp lệnh cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là sự khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của Mặt trận trong tham gia xây dựng thể chế, phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân bằng hình thức pháp lý cao nhất.
![]() |
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn |
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đánh giá, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam thành phố là nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân, bảo đảm hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
MTTQ Việt Nam thành phố mong muốn được lắng nghe những ý kiến đóng góp sâu sắc, trách nhiệm, khách quan của quý đại biểu, quý chuyên gia để cùng hoàn thiện nội dung sửa đổi hiến pháp một cách toàn diện, bảo đảm tính ổn định, tính kế thừa nhưng đồng thời thể hiện được sự đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
"Việc góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mà còn là trách nhiệm cao cả của mỗi chúng ta - những người đã và đang công tác trong hệ thống Mặt trận và hệ thống chính trị. Bởi xây dựng hiến pháp không chỉ là vấn đề của các nhà lập pháp, mà còn là vấn đề của toàn dân", ông Phạm Minh Tuấn nói.
Phát huy tối đa sức mạnh của MTTQ Việt Nam
Nêu ý kiến tại hội nghị, bà Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Theo bà Võ Thị Dung, Hiến pháp 2013 không có quy định về hệ thống chính trị của nước ta; nay dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của hiến pháp, tại Điều 9 có nêu “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Vì vậy, bà đề nghị cần sửa đổi, bổ sung để làm rõ hệ thống chính trị của nước ta, cụ thể: “Hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và MTTQ Việt Nam”. Như vậy sẽ làm rõ nội dung bổ sung ở Điều 9 về phần “là một bộ phận của hệ thống chính trị nước ta”.
![]() |
Bà Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến |
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại thành phố, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 là cần thiết nhằm thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; là bước đi quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, tăng tính liên thông, thống nhất và sát thực tiễn, đồng thời bảo đảm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Luật sư Trương Thị Hòa đồng ý về chủ trương tái cấu trúc hệ thống tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, tăng hiệu quả. Tuy nhiên, theo vị này, việc đưa cụ thể tên các tổ chức như: Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên … vào hiến pháp nên được xem xét lại.
"Hiến pháp cần khái quát hóa, tránh mô tả chi tiết để tránh lạc hậu khi có biến động tổ chức", Luật sư Trương Thị Hòa ý kiến.
Luật sư Trương Thị Hòa cũng đề nghị giữ nguyên định hướng tăng cường vai trò trung tâm của Mặt trận, nhưng nên quy định: “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị rộng rãi, là nơi hội tụ và điều phối hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội có cùng mục tiêu phụng sự lợi ích chung của Nhân dân”.
Ngoài ra, Luật sư Trương Thị Hoà cũng đề nghị cân nhắc thêm về việc Đại biểu HĐND không có quyền chất vấn Tòa án Nhân dân, VKS Nhân dân và nên quy định quyền chất vấn của Đại biểu HĐND đối với Tòa án Nhân dân, VKS Nhân dân vì Đại biểu HĐND là người do dân chọn trong các cuộc bầu cử, HĐND là cơ quan quyền lực ở địa phương.
![]() |
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại thành phố, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố, Thành viên HĐTV về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đồng tình với các nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể tại Dự thảo Nghị quyết.
"Việc Dự thảo Nghị quyết quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam là một thay đổi căn bản, phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo. Điều này không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam mà còn làm rõ hơn các chức năng, nhiệm vụ cốt lõi như tập hợp, đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi Nhân dân, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước", Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp mà không làm mất đi tính chủ động, đặc thù của từng tổ chức thành viên, theo vị này, cơ chế "chủ trì" và "thống nhất hành động" cần được cụ thể hóa. Đặc biệt, chức năng giám sát, phản biện xã hội cần có cơ chế đảm bảo hiệu quả thực thi mạnh mẽ hơn, khắc phục tình trạng hình thức, né tránh còn tồn tại.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị trong Luật MTTQ Việt nam (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn cần quy định cụ thể quy chế phối hợp chi tiết giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên cùng cấp, phân định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong từng lĩnh vực.
Đồng thời, cần có cơ chế ra quyết định chung đảm bảo nguyên tắc hiệp thương dân chủ đối với những vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức; cần quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết của cơ quan Nhà nước và đảm bảo nguồn lực phục vụ cho hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam.
"Quan trọng là phải thiết lập cơ chế pháp lý hữu hiệu để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam được các cơ quan Nhà nước tiếp thu, giải trình, xử lý nghiêm túc, có thể xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiến nghị xử lý trách nhiệm vào Điều 9 Hiến pháp hoặc luật chuyên ngành, cụ thể là Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn...", Luật sư Nguyễn Văn Hậu đóng góp.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Dạy nghề, chọn nghề phải đổi mới nhanh, đáp ứng nhu cầu thời đại

Khơi thông điểm nghẽn các dự án trọng điểm để kịp giải ngân

TP Hồ Chí Minh thăng hạng trên bảng xếp hạng khởi nghiệp toàn cầu

Thanh niên Bình Dương "phổ cập kỹ năng số" cho cộng đồng

Bà Rịa - Vũng Tàu không còn hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh

Bệnh viện đa khoa Gia Định bị yêu cầu tạm ngưng phẫu thuật hút mỡ bụng

TP Hồ Chí Minh sẽ giải thể các hội, quỹ cấp quận, huyện

Phân bón Cà Mau tiếp tục đồng hành cùng thể thao Việt Nam

Bứt phá toàn diện, PVCFC giữ thế chủ lực trong mùa vụ Hè Thu
