Tag

Học phí Đại học tăng và câu chuyện “liệu cơm gắp mắm”

Nhịp sống trẻ 09/08/2022 15:00
aa
TTTĐ - Từ năm 2022, tự chủ đại học đi kèm với tăng học phí là lựa chọn của nhiều cơ sở đào tạo Đại học do không còn được cấp ngân sách. Dư luận đặt ra câu hỏi liệu việc đồng loạt tăng học phí có làm thu hẹp cơ hội học tập của một bộ phận sinh viên thuộc diện khó khăn hay không?
Sinh viên Mỹ và gánh nặng nợ học phí Học phí đại học tăng dần đều: Chất lượng liệu có tăng? Học phí đại học ồ ạt tăng, sinh viên “quay xe” khi chọn trường

Học phí đồng loạt “phi mã”

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025- 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ có các mức khác nhau tùy thuộc vào từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.

Nhiều trường đại học ồ ạt tăng học phí (ảnh minh hoạ)
Nhiều trường đại học ồ ạt tăng học phí (ảnh minh hoạ)

Trong đó, ngành Y dược hiện nay có học phí tăng cao nhất so với các ngành nghề khác. Từ năm học 2022 - 2023, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ tăng học phí theo lộ trình được quy định tại Nghị định 81.

Dựa theo thông báo của trường, so với năm học 2021 - 2022, học phí năm học 2022 – 2023 tăng từ 30% đến 71%. Cụ thể, nhóm y dược (Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng) và Răng - Hàm - Mặt tăng từ 1,43 triệu đồng/tháng/sinh viên lên 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên. Mức tăng của chương trình điều dưỡng tiên tiến từ 3,146 triệu đồng/tháng/sinh viên lên 3,7 triệu đồng/tháng/sinh viên. Hệ cử nhân vừa học vừa làm cũng có mức điều chỉnh. Đối với đào tạo trong giờ hành chính tăng từ 2,75 triệu đồng/tháng/sinh viên lên 2,775 triệu đồng/tháng/sinh viên; ngoài giờ hành chính tăng từ 3,465 triệu đồng/tháng/sinh viên lên 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Trường Đại học Luật Hà Nội cũng không nằm ngoài nhóm các cơ sở đào tạo tăng học phí. Mức đóng với sinh viên trình độ đại học hình thức chính quy đối với các lớp/khóa là 572.000 đồng/tín chỉ và hệ đào tạo chất lượng cao là 1.605.000 đồng/tín chỉ. Như vậy, với quy định trên, mức học phí của Trường Đại học Luật Hà Nội trong năm học tới đây tăng 280.000 đồng/tín chỉ, gấp đôi so với năm học 2021 - 2022.

Học phí Đại học Luật Hà Nội năm học 2022 – 2023
Học phí Đại học Luật Hà Nội năm học 2022 – 2023

Với nhóm trường khối ngành tự nhiên, mức học phí năm học 2022-2023 của Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến là 42 triệu đồng, năm học 2023-2024 dự kiến là 44 triệu đồng, năm học 2024-2025 dự kiến là 46 triệu đồng và dự kiến năm học 2025-2026 lên đến 48 triệu đồng.

Tính riêng học phí năm học 2022-2023 khi so sánh với mức 35 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2021 - 2022, học phí của trường này đã tăng thêm 24%.

Còn với Đại học Bách khoa Hà Nội, dự kiến học phí năm 2022-2023 của chương trình đào tạo chuẩn dao động từ 22 - 28 triệu đồng/năm, chương trình ELiTECH có mức học phí từ 40 - 45 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin Việt - Pháp, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng dao động từ 50 - 60 triệu đồng/năm; chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế có học phí từ 45-50 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo quốc tế dự kiến từ 55 -65 triệu đồng/năm và chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) khoảng 80 triệu đồng/năm.

Đối với khối ngành xã hội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đưa ra dự kiến mức học phí năm 2022. Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí. Học phí hệ đại trà của trường tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ lên 440.559 đồng/tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ.

