Tuyến đường dọc sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, đi quận Cầu Giấy dài 2,3 km, rộng 4 m, dự kiến được cải tạo thành làn đường dành cho xe đạp đi hai chiều rộng 3 m, một mét còn lại dành cho người đi bộ.
Người dân Thủ đô phấn khởi vì sắp có làn đường cho xe đạp
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề xuất tổ chức hai tuyến đường dành cho xe đạp ở dọc sông Tô Lịch và quanh công viên Hòa Bình - đường Hoàng Minh Thảo.
Tuyến đường này có khả năng kết nối với ga Láng của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và ga số 8 của metro Nhổn - ga Hà Nội. Ngoài ra, tuyến đường sẽ tạo kết nối với các tuyến xe buýt trên đường Láng thông qua 6 trạm chờ. Các đơn vị liên quan sẽ bổ sung 6 trạm xe đạp công cộng dọc tuyến.
![]() |
Hai tuyến đường dự kiến thí điểm làn cho xe đạp. Đồ họa: Đăng Hiếu |
Tuyến đường thí điểm thứ hai là vỉa hè quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo, quận Bắc Từ Liêm. Tổng tuyến đường dành cho xe đạp khoảng 5,7 km, trong đó khu vực đi trên hè quanh công viên Hòa Bình 1,8 km, đi trên đường Hoàng Minh Thảo gần 4 km.
Theo kế hoạch, để xây dựng làn xe đạp tại công viên Hòa Bình, thành phố cần sửa chữa vỉa hè, tạo đường ưu tiên cho xe đi hai chiều rộng 3 m. Đường Hoàng Minh Thảo sẽ tổ chức giao thông dành riêng cho xe đạp trên cơ sở làn xe hỗn hợp hiện có. Làn dành cho xe đạp mỗi chiều rộng 2 m, phần 4,5 m còn lại dành cho xe máy và xe thô sơ.
Kinh phí cho thí điểm hai tuyến đường trên gần 10 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Trong đó tuyến dọc sông Tô Lịch là 970 triệu đồng, tuyến xung quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo 8,8 tỷ đồng.
Hiện Hà Nội chưa có tuyến đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe đạp. Phương tiện này đang đi chung với ôtô, xe máy. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng việc thiếu hạ tầng cho xe đạp phần nào hạn chế người dân sử dụng cũng như khiến dịch vụ xe đạp công cộng khó phát triển.
Trước thông tin Hà Nội đề xuất tổ chức hai tuyến đường dành cho xe đạp ở dọc sông Tô Lịch và quanh công viên Hòa Bình (đường Hoàng Minh Thảo), nhiều người dân Thủ đô vui mừng, phấn khởi vì tuyến đường này sẽ giúp người đi xe đạp dễ dàng kết nối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng.
![]() |
Tuyến đường đi bộ nằm dọc sông Tô Lịch được đề xuất thí điểm làn đường dành cho xe đạp |
Anh Trần Đức Minh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Việc thành phố Hà Nội đề xuất tổ chức hai tuyến đường dành cho xe đạp ở dọc sông Tô Lịch và quanh công viên Hòa Bình (đường Hoàng Minh Thảo) sẽ tạo điều kiện rất lớn cho người dân Thủ đô nói chung và những người dân sống gần khu vực đó nói riêng.
Đơn cử như tôi, tôi đi làm cách nhà khoảng 3km, nhiều khi muốn đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe nhưng không có làn đường riêng, phải đi chung với các phương tiện giao thông khác khiến tôi cũng băn khoăn. Nếu giờ có thêm làn đường cho xe đạp ở dọc sông Tô Lịch, tôi sẽ đi xe đạp đi làm hàng ngày, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa góp phần bảo vệ môi trường”.
Thường xuyên sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển, anh Đặng Quốc Việt (Xuân La, Tây Hồ) cho biết: "Đây là sáng kiến hay, ý nghĩa và rất thiết thực. Hiện nay, Hà Nội chưa có tuyến đường nào dành riêng hoặc ưu tiên cho xe đạp, vậy nên tôi thường phải đi chung làn với các phương tiện khác, khá nguy hiểm. Cảm ơn thành phố đã có nhiều sự quan tâm đến loại phương tiện sạch này“, anh Việt nói.
Đề xuất thí điểm xây dựng hạ tầng ưu tiên xe đạp, cho thấy sự nghiêm túc xây dựng thành phố thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, tổ chức giao thông tại các nút giao như thế nào? Hay việc đạp xe bên cạnh dòng sông ô nhiễm là những yếu tố khiến tính khả thi của đề xuất bị hoài nghi.
Có hơn 135.000 chuyến đi với tổng quãng đường di chuyển là 840.000km, Hà Nội có số người sử dụng xe đạp công cộng nhiều nhất cả nước kể từ khi mô hình được đưa vào vận hành. Theo các chuyên gia đô thị, đây chính là động lực để sớm thực hiện đề xuất thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe đạp. Nếu hạ tầng kết nối với các phương tiện công cộng hợp lí, viễn cảnh Thủ đô giảm lưu lượng xe cơ giới sẽ không còn là điều mơ hồ.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Khởi công dự án nút giao tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng

Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công, khánh thành nhiều công trình trọng điểm

Dự kiến sắp xếp 18 phường thành 2 phường Hoàn Kiếm, Cửa Nam

HĐND TP Hồ Chí Minh tán thành việc sáp nhập Vũng Tàu, Bình Dương

Hải Phòng: Khởi công dự án khu công nghiệp mức vốn 4.597 tỷ đồng

TP Hồ Chí Minh giảm 171 xã, có 102 xã mới sau sắp xếp

Cảnh báo hiểm họa thả diều gần đường dây điện

Chủ động triển khai Dự án cầu Tứ Liên đảm bảo tiến độ

Tạo chuyển biến và nhận thức trong vận hành đường sắt đô thị
