Hồi sinh những dòng sông "chết": Quan trắc trực tuyến để có nhiều số liệu cụ thể hơn
Chăm sóc "sức khỏe" hệ thống thoát nước
Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết” do Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 10/7, ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nạo vét, khơi thông dòng chảy và duy trì hệ thống cống thu gom nước thải trên địa bàn thành phố Hà Nội, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, giảm thiểu tình trạng xả thải trực tiếp ra sông.
![]() |
Ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội |
Theo ông Sơn, hệ thống thoát nước của Hà Nội hiện nay là hệ thống hỗn hợp, thu gom cả nước thải và nước mưa. Vì vậy, công tác nạo vét không chỉ tập trung ở cuối nguồn mà phải bắt đầu từ các điểm đầu, từ các ga, nhánh nhỏ.
Đặc biệt, khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành, ở các ga thu gom phải bố trí rọ chắn rác và bẫy nước để tránh rác thải trôi theo dòng nước về sông, gây tắc nghẽn và ô nhiễm. Công nhân được bố trí trực theo nhiều chu kỳ hơn để đảm bảo nhặt rác thường xuyên, duy trì sự thông suốt cho toàn hệ thống.
Ngoài ra, ông Sơn cũng nhấn mạnh tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đến hệ thống thoát nước đô thị. Những đợt nắng kéo dài, oi bức khắc nghiệt xen kẽ với các trận mưa cường độ lớn, dồn dập trong thời gian ngắn đã và đang khiến tình trạng úng ngập diễn biến phức tạp hơn.
Trong điều kiện đó, nếu xảy ra tình trạng tắc nghẽn do nước thải, dầu mỡ tích tụ, ô nhiễm sẽ gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân.
Tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã, phường
Đánh giá về nỗ lực "làm sống lại" sông Tô Lịch, chuyên gia Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nhà ông ở gần sông Tô Lịch, nhiều năm đã chứng kiến sông Tô Lịch từ lúc sạch, xanh mát, đến khi bẩn và đang hồi sinh như thế nào. Gần đây, Hà Nội có rất nhiều biện pháp đúng và trúng thể hiện sự quyết tâm của chính quyền.
"Thành công đó đầu tiên phải là sự quyết tâm của chính quyền, quyết tâm này thể hiện ở việc giải quyết vấn đề rất cụ thể để làm sạch các dòng sông", ông Tùng nói.
![]() |
Chuyên gia Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường |
Ông Tùng dẫn chứng, ở Trung Quốc, với sông Dương Tử, họ phân ra các lưu vực, tiểu lưu vực để xử lý. Ở Việt Nam có lẽ cũng cần tham khảo kinh nghiệm này, chia ra những khu vực cụ thể liên quan đến các dòng sông để biết ô nhiễm ra sao và đề ra phương pháp xử lý.
Theo ông Tùng, ở Trung Quốc, họ đưa ra những giải pháp xử lý với những công trình khác nhau, làm cả tập trung lẫn phân tán. Hà Nội cũng đang làm tập trung nhưng cũng còn rất nhiều giải pháp phân tán khác.
Ông Tùng khuyến nghị thực hiện các giải pháp phân tán như lắp trạm bơm nhỏ dọc sông. Giải pháp này vừa nhanh, rẻ và bổ cập được nước ngay tại chỗ không phải đợi đến cuối nguồn bơm ngược lại.
Ngoài ra, các quốc gia khác đã dùng công nghệ số, nhanh và nhiều, như đặt cảm biến giá rẻ để quan trắc chất lượng nước sông. Toàn bộ chất lượng nước được quan trắc ngay, phổ biến ngay trên mạng cho toàn dân và cơ quan quản lý biết. Trách nhiệm bảo vệ sông không chỉ là của cơ quan Nhà nước, không của bộ nào mà họ gắn đến trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Theo ông Tùng, hiện nay đã triển khai chính quyền 2 cấp, do đó phải tăng cường trách nhiệm của cấp xã, cấp phường. Như các nước, họ có KPI, dùng hệ thống GIS rõ phường nào, xã nào chịu trách nhiệm. Họ biết ngay nơi nào đang phát thải cái gì. Từ đó yêu cầu các cơ sở sản xuất xả thải hơn 10m3 phải lắp đồng hồ quan trắc thông minh.
Ông Tùng mong muốn, Hà Nội có thêm các giải pháp đổi mới tư duy, chuyển đổi số hơn cho những dòng sông. Trong đó cần quan trắc trực tuyến để có nhiều số liệu hơn, cụ thể hơn. Toàn bộ dữ liệu sẽ hiện lên phân bố trên bản đồ GIS cụ thể cho từng tiểu lưu vực.
"Mỗi dòng sông phải có các giải pháp khác nhau, không thể có giải pháp chung được. Muốn có giải pháp riêng phải có dữ liệu số, quan trắc riêng biệt", ông Hoàng Dương Tùng nói.
![]() |
Ông Lê Đình Du, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội |
Chia sẻ về các giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, ông Lê Đình Du, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hồi sinh sông Tô Lịch, trong đó có giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài.
Trước mắt, thành phố đang triển khai các dự án nạo vét lòng sông, thu gom toàn bộ các nguồn xả, cửa xả nước thải ra sông Tô Lịch, sau đó đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Các dự án thu gom và cải tạo lòng sông Tô Lịch, thành phố yêu cầu chậm nhất đến ngày 30/8/2025 phải hoàn thành.
Tiếp đó, các đơn vị có liên quan sẽ tiến hành lấy nước vào để phục hồi dòng chảy trên sông Tô Lịch. Về nguồn nước lấy vào sông Tô Lịch, trươc mắt sẽ lấy chính từ nguồn nước thải đã xử lý ở Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Khi nguồn nước này đã được xử lý đổ ra sông sẽ được hệ thống đập dâng được xây dựng ở cầu Quang (phường Hoàng Liệt) giữ lại ở độ sâu theo tính toán. Để tạo dòng chảy, sẽ lấy nước từ hồ Tây đã được xử lý trước khi đưa vào sông Tô Lịch ở Cửa điều tiết A (phường Tây Hồ). Hai nguồn nước này sẽ tạo được dòng chảy trên sông Tô Lịch.
Về giải pháp lâu dài, thành phố đang triển khai dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng hai bên sông Tô Lịch. Mục đích tạo cảnh quan nhằm phát huy giá trị lịch sử, cảnh quan, tạo được không gian văn hóa hướng tới phát triển du lịch.
Thành phố mong muốn biến hai bên bờ sông thành điểm văn hóa, điểm đến cho người dân Thủ đô và khách du lịch. Để thực hiện được việc này, thành phố đang giao cho Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức lấy các ý kiến cộng đồng và tổ chức các cuộc hội thảo để có thêm các tham vấn hữu ích từ các tổ chức xã hội.
Tin liên quan
Đọc thêm

Đẩy mạnh liên kết vùng trong xử lý ô nhiễm các dòng sông

Từ 1/1/2031, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần

Động lực thúc đẩy hoạt động tái chế rác thải

Tỉnh Quảng Trị phê duyệt đấu giá quyền khai thác 20 mỏ khoáng sản

Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục mưa lớn

Chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Hà Nội khắc phục kịp thời khi có tình huống thiên tai xảy ra

Thúc đẩy các giải pháp bền vững xử lý rác thải điện tử

Nắng nóng kéo dài ở miền Bắc và miền Trung
