Nêu gương sáng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô ngày càng khởi sắc |
Bài 1: Trưởng thôn trẻ miệng nói, tay làm
Tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Mạnh Tuân, đảng viên trẻ thôn Đầm Sản (xã Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội) làm cho một doanh nghiệp với mức lương hơn 10 triệu đồng/ tháng. Một ngày, người dân Đầm Sản ngạc nhiên khi thấy anh Tuân bỏ việc về quê làm việc với phụ cấp vỏn vẹn 250.000 đồng/tháng…
Bỏ phố về quê
Từ ngày đó, đến nay anh Tuân đã có 8 năm kinh nghiệm làm Trưởng thôn Đầm Sản. Chàng trai trẻ cho biết, lý do anh quyết định bỏ phố về quê là theo lời mời, thuyết phục của chi bộ thôn và khát vọng cống hiến cho quê hương. Suốt quá trình lao động anh luôn là đảng viên trẻ gương mẫu. Anh Tuân không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính quyền mà còn tích cực dân vận trong giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Mường.
![]() |
Anh Nguyễn Mạnh Tuân (bên phải) tại không gian văn hóa dân tộc Mường thôn Đầm Sản (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) |
Xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) có 70% là đồng bào dân tộc Mường. So với các đơn vị khác trong huyện, đời sống người dân của xã còn nhiều khó khăn. Vì vậy, giống như nhiều thanh niên khác, tốt nghiệp THPT, anh Tuân quyết tâm thi đậu đại học để có thể thay đổi cuộc sống.
Tốt nghiệp ngành Phát triển nông thôn, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Tuân xin được việc làm ở công ty theo đúng chuyên ngành học với mức lương tốt. Trong quá trình học tập, đi làm anh vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở thôn, đồng thời hoàn thành chương trình thạc sĩ. Năm 2014, anh Tuân vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chi bộ thôn Đầm Sản.
Sau 1 năm thử thách anh Tuân trở thành đảng viên chính thức và được Chi ủy thôn tín nhiệm, vận động về quê làm việc cống hiến cho địa phương. Với khao khát góp sức xây dựng quê hương, anh quyết định “bỏ phố về quê” đảm nhận vị trí Bí thư Chi đoàn thôn dù khi đó chỉ nhận vỏn vẹn 250.000 đồng phụ cấp.
Bên cạnh đó, làm công tác phong trào cũng khiến anh Tuân gặp khó khăn. Tuy nhiên, sự năng nổ, nhiệt tình giúp anh vượt qua thử thách, rèn luyện bản thân. Cuối năm 2016, anh được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Đẩm Sản.
![]() |
Anh Nguyễn Mạnh Tuân (bên trái) là Trưởng thôn trẻ luôn nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân |
“Khi mới nhận nhiệm vụ Trưởng thôn do cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân giao, tôi thấy có chút áp lực, do bản thân còn trẻ, kinh nghiệm cuộc sống hạn chế. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực, cố gắng học hỏi, trao đổi, lắng nghe, thấu hiểu, từ đó có hướng vận động Nhân dân trong quá trình xây dựng quê hương”.
Dân vận khéo
Trưởng thôn Đầm Sản Nguyễn Mạnh Tuân cho biết, để có thể hoàn thành tốt các công tác dân vận, ngoài việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị ở cơ sở trong việc vận động người dân, điều anh luôn tâm niệm là phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đến đồng bào dân tộc, anh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mạng xã hội như zalo, facebook. Vì thế, thông tin tuyên truyền đến được với người dân nhanh chóng, kịp thời. |
Một trong việc khó thể hiện sự năng nổ, nhiệt huyết của trưởng thôn trẻ đó chính là anh Tuân cùng tập thể lãnh đạo thôn vận động Nhân dân hiến đất làm đường. Thời điểm các năm 2017, 2019, thôn được huyện Ba Vì đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp đường Đầm Sản 1, đường Đầm Sản 2, ngân sách nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu và kinh phí thi công hai con đường. Song, để làm được tuyến đường rộng, đáp ứng các loại phương tiện tham gia giao thông, các hộ gia đình có nhà ở ven đường phải hiến từ vài chục đến 100m2 đất.
Anh Tuân cùng cấp uỷ Chi bộ thôn bàn bạc, thống nhất cách thức vận động Nhân dân. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, anh đến từng nhà dân để giải thích, tuyên truyền về lợi ích khi đường mở rộng và được đổ bê tông, việc đi lại thuận lợi, an toàn, đồng thời cảnh quan nông thôn sạch, đẹp hơn. Dần dần, các hộ dân trong thôn hiểu và đồng thuận hiến đất để làm 2 tuyến đường này.
