Nâng cao hiệu quả tuyên truyền và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người
![]() |
Lực lượng chức năng tiếp nhận nạn nhân bị mua bán người (Ảnh: Thái Linh)
Bài liên quan
Nạn mua bán người có xu hướng lan rộng
Bắt 4 đối tượng mua bán người, giải cứu hai cô gái trẻ
Lạng Sơn: Bắt giữ đối tượng mua bán người, giải cứu hai nạn nhân
Nhiều địa phương đã thực hiện tốt các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thông qua hoạt động lồng ghép, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn với các nội dung thiết thực, hiệu quả như tổ chức dạy nghề cho phụ nữ, trẻ em thuộc diện nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, cấp phát học phí, học bổng gắn với các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người.
Đề án 1 “Truyền thông phòng, chống mua bán người” thuộc Chương trình 130/CP giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, nhưng trên thực tế, theo chức năng, nhiệm vụ thì hầu hết các Bộ, ngành và địa phương đều thực hiện các hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Nhiều địa phương đã có những cách làm tích cực để phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về kịp thời, hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương đã tích cực chủ động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người với các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục, bản tin, lô-gô (logo), tờ rơi, giúp người dân hiểu rõ phương thức hoạt động, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người, tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong xã hội.
Theo báo cáo của Cục Báo chí, tính từ tháng 1/2012 đến ngày 20/8/2018, đã có 2.479 tin, bài, phóng sự, ký sự, tọa đàm trường quay, chuyên mục “Vấn đề hôm nay”… phản ánh về công tác phòng, chống mua bán người đã được đăng phát trên các cơ quan báo chí (gồm báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử); 4.958 thông tin liên quan đến phòng, chống mua bán người được đăng tải trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, facebook, blog…).
Để phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền, mỗi năm, khoảng 200-300 phóng viên, biên tập viên thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn tổ chức tại các vùng, khu vực. 90% phóng viên các cơ quan truyền thông đại chúng từ Trung ương đến địa phương theo dõi mảng nội chính có kiến thức, kỹ năng viết và đưa tin về phòng, chống mua bán người.
Tại các địa phương, theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các hoạt động tuyên truyền huy động sự tham gia phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về kết hợp với phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS được triển khai thông qua nhiều hình thức, đổi mới về nội dung, có hiệu quả cao hơn so với trước đây như cung cấp tài liệu tuyên truyền đến tận cơ sở, tổ dân phố và người dân, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu pháp luật… Nhiều Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã chú trọng các hoạt động tuyên truyền trong học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng nghề, công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, thanh niên thiếu việc làm, nhất là nữ thanh niên ở khu vực nông thôn để phòng ngừa nguy cơ bị mua bán.
Kết quả, từ năm 2011 đến tháng 5/2018, đã tổ chức trên 400.000 cuộc truyền thông cộng đồng cho trên 20 triệu lượt người tham dự, hơn 8.000 lớp tập huấn chuyên sâu và lồng ghép với phòng, chống tệ nạn xã hội cho thanh viên Ban chỉ đạo 138 địa phương; xây dựng, duy trì hoạt động hàng nghìn câu lạc bộ nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng bổ ích, thiết thực giúp chị em tự tin, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc; cấp phát trên 200.000 cuốn tài liệu các loại, kẻ vẽ gần 300.000 pano, áp phích, gần 400.000 tờ bướm và thực hiện trên 200 chuyên đề, chuyên mục liên quan đến công tác này.
Nhiều địa phương đã có những cách làm tích cực để phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về kịp thời, hiệu quả. Các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang và nhiều tỉnh khác tổ chức tuyên truyền, quảng bá số điện thoại 18001567 của Đường dây nóng về phòng, chống mua bán người và chăm sóc, bảo vệ trẻ em….
Cần sớm hoàn thiện căn cứ pháp lýLuật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ lâu nhưng chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn; kể cả đến khi đã có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng, bởi đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài, xảy ra đã lâu mới bị phát hiện, đối tượng và nhất là nạn nhân ở nước ngoài hoặc không thể xác minh, xác định; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của bị hại hoặc của người nhà nạn nhân…
