Đồng lòng gánh vác trách nhiệm to lớn trong kỷ nguyên vươn mình
Hậu phương lớn trọn nghĩa tình
Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Nam Bộ - Sài Gòn là tiền tuyến lớn, miền Bắc - Thủ đô Hà Nội là hậu phương lớn. Tuy nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất nước nhà.
Với vai trò là hậu phương, Hà Nội đã luôn sát cánh, chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Hà Nội đã phát động thành công các phong trào “Ngày thứ bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” trong các tầng lớp Nhân dân, từ đó phát huy tối đa sức mạnh của Thủ đô, tạo ra của cải vật chất xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho chiến trường.
Mặc dù phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh phá hoại, nhưng đến năm 1975, Hà Nội đã xây dựng được 232 xí nghiệp quốc doanh và 411 hợp tác xã thủ công nghiệp. Mạng lưới thương nghiệp mở rộng nhanh chóng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất thời chiến. Mặc dù là trọng điểm bị đế quốc Mỹ thường xuyên đánh phá, song Hà Nội luôn giữ vững đầu mối giao thông, hàng năm cung cấp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, hàng trăm tấn thuốc chi viện cho chiến trường...
![]() |
Tiễn đưa thanh niên của khu Đống Đa (thành phố Hà Nội) lên đường nhập ngũ (Ảnh: TTXVN) |
Kết quả của Hà Nội trong xây dựng và bảo vệ hậu phương không chỉ giúp TP đứng vững trước khói bom lửa đạn, mà còn là nguồn cổ vũ lớn lao đối với đồng bào miền Nam. Đặc biệt, chiến thắng của Hà Nội trong trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo cơ sở vững chắc để cách mạng miền Nam từng bước giành thắng lợi, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong Đại thắng mùa Xuân 1975.
Cùng với xây dựng và bảo vệ hậu phương, Hà Nội tiến hành các đợt tuyển quân, động viên thanh niên, quân dự bị, bổ sung cho các quân binh chủng và trực tiếp chi viện cho các chiến trường. Đã có hàng vạn cán bộ, thanh niên Thủ đô xung phong lên đường vào Nam đánh giặc; hơn 11.500 cán bộ, chiến sĩ - những người con ưu tú của Hà Nội đã anh dũng hy sinh, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Ngay sau chiến tranh, miền Bắc và Thủ đô Hà Nội đã điều động 18.000 cán bộ, con em miền Nam tập kết ra Bắc trở lại miền Nam, 23.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật vào Nam; cán bộ y tế Hà Nội; giảng viên các trường đại học tổng hợp, sư phạm, ngoại ngữ, các cơ quan khoa học miền Bắc được cử vào Nam để tham gia xây dựng đất nước.
Sự giúp đỡ chân tình và thủy chung giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là điều kiện thuận lợi để hai TP vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với hướng đi đúng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong những năm đầu của sự nghiệp đổi mới đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khủng hoảng, phát triển ổn định với tốc độ cao theo hướng bền vững; trong đó ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có trình độ, chất lượng cao và sản phẩm mũi nhọn, luôn dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài và hội tụ nhiều yếu tố làm tiền đề thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
![]() |
Hà Nội đã tập trung cao độ làm hết sức mình chi viện cho tiền tuyến(Trong ảnh: Công nhân trong Nhà máy Dệt 8-3 đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất - Ảnh: TTXVN) |
Đẩy mạnh hợp tác toàn diện, cùng phát triển
Từ năm 1997 đến nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực: Thương mại dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, y tế, phát triển văn hóa - xã hội, văn học nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, báo chí - xuất bản...
Nhiều công trình như: Xa lộ Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh, Đại lộ Võ Văn Kiệt ở Hà Nội... và những quà tặng có ý nghĩa sâu sắc như: Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn ở công viên Thống nhất, Trống đồng chạm “Nhị thập bát tú” do Đảng bộ và Nhân dân TP Hồ Chí Minh tặng Hà Nội, Bia tiến sỹ của Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô tặng TP Hồ Chí Minh... được cán bộ, Nhân dân hai TP trân trọng đón nhận và gìn giữ như biểu tượng thiêng liêng của sự đoàn kết, gắn bó máu thịt.
Với vị thế là hai “đầu tàu kinh tế” của cả nước, những năm qua Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới. TP Hồ Chí Minh có năng suất lao động luôn cao hơn bình quân cả nước trên 2,8 lần; có tỷ trọng đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế cả nước. TP là trung tâm dịch vụ và công nghiệp lớn nhất cả nước; địa phương đi đầu trong sản xuất và dịch vụ công nghệ cao, xây dựng đô thị thông minh…
Hà Nội đã vươn mình trở thành trung tâm lớn về kinh tế và văn hóa, đóng góp tới 16% GDP cả nước, là đầu tàu kinh tế, giữ vai trò “xương sống” cho sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Từ ngày 1/8/2008, Thủ đô được mở rộng địa giới hành chính đã tạo cho Hà Nội những điều kiện phát triển mới, xứng tầm với vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước, một đô thị hiện đại, năng động và hiệu quả.