![]() |
Thôn Đầm Sản ngày càng phát triển có sự đóng góp của Trưởng thôn trẻ |
Khi đó, cả thôn có 70 hộ ở ven 2 tuyến đường đều đồng thuận dỡ tường bao, chặt hạ cây để hiến đất với tổng diện tích 2.500m2. Đến nay, tuyến đường đã được mở rộng từ hơn 2m lên 3,5-5m. Nhân dân trong thôn cũng tham gia đóng góp gần 200 ngày công để dọn dẹp khi thi công các tuyến đường. Nhiều người dân cho biết, trưởng thôn Tuân đã giải thích tường tận, thấu tình đạt lý nên các hộ hiểu, đồng thuận hiến đất. Giờ thôn có đường rộng, đẹp, đi lại thuận tiện họ đều rất vui.
Một thành công nữa của Trưởng thôn Tuân là đã vận động được 4 hộ trả lại đất công cho địa phương. Trước đây, diện tích nghĩa trang nhân dân thôn Đầm Sản rộng khoảng 18.000m2, đang sử dụng 4.000m2 cho việc chôn cất, cải táng và có 4 hộ gia đình sử dụng khu đất còn lại của nghĩa trang để canh tác, trồng các loại cây, như bạch đàn, keo…
"Chúng tôi rất hiểu tâm tư của các hộ, nên lãnh đạo xã Minh Quang, thôn Đầm Sản đã tổ chức 11 cuộc họp với 4 hộ để tuyên truyền, giải thích về công tác quản lý Nhà nước đối với đất công; đồng thời động viên, chia sẻ băn khoăn của người dân... Nhờ kiên trì thuyết phục, 4 hộ đã đồng thuận trả lại diện tích 14.000m2 đất công cho địa phương", anh Tuân cho hay.
Gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc Mường
Là người con dân tộc Mường, anh Tuân luôn đau đáu việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Với vai trò Trưởng thôn, anh cho rằng, bản thân phải có trách nhiệm khôi phục, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình...
![]() |
Đánh cồng chiêng là một nét đẹp của văn hóa dân tộc Mường |
Nói là làm anh trực tiếp hỏi ý kiến những người cao tuổi trong thôn, tổ chức họp với các chi hội, đoàn thể để tìm giải pháp khôi phục những nét văn hóa đặc sắc. Nhờ đó, năm 2017, thôn Đầm Sản đã thành lập được 1 đội cồng chiêng với 22 thành viên. Đội dần dần khôi phục các bản nhạc cồng chiêng, bài hát dân ca và sưu tầm những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của dân tộc Mường; tổ chức biểu diễn trong các ngày lễ, tết, được Nhân dân trong thôn đánh giá cao. Trong 4 năm xã Minh Quang tổ chức Hội thi nói tiếng dân tộc Mường, đội thi thôn Đầm Sản đã giành 2 giải Nhất, 1 giải Nhì và một cá nhân được giải Xuất sắc.
Để gìn giữ tiếng nói dân tộc Mường, anh Tuân nảy ra ý tưởng mở lớp dạy cho trẻ em. Anh đến trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình xin tài liệu dạy tiếng Mường rồi cùng 6 ông, bà cao tuổi trong thôn dạy lại cho các em nhỏ. Trong hơn 2 tháng hè, đã có khoảng 50 trẻ được học tiếng Mường bài bản, với 8 chủ đề: Nghe, nói, đọc, thực hành giao tiếp, tìm hiểu văn hóa dân tộc Mường, hiểu biết về dụng cụ sinh hoạt và ẩm thực của người Mường…
![]() |
Anh Tuân cùng người dân Đầm Sản đang nỗ lực giữ gìn nét văn hóa dân tộc Mường |
Bé Nguyễn Thị Ánh ở thôn Đầm Sản chia sẻ: “Cháu rất vui khi tham gia học lớp tiếng Mường do thôn tổ chức. Qua đó, cháu đã hiểu và thêm yêu tiếng dân tộc mình. Sau khi học, cháu và các bạn trong thôn nói chuyện bằng tiếng Mường nhiều hơn. Cháu cũng sẽ cố gắng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc”.
Tâm huyết vì cộng đồng, trưởng thôn trẻ đã góp phần tích cực để thôn Đầm Sản luôn giữ vững danh hiệu "Thôn văn hóa cấp huyện". Bản thân anh cũng được UBND thành phố, huyện Ba Vì, UBND xã Minh Quang khen thưởng trong các phong trào thi đua do các cấp.
Đánh giá về trưởng thôn trẻ, ông Trần Hằng Mạnh, Bí thư Chi bộ thôn Đầm Sản cho biết: “Đảng viên Nguyễn Mạnh Tuân là người có trình độ, ham học hỏi, năng động, nhiệt tình, sáng tạo, xuất sắc trong thực hiện công tác dân vận, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. |
Còn nữa
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Chọn ngành thời đại số: Nỗi lo hay cơ hội cho Gen Z?

Bài 2: “Cây sáng kiến” ở Khatoco

Tuyên dương 500 "Cháu ngoan Bác Hồ" TP Hồ Chí Minh năm 2025

Thủ lĩnh Đoàn thời công nghệ số

Tuổi trẻ Phú Yên ghi dấu ấn đậm nét trong Tháng Thanh niên 2025

Đà Nẵng: Tuyên dương 350 Cháu ngoan Bác Hồ cấp thành phố

Ninh Thuận vinh danh 150 Cháu ngoan Bác Hồ xuất sắc

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của “thế hệ vươn mình”

Tập huấn nâng cao kỹ năng số cho cán bộ Đoàn