Khi vật chất… quyết định ý thức

Từ trước tới nay, học phí vốn là một trong những nỗi trăn trở của nhiều sinh viên. Đặc biệt, trong thời điểm bão giá như hiện nay, việc nhiều trường Đại học đồng loạt tăng học phí đã khiến không ít sinh viên lo lắng.

Lê Văn Đạt, sinh viên trường Đại học Thương mại cho hay: “Giờ đã là năm thứ 3 mình ở Hà Nội rồi nên ngoài tiền học, mình còn phải tự lo tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt hàng tháng. Khi biết thông tin học phí sẽ tăng mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của mình cũng như nhiều bạn sinh viên khác.”.

Nhiều thí sinh đắn đo khi đặt nguyện vọng Đại học khi học phí tăng
Nhiều thí sinh đắn đo đăng ký nguyện vọng đại học khi học phí tăng

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải, Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên năm 3, Trường Đại học Luật Hà nội nói: “Như năm trước, học phí mỗi kỳ của mình sẽ dao động từ 5.600.000 - 6.300.000 đồng/kỳ. Nếu duy trì mức học phí như này, mình vẫn có thể tiết kiệm thêm chút tiền từ khoản lương làm thêm. Còn đến năm học này, khi mà theo mình biết thì học phí sẽ tăng lên gần gấp đôi, tức là đến 12 triệu đồng/kỳ. Con số ấy với mình là khá lớn. Chắc chắn, nhiều bạn sinh viên sẽ phải phụ thuộc vào kinh tế từ gia đình.”.

Câu chuyện tăng học phí không chỉ ảnh hưởng đến các bạn sinh viên mà còn với các em học sinh đăng ký nguyện vòng Đại học.

Nguyễn Minh Đức, học sinh trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân), đạt được điểm thi tốt nghiệp THPT tương đối cao với 26,5 khối D00 (toán, văn, tiếng Anh). Đức từng có nguyện vọng dự tuyển ngành kinh tế quốc tế của trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, chàng trai nhận thấy từ năm học 2022 - 2023, học phí của ngành này nói riêng và nhiều ngành khác của trường lên đến hơn 40 triệu đồng/năm.

“Bố mẹ em thì đều là lao động thu nhập thấp, bố là thợ điện, mẹ đang đi nấu ăn tại một bếp ăn gần nhà, thu nhập cũng không quá dư dả. So với năm trước, mức học phí năm nay chênh lệch hơi nhiều nên em cũng thấy rất khó nghĩ.”, Đức chia sẻ.

Vậy nên cho tới giờ, Minh Đức vẫn chưa dám đưa ra quyết định cuối cùng. Thay vào đó, những ngày qua, em vẫn tiếp tục tra cứu những trường đại học có ngành này nhưng học phí thấp hơn.

Câu chuyện nhiều phụ huynh “mất ăn mất ngủ” trước ngưỡng cửa Đại học của con cũng được một số giáo viên THPT chia sẻ. Cô Nguyễn Thị Hương, trường THPT Phú Xuyên A chia sẻ với phóng viên: “Vì chủ nhiệm lớp 12 nên mình sẽ theo sát các em đến khi các em hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng Đại học, Cao đẳng và vào được trường mình mơ ước thì cô mới coi như hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng những ngày gần đây, tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại của phụ huynh, xin ý kiến về câu chuyện nguyện vọng của con quá sức với kinh tế gia đình.”.

Theo quan điểm của cô Hương, hầu hết khi các em đã chọn được trường, định hướng được ngành theo sở thích, nguyện vọng định hướng nghề nghiệp mà con theo đuổi thì dù học phí có cao bao nhiêu đi nữa, các gia đình cũng sẽ cố gồng gánh. “Sẽ là khá áp lực với các gia đình có thu nhập thấp, nhưng khoản đầu tư cho con cái thì có bậc làm cha mẹ nào tiếc đâu, chỉ biết cố gắng chắt bóp hơn.”, cô giáo Hương tâm sự.

Nhận định về nỗi lo này, PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Kế hoạch Tài chính ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, mặt trái của việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học. Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản, có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của đất nước, cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng học phí.