Theo báo cáo của Bộ Công an, Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực đã hơn 6 năm nhưng đến nay các Bộ, ngành chức năng chưa tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định, trên cơ sở đó ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật. Việc này có trách nhiệm của Bộ Công an trong việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1173/QĐ-TTg ngày 18/7/2011 phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, trong đó có đề xuất xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhưng không đề cập đến việc giao cho các Bộ, ngành nào chủ trì xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật.
Mặt khác, theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật, Bộ Công an chưa ban hành được Thông tư quy định chi tiết các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ. Từ năm 2014, Bộ mới chỉ đạo đơn vị chức năng dự thảo Thông tư, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến phục vụ xây dựng, ban hành.
Những hành vi có dấu hiệu mua bán người được đề cập trong Luật Phòng, chống mua bán người hay hành vi có dấu hiệu tương đồng với mua bán người được quy định trong Bộ luật Hình sự như tổ chức người trốn đi nước ngoài, môi giới mại dâm, chứa mại dâm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…. Nhưng thực tế vẫn đang thiếu các văn bản hướng dẫn nên khó khăn trong công tác xử lý tội phạm cũng như xác minh, xác định nạn nhân của vụ án mua bán người.
Thông tư liên tịch số 01 ngày 23/7/2013 của liên Bộ: Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tư pháp hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 119, 120 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã hết hiệu lực, không còn phù hợp với các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018). Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật là Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán người theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành chưa được ban hành, khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử.
Tội phạm mua bán người chủ yếu là mua bán ra nước ngoài nên đa số các vụ án xảy ra đều ít nhiều liên quan đến yếu tố nước ngoài và phải thực hiện các quy định của Luật Tương trợ tư pháp 2007 để thu thập thông tin, xác minh, điều tra… thì mới được coi là chứng cứ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do không có thời hạn cụ thể nào nên việc thực hiện tương trợ tư pháp, trả lời ủy thác điều tra của phía nước ngoài thường chậm, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn điều tra vụ án. Việc trưng cầu phiên dịch viên tư pháp trong điều tra vụ án mua bán người liên quan đến đối tượng là người nước ngoài, nhất là Trung Quốc, gặp nhiều khó khăn về nhân sự và tư cách pháp nhân của phiên dịch viên.
Việt Nam mới chỉ tận dụng được hiệu quả hợp tác quốc tế ở việc hỗ trợ nạn nhân trong nước. Trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng và triển khi dự án “Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”, giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2013 thông qua số máy 18001567 và giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2017 thông qua số máy 111.
Trong công tác hỗ trợ nạn nhân tại các tỉnh, thành phố, với sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của quốc tế, đã và đang triển khai các mô hình hỗ trợ nạn nhân như: Nhà nhân ái tại Lào Cai và An Giang; mô hình nhóm tự lực tại Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh; mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” tại Nghệ An. Trong thời gian tới, các mô hình này cần được tiếp tục đây mạnh hơn nữa và đặc biệt cần có chiều sâu.
“Đây là bài tuyên truyền về phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán” của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Điện Thái Hòa di tích đầu tiên đạt tiêu chuẩn công trình xanh LOTUS

Đà Lạt xử lý công nợ trước khi sắp xếp đơn vị hành chính

Tôn vinh những công trình xuất sắc, tái sinh từ rác thải

Dự kiến sắp xếp thành 4 đơn vị hành chính cơ sở

Quận Hoàng Mai lấy ý kiến về phương án sắp xếp thành 7 phường

Quận Tây Hồ lấy ý kiến phương án sắp xếp thành 2 phường

Lan tỏa sức mạnh cộng đồng nhân Ngày Trái Đất 2025

Khánh thành, thông xe tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài

Khởi công dự án nút giao tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng
