Mối lo từ các loại “thần dược” quảng bá tràn lan trên mạng xã hội
Tràn lan quảng cáo “độc”
Thời gian gần đây hàng loạt quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, điển hình là YouTube, thường xuyên xuất hiện chen vào giữa nội dung của các clip với âm thanh lớn, ảnh hưởng cảm xúc của người xem, nhất là với video rèn luyện sức khỏe tại nhà mùa dịch hoặc chăm sóc sức khỏe gia đình...
Không chỉ quảng cáo tràn lan với các hình thức khiến người xem khó chịu, nội dung của nhiều quảng cáo trực tuyến còn nhảm nhí, không đúng sự thật, thổi phồng công dụng quá mức, gây hậu quả khôn lường.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh (ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Đợt giãn cách xã hội vừa qua, các phòng tập đóng cửa, tôi không thể đến phòng tập nên đã mở video hướng dẫn yoga trên YouTube để tập theo với mong muốn rèn luyện thêm để tăng cường sức khỏe.
Tuy nhiên, các video thường bị chèn thêm quảng cáo về sản phẩm, thực phẩm chức năng, khiến tôi mất thời gian, thậm chí phải đứng dậy để ấn bỏ qua quảng cáo. Trong khi đó, nhiều quảng cáo còn buộc phải xem hết nội dung mà tôi không được lựa chọn tắt mà trước đây có thể tắt quảng cáo nếu không muốn mất thời gian".
![]() |
Một nghệ sĩ quảng cáo "thuốc" giảm cân dạng viên sủi có chức năng đánh bay mỡ thừa siêu nhanh, trong khi thực tế đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe |
Bên cạnh những quảng cáo không phù hợp với nội dung video trên nền tảng YouTube, Facebook… khiến người xem cảm thấy bất tiện, khó chịu thì một số quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm lại khiến người xem hoang mang về giá trị thật.
Đánh vào tâm lý người xem về vấn đề hình thể và nhu cầu tương tác cao trong đại dịch COVID-19, một số clip quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã thổi phồng công dụng của sản phẩm. Đồng thời, các đối tượng còn củng cố lòng tin của người tiêu dùng bằng những chiêu trò, cam kết hiệu quả tức thì.
Điển hình như các video quảng cáo sản phẩm viên sủi cam đang có dấu hiệu thổi phồng công dụng. Sản phẩm này được quảng cáo với những công dụng như “thần dược", “bay vèo vèo 8 - 10kg mỡ thừa”, “không cần ăn kiêng - tập luyện”, "ai cũng có thể dùng được"...
Điều đặc biệt, trong các video quảng cáo trên TikTok, Facebook hay YouTube... không chỉ diễn viên, nghệ sĩ, người nổi tiếng mà còn xuất hiện rất nhiều cá nhân với danh xưng “Giám đốc kinh doanh”, "Giám đốc chi nhánh”, “Tổng kho phân phối”… của một công ty nào đó cũng đua nhau thổi phồng công dụng của sản phẩm với các thành phần giúp "giảm cân nhanh chóng", "giảm mỡ thừa" và đặc biệt là "chỉ sau vài tháng sử dụng".
Cẩn trọng “tiền mất, tật mang”
Mặc dù từ khi có Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, quảng cáo rác... có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này xuất hiện trở lại và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt thông tin quảng cáo xen lẫn nội dung lừa đảo được phát tán không kiểm soát.
Hiện nay, trên mạng xã hội (YouTube, Facebook), nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là thuốc dưới tên gọi “thuốc gia truyền”. Những sản phẩm này được quảng cáo rầm rộ với mật độ dày đặc, trong đó mượn mác người nổi tiếng, bác sĩ và cả những bệnh nhân “nhờ uống thuốc này mà bệnh khỏi hẳn”.
