Gia tăng trẻ mắc cúm A bị biến chứng viêm phổi nguy hiểm
Không chủ quan với cúm A
Cả ba bệnh nhi đến khám tại Medlatec với các triệu chứng như sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả, ho khan nhiều, đau tức ngực trái, nhiều dịch mũi. Các triệu chứng xuất hiện đột ngột và diễn biến cấp tính, tăng dần.
Xét nghiệm test nhanh cúm cho kết quả dương tính với cúm A ở cả ba trẻ. Trong đó, hai bé gái có tình trạng nặng hơn và được chỉ định nhập viện do biến chứng viêm phổi, với các chỉ số viêm tăng cao, bao gồm bạch cầu (BC) và CRP cao. Chụp CT phổi cho thấy hình ảnh tổn thương viêm phổi.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Riêng bé trai, vì triệu chứng nhẹ hơn, được kê đơn thuốc điều trị và theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của bác sỹ. Hai bệnh nhi nhập viện đã được điều trị tích cực theo phác đồ, bao gồm kháng sinh, thuốc hạ sốt, chăm sóc hỗ trợ hô hấp và theo dõi sát tình trạng viêm phổi.
Sau 7 ngày điều trị nội trú, tình trạng sức khỏe của các bé đã ổn định. Hình ảnh chụp CT phổi sau điều trị không còn thấy tổn thương, chức năng hô hấp cải thiện tốt, sức khỏe gần như hồi phục hoàn toàn.
Ths.Trần Thị Kim Ngọc, chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Medlatec số 2 cho biết: Cúm A là loại cúm mùa phổ biến nhất, chiếm đến 75% các trường hợp nhiễm cúm ở người.
Các chủng virus cúm A thường gặp bao gồm: H1N1, H3N2, H5N1, H7N9, trong đó H5N1 và H7N9 có thể lây từ gia cầm sang người, gây nguy cơ bùng phát thành đại dịch.
Virus cúm A có thể lây lan từ gia cầm mắc bệnh sang người khi tiếp xúc gần, nhưng chủ yếu là lây từ người sang người qua đường hô hấp.
Khi nói chuyện, hắt hơi hoặc ho, virus sẽ phát tán qua các giọt nước bọt và có thể lây ra phạm vi lên đến 2m. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần với người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.
Ngoài ra, virus cúm A còn tồn tại lâu trên các bề mặt như tay nắm cửa, quần áo, điện thoại, bát đũa và các vật dụng hàng ngày.
Thói quen dùng tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Virus có thể sống sót trên các bề mặt này trong vòng 48 giờ, tạo cơ hội cho virus lây lan trong cộng đồng.
Người mắc cúm A sẽ có một số biểu hiện đặc trưng như: sốt cao, đau họng, viêm họng, ho kéo dài, ớn lạnh, khó thở, mệt mỏi và chảy nước mắt khi ra ngoài sáng. Trẻ em nhiễm cúm có thể gặp phải tình trạng nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Lưu ý phòng ngừa cúm A
Bác sỹ Kim Ngọc cảnh báo, phần lớn bệnh nhân mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, nhóm người có nguy cơ cao (trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh nền) có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan, thậm chí là sảy thai.
Nếu phụ nữ mang thai nhiễm cúm A trong ba tháng đầu, có thể gây dị tật thai nhi như sứt môi, hoặc các vấn đề về van tim. Một số trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh với các triệu chứng sốt cao, khó thở, suy đa tạng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
![]() |
Ths.Trần Thị Kim Ngọc, chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Medlatec số 2 |
Một yếu tố quan trọng trong việc đối phó với dịch cúm là chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính nghi ngờ nhiễm cúm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, xác định bệnh và can thiệp điều trị đúng cách. Đồng thời, cần theo dõi sát tình trạng bệnh để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng nguy hiểm.
Theo Bộ Y tế, năm 2024 ghi nhận 289.876 ca cúm mùa, 8 ca tử vong. Số ca mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), nhưng số ca tử vong lại tăng thêm 5 ca.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về sự gia tăng các ca bệnh hô hấp cấp do cúm mùa, RSV, hMPV, mycoplasma pneumoniae tại nhiều quốc gia Bắc bán cầu vào cuối năm.
Bác sỹ Ngọc khuyến cáo, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, người cao tuổi và những người suy giảm miễn dịch cần đặc biệt cẩn trọng trước nguy cơ nhiễm cúm.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để chủ động phòng chống cúm mùa nói chung và cúm A nói riêng, người dân thực hiện tốt các nội dung sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Người dân nên đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh;
Mọi người thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Cục Y tế dự phòng lưu ý: Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Trong một tuần ghi nhận thêm 400 ca mắc sởi, tay chân miệng

Tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý, chăm sóc người bệnh tâm thần

Tập trung xử lý ổ dịch sởi tại trường học

Sốt cao kéo dài, nam thanh niên suýt tử vong

Thông tin về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Nga

Hàng trăm điểm cầu toàn quốc thảo luận về chẩn đoán, điều trị sởi

Chàng trai nặng tới 175kg rơi vào tình trạng ngừng thở khi ngủ

Người đàn ông trung niên đột tử sau khi chơi tennis

Uống thuốc nam chứa chất cấm, bệnh nhân hôn mê, suy đa tạng
