"Làn gió mới" cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn
Cán bộ hỗ trợ tối đa cho người dân
Ngày 1/7 là ngày đầu tiên mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên toàn quốc chính thức vận hành. Ghi nhận tại tại điểm phục vụ hành chính công Tương Mai (UBND phường Tương Mai, TP Hà Nội), không khí làm việc diễn ra khẩn trương, chuyên nghiệp. Khu vực tiếp công dân được bố trí khoa học, biển bảng chỉ dẫn rõ ràng, hệ thống máy móc hiện đại bảo đảm kết nối thông suốt với Cổng dịch vụ công Quốc gia và hạ tầng dữ liệu dùng chung của thành phố.
Theo đồng chí Đào Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND phường Tương Mai, trước thời điểm chính thức chuyển đổi mô hình quản lý hành chính, cấp ủy, chính quyền phường Tương Mai đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức vận hành thử nghiệm nhiều lần, rà soát kỹ lưỡng toàn bộ quy trình làm việc.
Mỗi nhóm công việc đều được phân công cụ thể, rõ ràng, từng cán bộ được giao nhiệm vụ sát thực tiễn, phù hợp với năng lực chuyên môn. Nhờ đó, khi bước vào ngày đầu vận hành cơ chế mới, bộ máy không hề lúng túng mà trái lại, vận hành trơn tru, hiệu quả, đem lại sự hài lòng cho người dân.
Đáng chú ý, trong điều kiện là phường có quy mô dân số lớn, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, Tương Mai đã linh hoạt cải tạo không gian làm việc, bố trí lại phòng chức năng, đầu tư bổ sung các thiết bị cần thiết như máy tính, máy in, đường truyền internet tốc độ cao.
![]() |
Ghi nhận tại tại điểm phục vụ hành chính công Tương Mai (UBND phường Tương Mai, TP Hà Nội), không khí làm việc diễn ra khẩn trương, chuyên nghiệp |
Bên cạnh cơ sở vật chất, yếu tố con người được coi là then chốt tạo nên thành công. Đội ngũ cán bộ phường Tương Mai không chỉ được đào tạo bài bản, nắm vững quy trình chuyên môn mà còn thể hiện rõ trách nhiệm và sự cầu thị trong phục vụ nhân dân.
Ông Nguyễn Xuân Hồi, cư dân tổ 10, chia sẻ sau khi hoàn tất thủ tục nhanh chóng trong thời gian ngắn: “Tôi thực sự ấn tượng với trách nhiệm của cán bộ ở đây. Không còn cảnh chen chúc hay chờ đợi mệt mỏi như trước, mọi thứ đều rõ ràng, thuận tiện”.
Cựu chiến binh Đỗ Tuấn Thật (tổ 17) cũng bày tỏ sự đồng tình: “Cán bộ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn rất lễ phép, từ tốn với người lớn tuổi. Nếu giữ được tác phong này lâu dài, chính quyền địa phương hai cấp chắc chắn sẽ gần dân và vì dân hơn bao giờ hết”.
Trong khi đó, đánh giá cao việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đồng chí Nguyễn Thị Yên, Tổ trưởng Tổ dân phố số 18 (phường Phương Liệt, TP Hà Nội) cho rằng: “Bộ máy chính quyền mới có ưu điểm là nhanh gọn, giúp giảm bớt các khâu trung gian trong quá trình vận hành. Thông tin sẽ nhanh hơn, giúp chính quyền thành phố gần dân, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn”.
“Cú hích” về thể chế
Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức được vận hành trên phạm vi toàn quốc, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong tiến trình cải cách thể chế của Việt Nam.
Một cuộc cải cách hành chính quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ đang diễn ra với những thay đổi nền tảng: giảm số lượng các Bộ và cơ quan ngang Bộ từ 22 xuống còn 17; sắp xếp lại các đơn vị hành chính, sáp nhập từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34; tinh gọn mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp xuống còn 2 cấp.
Song song với đó, Hiến pháp và hàng loạt bộ luật quan trọng cũng được sửa đổi, bổ sung, nhằm xây dựng một bộ máy tinh gọn, linh hoạt và hiệu quả hơn ở Trung ương và địa phương, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
![]() |
Việc thực hiện chính quyền 2 cấp sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi làm các thủ tục hành chính |
Tại nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã bày tỏ sự kỳ vọng lớn đối với mô hình mới, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội chia sẻ: “Việc thực hiện chính quyền 2 cấp sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi làm các thủ tục hành chính. Đặc biệt, khi cấp xã/phường được giao thêm chức năng, nhiệm vụ, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận chính quyền địa phương dễ dàng hơn, được hỗ trợ kịp thời các vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh”.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất trước đây mà doanh nghiệp thường gặp là sự chồng chéo về chức năng giữa các cấp chính quyền, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, tài nguyên, giấy phép con và đăng ký kinh doanh. Việc bỏ cấp trung gian không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian còn giúp hạn chế phát sinh các chi phí không chính thức.
Các doanh nghiệp cũng tin tưởng việc bố trí cán bộ sở, ngành về công tác tại xã/phường sẽ giúp tăng tính kết nối, tiết kiệm chi phí đi lại, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ dễ tiếp cận những hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Mô hình chính quyền 2 cấp còn giúp tăng tính linh hoạt, chủ động trong kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Các quyết sách điều hành được triển khai nhanh hơn, bám sát tình hình thực tế hơn, từ đó tạo nên hệ sinh thái phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp từ gốc.
Tin liên quan
Đọc thêm

Sting® chinh phục Gen Z với chiến dịch âm thanh độc đáo

TP Hồ Chí Minh bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp

Đà Nẵng kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn 2.777 tỷ đồng

Chủ động ứng phó thiên tai trong quá trình tổ chức chính quyền hai cấp

Cảnh sát đang điều tra việc một phụ nữ tử vong nghi sét đánh

Hải Phòng: Nhiều cán bộ Đoàn được tín nhiệm chức vụ chủ chốt

Xã Trung Giã kiện toàn tổ chức Hội Phụ nữ cấp cơ sở

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Triển lãm thành tựu đất nước kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh

Chỉ đạo làm rõ thông tin lấn chiếm đất công ở KĐT Đại Thanh