Dạo một vòng các trang trên Facebook, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi bỗng thấy người quen của mình trở thành người bán thuốc chữa bệnh trĩ, bệnh gout, viêm loét dạ dày, ngừa đột quỵ… với lời tư vấn chắc nịch: “Uống một hộp sẽ đánh bay tiểu đường”, “Chỉ một hộp, giảm 10kg”...
![]() |
Hiện trên mạng xã hội vẫn xuất hiện tràn lan các quảng cáo "độc" |
Theo các chuyên gia y tế, nếu không kiểm soát chặt chẽ quảng cáo thổi phồng công dụng tràn lan trên mạng sẽ có nhiều người chịu cảnh tiền mất tật mang. Ngay cả thuốc bổ vẫn có những mặt tiêu cực khi sử dụng. Nếu dùng liều cao, người sử dụng sẽ có những phản ứng phụ như tạo sỏi thận, tăng áp lực nội sọ gây nhức đầu kéo dài, kích thích đường tiêu hóa… Do vậy, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cũng phải cẩn trọng. Phải đi khám bệnh, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ; Không nên mua thuốc trên mạng và tự ý dùng vì có thể nguy hiểm tính mạng”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Mặc dù cơ quan chức năng đã ráo riết kiểm tra nhưng những quảng cáo sai sự thật, gian dối, lừa người tiêu dùng vẫn tràn lan trên mạng xã hội.
Ông Phong khẳng định: “Những quảng cáo biến thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành “thần dược” đều là lừa dối người tiêu dùng. Cục không bao giờ cấp phép cho những quảng cáo kiểu “vĩnh viễn chữa khỏi” hay có những cụm từ như trên trong giấy phép quảng cáo”.
Ông Phong cũng cho biết, những mẩu quảng cáo “Nhà tôi ba đời chữa sỏi thận” hay các quảng cáo về thuốc Đông y gia truyền chữa huyết áp, viêm gan trên YouTube không thuộc lĩnh vực quản lý của Cục An toàn thực phẩm mà thuộc đơn vị khác.
Việc quản lý, cấp phép lưu hành thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng hay cấp phép quảng cáo được quy định khá chặt chẽ. Cụ thể, thuốc chữa bệnh do Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp phép; Thực phẩm chức năng do Cục An toàn thực phẩm cấp phép; Quảng cáo sẽ do Bộ hoặc Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép, quản lý. Tuy nhiên, việc quảng cáo trên mạng xã hội có vẻ đang bị bỏ ngỏ.
Theo các chuyên gia về y học cổ truyền, để không bị lừa, cần tránh mua những loại thuốc “chữa dứt tiểu đường”, “hết ngay đau nhức” vì thuốc Đông y không có hiệu quả tức thì mà cần có thời gian. Hơn nữa, thuốc không thể chữa khỏi những bệnh mạn tính, nên quảng cáo chữa khỏi, chữa dứt là sai sự thật.
Có thể thấy, xu hướng quảng cáo trên các trang mạng xã hội trong mùa dịch đang trở thành mảnh đất béo bở để các đối tượng lừa đảo hoành hành. Vì vậy, trước khi có ý định tìm hiểu, mua sắm hoặc tham gia bất cứ công việc nào trên mạng, người dùng Internet cần có ý thức tự bảo vệ mình, tránh lạc vào “ma trận” mánh khóe, chiêu trò của những kẻ lừa đảo.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bài 4: Không khoan nhượng với hàng giả, hàng nhái, thuốc lá điện tử

Bài 3: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Bài 2: Cẩn trọng với mỹ phẩm giá rẻ tại các chợ truyền thống

Bài 1: Hàng giả, hàng nhái, cơn sốt giá rẻ “đốt cháy” thương hiệu

Nhiều dấu hiệu sai phạm tại Công ty Giám định Vinacontrol

Người dân cần cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo dịp cuối năm

Phát hiện nhiều sản phẩm thuốc thú y vi phạm chất lượng

Nghệ An: Khởi tố Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại ECOTECH

Bột ngọt Meizan đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật Việt Nam