Tăng học phí là tất yếu nhưng cần có lộ trình

Có thể nhận thấy, khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên thì học phí cũng sẽ phải bù vào một phần. Vì vậy, tăng học phí là không tránh khỏi.

Liên quan đến vấn đề học phí Đại học tại Việt Nam, theo đánh giá của ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, lâu nay, kinh phí đào tạo chủ yếu từ ngân sách Nhà nước cấp thường xuyên và do người học tự đóng góp, tỷ lệ doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách đào tạo giáo dục có nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Học phí Đại học tăng và câu chuyện “liệu cơm gắp mắm”
Tăng học phi là điều tất yếu khi tự chủ đại học (ảnh minh hoạ)

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, dư luận cần có cái nhìn khách quan về vấn đề tăng học phí đại học; hiện tại tổng số kinh phí đầu tư tính cho một sinh viên còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Vì thế, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi.

“Một số trường đại học trong khu vực đang có mức chi phí cao gấp hàng chục lần so với chi phí tại các trường Đại học công lập tại Việt Nam, nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay sẽ rất khó để cạnh tranh. Theo tính toán của các chuyên gia, đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam thu về lợi ích cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới. Người học cũng cần đặt ra bài toán đầu tư cho tương lai, bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ người học thông qua cơ chế tín dụng. Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý tăng mức tín dụng cho sinh viên, song đối tượng thụ hưởng vẫn chưa được mở rộng đáng kể.”, ông Sơn nói.

Đưa ra quan điểm về vấn đề tăng học phí trong quá trình tự chủ, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, muốn đột phá, cải thiện đời sống cán bộ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu thì buộc phải tự chủ.

Trong đó, theo Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, điều khó khăn nhất khi tự chủ đại học là thay đổi nhận thức để phát huy được nội lực của từng giảng viên, qua đó thu nhập của trường cũng như của các thầy cô sẽ tăng lên, giúp bình ổn cuộc sống và có nhiều thời gian cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu.

Vấn đề học phí Đại học tăng cũng cần được nhìn nhận từ nhiều phía. Đã đến lúc, xã hội phải “chung lưng đấu cật” cùng ngành giáo dục. Xã hội đặt ra yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng thì cũng cần đầu tư chi phí đào tạo tối thiểu.

Đi qua đại dịch COVID-19 đầy thách thức, nền kinh tế bị ảnh hưởng, chi phí sinh hoạt đồng loạt tăng cao… Vì vậy, phụ huynh lo lắng cũng là dễ hiểu. Song, điều quan trọng hơn cả chính là là sự công khai, minh bạch trong việc thu – chi của các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, khi học phí tăng thì chất lượng giáo dục, đào tạo phải được nâng cao để người học được hưởng môi trường học tập tốt nhất.

Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần có lộ trình tăng học phí phù hợp để xã hội và phụ huynh thích nghi và chấp nhận. Đặc biệt, để tạo ra sự công bằng trong giáo dục, vẫn cần có những chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo và những sinh viên giỏi.

Suy cho cùng, giáo dục là đào tạo con người chứ không phải chạy theo lợi nhuận rồi tạo ra khó khăn cho xã hội.

Đọc thêm

Thanh niên nghe chuyện lịch sử, viết tiếp tương lai Nhịp sống trẻ

Thanh niên nghe chuyện lịch sử, viết tiếp tương lai

TTTĐ - Tháng 4, tháng của những khúc tráng ca lịch sử dân tộc, ngày 17/4, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống” nhằm ôn lại chặng đường hào hùng và tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; đồng thời nói lên lý tưởng, khát vọng của thế hệ trẻ Thủ đô hôm nay, tiếp lửa truyền thống - cống hiến sức trẻ trong công cuộc xây dựng Thủ đô, đất nước.
Khi người trẻ trở thành nguồn cảm hứng lan tỏa mạnh mẽ cho xã hội Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Khi người trẻ trở thành nguồn cảm hứng lan tỏa mạnh mẽ cho xã hội

