Mô hình hợp hiến, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn
![]() |
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc không tổ chức HĐND cấp phường không đi ngược lại các nội dung đã nêu trong Hiến pháp
Bài liên quan
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nhờ thí điểm mới rút ra được kinh nghiệm, tìm ra mô hình quản lý tốt
Phù hợp với quy định Hiến pháp, pháp luật
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội không chỉ liên quan và tác động trực tiếp đến các phường thực hiện thí điểm mà còn liên quan và ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của các thiết chế thuộc chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp thành phố.
Để phù hợp, thích nghi với mô hình tổ chức chính quyền mới ở phường thì các thiết chế HĐND và UBND ở quận, thị xã và thành phố cũng phải cơ cấu lại; cùng với đó là phải đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là UBND phường.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), băn khoăn việc không tổ chức HĐND ở cấp phường ở TP Hà Nội có thể không phù hợp với các điều 110, 111 và 114 Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương, về nội dung chính quyền phải có cả HĐND và UBND.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, nếu không tổ chức HĐND thì phường chỉ có "nửa chính quyền", như vậy thì không thể gọi là chính quyền.
Không đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc không tổ chức HĐND cấp phường không đi ngược lại các nội dung đã nêu trong Hiến pháp.
Ông Hiểu diễn giải Hiến pháp quy định cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND, song không phải cấp chính quyền nào cũng phải tổ chức HĐND và UBND mà có thể tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.
Qua thảo luận, Đề án cũng nhận được nhiều ý kiến tán thành, đánh giá cao. Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho rằng, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương gồm ba cấp tỉnh, huyện, xã đã tồn tại trên 70 năm, qua thời gian nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến tổ chức bộ máy.
![]() |
Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) bày tỏ tin tưởng vào thành công của chủ trương này |
Hơn nữa, đô thị và nông thôn có nhiều khác biệt. Ở đô thị có tính tập trung cao, đa dạng về nguồn lực, ranh giới địa giới hành chính không có nhiều ý nghĩa, các dịch vụ công được tổ chức ở quy mô thành phố, hoạt động kinh doanh không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính... cho thấy một số chức năng và nhiệm vụ của chính quyền cấp phường không còn phù hợp.
"Tổ chức chính quyền cấp phường hiện nay làm bộ máy trở nên cồng kềnh, làm chậm quá trình triển khai các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, lãng phí nguồn lực", đại biểu Hùng nêu.
Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường là một điểm đổi mới để thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Đây cũng là một chủ trương lớn phát động mang tính chất xã hội sâu sắc
Ông Phương đánh giá, việc tổ chức thí điểm đáp ứng với yêu cầu phát triển, đô thị hóa, hội nhập quốc tế tại Hà Nội, là yêu cầu trực tiếp đổi mới, cải cách bộ máy tổ chức tinh gọn, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu lực, hiệu quả. Nếu thí điểm cho thấy phù hợp, hiệu quả thì đây là một điểm để nhân rộng trong cả nước trong sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế.
Nhu cầu của nhiều địa phương
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Đề án về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội được thành phố Hà Nội chuẩn bị công phu, có tiếp thu rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 26 năm 2008 và có xây dựng lộ trình từng bước, thận trọng.
Cụ thể, Đề án được thành phố Hà Nội triển khai 2 giai đoạn. Quá trình xây dựng, hoàn thiện, Thành ủy, HĐND, UBND đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu kinh nghệm ở các thành phố đã thí điểm theo Nghị quyết 26 của Quốc hội.
![]() |
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định đây là đề án thí điểm và không vi hiến |
"Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu kỹ lưỡng mọi tác động của dự án khi được triển khai thực hiện. Thành phố rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của HĐND phường để đảm bảo khi thực hiện đề án quyền làm chủ của người dân không bị hạn chế. Đồng thời rà soát, phân cấp Trung ương với thành phố, giữa thành phố với quận huyện để tạo sự chủ động nhanh nhất trong điều hành hành chính các cấp chính quyền” - đại biểu Bích Ngọc làm rõ thêm.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, thành phố đã chủ động xây dựng phương án sắp xếp cán bộ sau khi đề án được triển khai thí điểm. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hướng dẫn của các bộ, ban, ngành, thành phố Hà Nội đã xây dựng đề án sắp xếp cán bộ, tổ chức vận hành công tác quản lý nhà nước tại phường bảo đảm thông suốt, liên tục. Hiện nay, thành phố đã khảo sát, phân loại và có phương án cụ thể về công tác cán bộ, công chức, viên chức của phường, trên cơ sở đó báo cáo các cấp theo quy định.
Làm rõ thêm các ý kiến đại biểu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng khẳng định: Khi xây dựng Đề án này, ngay từ đầu thành phố đã rất quan tâm đến việc thực hiện thí điểm có bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo cũng như lấy ý kiến của các nhà luật học, các nhà quản lý. Qua đó cho thấy đề án là đề án thí điểm và không vi hiến. Đây cũng là nội dung được khẳng định trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
“Ủy ban Pháp luật cũng đã rất cân nhắc vấn đề này. Như tôi đã nêu, việc chuẩn bị đề án thí điểm công phu, lấy nhiều ý kiến của các cơ quan. Nếu nội dung đề án được các cơ quan kết luận là vi hiến thì chúng tôi không làm tiếp”, Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.
Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, đây là nhu cầu thực sự của các địa phương chứ không phải chỉ riêng Hà Nội. Các địa phương đều mong muốn thí điểm mô hình quản lý theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân tốt hơn.
"Về cơ bản, việc thực hiện thí điểm là hết sức cần thiết. Nhờ thí điểm, chúng ta mới rút ra được kinh nghiệm, tìm ra mô hình quản lý tốt. Nếu chúng ta không thí điểm sẽ không tìm ra được mô hình mới…", Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội nói.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hơn 40 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” năm 2025

Thi đua-khen thưởng phải truyền cảm hứng cho cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin với cử tri về sắp xếp bộ máy

Hà Nội cần quan tâm tới an toàn thực phẩm, sức khoẻ học đường

Cơ quan Thành ủy Hà Nội ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”

Phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ vì lợi ích chung của đất nước, vì Nhân dân

Không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, ngại đổi mới

Chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ Nhân dân

Trao đổi, học tập kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác Mặt trận
