"Lợi nhuận cao, chia lãi khủng", ngân hàng đã hỗ trợ, chia sẻ với người dân tương xứng chưa?
Sáng nay (9/6), tiếp tục chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang ) nêu vấn đề: Thời gian qua, khi hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, nhất là khi đối mặt với các gói nợ xấu, cả hệ thống chính trị đã góp sức hỗ trợ với Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV được cho là khá hiệu quả. Ở chiều ngược lại, trong 2 năm qua, ngành ngân hàng đã có những hỗ trợ rất tích cực cho người dân doanh nghiệp, tuy nhiên, sự hỗ trợ này đã tương xứng chưa?
Ông dẫn chứng, hai năm qua, kinh tế tăng trưởng thấp kỷ lục, nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản rút khỏi thị trường; Người dân lao đao vì dịch dã. Nhiều khoản nợ ngân hàng đến hạn không trả được. Nhưng hầu hết nhà băng vẫn lợi nhuận cao, chia lãi khủng. Ông Lâm đề nghị Thống đốc chia sẻ về vấn đề này.
![]() |
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang ) |
Lợi nhuận của các ngân hàng trên tổng tài sản là không lớn
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các tổ chức tín dụng thời gian qua theo kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước đã tham gia đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Khi COVID-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn giảm lãi cho doanh nghiệp, người dân. Tổng số miễn giảm là 48.000 tỷ đồng, đây cũng là sự chia sẻ của hệ thống ngân hàng.
Bà giải thích thêm, bản thân hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, nguồn thu là từ thu lãi và các loại hình dịch vụ khác nhưng cũng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh. Các ngân hàng cần có nguồn tài chính dự phòng để xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư cho phép các nhà băng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp và người dân. Các tổ chức tín dụng tham gia rất tích cực. Nhiều doanh nghiệp nợ xấu, lẽ ra không đủ điều kiện vay vốn, không có khả năng trả nợ, nên không được vay vốn. Nhưng bằng cách này, các doanh nghiệp, người dân có thể được vay vốn trở lại.
Trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng 8%. Mức này theo Thống đốc là cao, cho thấy đây cũng là nhờ thông Thông tư tái cơ cấu các khoản vay và cho phép giữ nguyên nhóm nợ, nên các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau đại dịch thì tiếp tục được vay vốn.
![]() |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng |
Về lợi nhuận của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ các ngân hàng là doanh nghiệp được thành lập với mục tiêu kinh doanh. Nhưng khác với doanh nghiệp thông thường thì số vốn điều lệ và quy mô tài sản của ngân hàng là rất lớn.
Nếu như đến cuối 2020 toàn hệ thống tổ chức tín dụng tổng tài sản là 14 triệu tỷ đồng thì tính đến tháng 3/2022 tổng tài sản của hệ thống ngân hàng lên đến hơn 16 triệu tỷ đồng; Tín dụng khoảng 12 triệu tỷ đồng và tài sản khoảng 1,6 -1,7 triệu tỷ đồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ nếu tính lợi nhuận sinh lời trên tổng tài sản như vậy thì không phải là lớn. Theo những số liệu tổng hợp được trên thị trường chứng khoán, đánh giá theo tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản hoặc tỷ lệ sinh lời trên vốn của các tổ chức tín dụng so với một số các doanh nghiệp ở các ngành khác thì không cao.
Doanh nghiệp bất động sản có khả năng trả nợ thì tiếp tục cấp tín dụng
"Chia lửa" với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giải trình thêm các vấn đề chất vấn đại biểu Quốc hội nêu. Ông khẳng định, điều hành chính sách tiền tệ vừa qua chủ động, linh hoạt và "không làm tăng lạm phát". Lạm phát tăng chủ yếu do tăng giá hàng hoá, trong đó có mặt hàng chủ yếu là xăng dầu.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái |
Phó Thủ tướng cho hay, tới đây Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng trưởng tích cực, mặt bằng lãi suất hợp lý, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; Dự trữ ngoại hối củng cố để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu nền kinh tế.
Trước áp lực giá hàng hoá tăng cao, xu hướng Ngân hàng Trung ương các nước tăng lãi suất, Chính phủ sẽ theo sát tình hình trong nước, điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ điều hành tiền tệ, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cơ quan điều hành khuyến khích các ngân hàng giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; Tăng trưởng tín dụng phù hợp để đủ vốn cho sản xuất, kinh doanh; Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan tới cho vay chứng khoán, bất động sản..., Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tín dụng đáp ứng đủ vốn cho sản xuất, kinh doanh và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt với các lĩnh vực tiềm ẩn. Với dự án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp có tính khả thi, thanh khoản tốt, có khả năng trả nợ thì tiếp tục cấp tín dụng. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ thời gian qua.
Trước quan điểm "siết" tín dụng vào bất động sản, Phó Thủ tướng cho rằng, phải rà soát lại việc cho vay vừa qua có đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện hay chưa.
"Nếu trước đây làm chưa đúng thì phải rà soát, điều chỉnh lại cho đúng, còn nếu làm đúng rồi thì tiếp tục cho vay. Với dự án, chương trình hiệu quả thì tiếp tục cho vay, cấp vốn, đảm bảo tín dụng cho nền kinh tế", Phó Thủ tướng khẳng định.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Khâu đột phá quan trọng để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững

Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin tới cử tri về sắp xếp xã, phường

Phải giải phóng, phát huy mọi nguồn lực của đất nước

Phát huy kinh nghiệm tuyên truyền, vận động của cán bộ Mặt trận

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ về 5 dự án luật quan trọng

Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm tình trạng thuốc giả, sữa giả

Hơn 40 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” năm 2025

Thi đua-khen thưởng phải truyền cảm hứng cho cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin với cử tri về sắp xếp bộ máy