TTTĐ - Bản lĩnh, trách nhiệm, nhiệt huyết, đó là những gì người ta nhắc đến khi nói về Đỗ Thu Thảo Nguyên - một nữ thanh niên trẻ, một đảng viên tích cực, luôn hăng hái, nhiệt huyết vì các hoạt động cộng đồng, là nguồn cảm hứng cho các đoàn viên, thanh niên, sinh viên đang sinh sống và học tập trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Tô thắm Thủ đô bằng "Màu cờ tôi yêu" Camera 360 trẻ

Tô thắm Thủ đô bằng "Màu cờ tôi yêu"

TTTĐ - Hòa cùng không khí tưng bừng của cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), tinh thần yêu nước được tuổi trẻ Thủ đô lan tỏa trên mạng xã hội nhờ những trào lưu tích cực, truyền cảm hứng.
Hàng trăm nghìn công trình, phần việc thanh niên các cấp được triển khai Camera 360 trẻ

Hàng trăm nghìn công trình, phần việc thanh niên các cấp được triển khai

TTTĐ - Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, với nhiều kết quả nổi bật, Tháng Thanh niên 2025 đã diễn ra sôi nổi, mang tính hành động và hướng về cơ sở.
Tỏa sáng tài năng sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng Camera 360 trẻ

Tỏa sáng tài năng sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng

TTTĐ - Cuộc thi Sinh viên tài năng thanh lịch Miss & Misster DUE 2025 không chỉ là sân chơi để sinh viên thể hiện tài năng, vẻ đẹp trí tuệ của bản thân mà còn là nơi để nâng cao kiến thức về lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, thể hiện sự sáng tạo, khát vọng vượt qua thử thách, hoàn thiện bản thân.
Tuổi trẻ thi đua cao điểm chào mừng Đại hội XIV của Đảng Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Tuổi trẻ thi đua cao điểm chào mừng Đại hội XIV của Đảng

TTTĐ - Theo kế hoạch, tuổi trẻ cả nước sẽ thực hiện đợt thi đua cao điểm để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Các cấp bộ Đoàn chủ động triển khai nhiều hoạt động, công trình, phần việc trong suốt thời gian này.
Góp sức trẻ xây dựng những vùng nông thôn mới đáng sống Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Góp sức trẻ xây dựng những vùng nông thôn mới đáng sống

TTTĐ - Trong giai đoạn 2021–2025, phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng Nông thôn mới” đã ghi nhận sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Đoàn Thanh niên cả nước. Không chỉ thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện, lực lượng đoàn viên, thanh niên còn khẳng định được tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội và tư duy đổi mới trong tham gia phát triển nông thôn bền vững.
Thắt chặt tình hữu nghị thanh niên 2 nước Việt Nam - Trung Quốc Tuổi trẻ học và làm theo Bác

Thắt chặt tình hữu nghị thanh niên 2 nước Việt Nam - Trung Quốc

TTTĐ - Ngày 16/4, trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 24 năm 2025, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Công tác thanh niên Việt - Trung: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn và các tổ chức thanh thiếu nhi trong tình hình mới”.
Học trò Hà Nội giành giải Đặc biệt thi sưu tập tem bưu chính Bản tin công tác Đội

Học trò Hà Nội giành giải Đặc biệt thi sưu tập tem bưu chính

TTTĐ - Từ hơn 1,1 triệu bài dự thi, Ban Tổ chức cuộc thi “Sưu tập và tìm hiểu tem bưu chính” năm 2025 đã lựa chọn, trao giải cho 25 tập thể và 76 giải cá nhân được chia đều cho 2 khối tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó, ở bảng tiểu học, em Hà Bảo Ngọc, lớp 5A4, trường TH Phương Liệt (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) xuất sắc giành giải Đặc biệt.
Làng quất Tứ Liên, xôi Phú Thượng… sinh động dưới góc nhìn AI Tôi yêu Hà Nội

Làng quất Tứ Liên, xôi Phú Thượng… sinh động dưới góc nhìn AI

TTTĐ - Qua góc nhìn và diễn tả của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), những làng nghề, nghề truyền thống của người dân quận Tây Hồ (Hà Nội) từ xưa được tái hiện sinh động, thú vị.
Xem thêm