![]() |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ tặng quà người có công của TP Hồ Chí Minh |
Những kết quả đạt được của hai TP đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của cả nước.
Trong quá trình phát triển, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nhiều nét tương đồng cả trong kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và những thách thức đặt ra. Phát huy truyền thống đoàn kết và tình cảm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai TP, năm 2023, lần đầu tiên Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức nhằm trao đổi một số kinh nghiệm, tiềm năng, thế mạnh và cơ hội hợp tác, từ đó góp phần phát triển hai địa phương về mọi mặt.
Kết quả, đã đưa ra các lĩnh vực hợp tác gồm: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quản lý Nhà nước và cơ chế, chính sách; kinh tế, thương mại và xúc tiến, thu hút đầu tư; phát triển đô thị, bảo vệ môi trường; văn hóa, thể thao và du lịch; giáo dục và y tế; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quốc phòng, an ninh... Đến nay, việc hợp tác đã mang lại nhiều kết quả tích cực, ngày càng đa dạng, toàn diện.
Nhìn lại dọc dài lịch sử, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tình cảm giữa TP Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là một tình cảm đặc biệt, là sự gắn kết máu thịt, tình nghĩa suốt chiều dài lịch sử, đồng lòng cùng gách vác những trách nhiệm to lớn mà Đảng và Nhân dân giao phó. Mỗi dịp tháng 4 hằng năm, khi khúc ca giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được ngân vang, cũng là lúc người dân hai TP sống lại những năm tháng kề vai sát cánh; để rồi tự mình nhắc mình phải giữ gìn và tiếp tục phát triển mối quan nghĩa tình cùng tạo nên những thành công mới.
![]() |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ thăm hỏi người có công TP Hồ Chí Minh |
Sáng mãi tinh thần Hà Nội vì cả nước
Không chỉ với miền Nam ruột thịt, Thủ đô Hà Nội luôn vẫn luôn vẹn nguyên tinh thần sẵn sàng vì cả nước. Trong nhiều năm, TP đã có nhiều hoạt động thiết thực chi viện "chia lửa "với người dân các địa phương, chung tay khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Giữa lúc còn đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn của dịch COVID-19 nhưng khi các tỉnh bạn bị bùng phát dịch, Hà Nội ngay lập tức cử các đoàn y, bác sĩ hỗ trợ các tỉnh tổ chức lấy mẫu, tiếp nhận, xử lý hàng chục nghìn xét nghiệm cho các “điểm nóng” này.
Đặc biệt, nhiều đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện khối trường y, dược của Thủ đô đã gấp rút lên đường vào Nam, chi viện cho cuộc chiến chống dịch với tâm thế “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Hình ảnh ấy khiến không ít người xúc động, gợi lại nhiều kỷ niệm trong lòng bao thế hệ đi qua một thời hoa lửa, khi Hà Nội luôn là một hậu phương vững chắc, sẵn sàng chỉ viện và “chia lửa” cùng chiến trường miền Nam năm xưa...
Trong đại dịch, xác định thị trường nội địa là cứu cánh cho nền kinh tế, Hà Nội đã liên tục tổ chức các sự kiện liên kết phát triển kinh tế, du lịch với các địa phương trong cả nước. Kết quả, TP đã phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức hơn 20 hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Thủ đô; Kết nối, tiêu thụ hơn 10 nghìn tấn nông sản thực phẩm, thủy sản; Tổ chức và mời doanh nghiệp tham gia 12 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP… của các tỉnh; Đồng thời, bố trí 28 địa điểm trên địa bàn hỗ trợ các tỉnh, TP đưa hàng về bán, giới thiệu…
![]() |
Đại biểu lãnh đạo 2 thành phố chụp ảnh lưu niệm cùng các gia đình chính sách, người có công |
Không chỉ trong dịch bệnh, khi Nhân dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị thiệt hại do thiên tai, với tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, người dân Thủ đô trong đó có nhiều cụ tuổi cao đã ủng hộ cả tháng lương hoặc có em nhỏ đã dùng số tiền tiết kiệm từ vẽ tranh để ủng hộ người dân nơi đây…
Hà Nội cũng luôn xác định trách nhiệm hợp tác với các tỉnh, TP trong vùng kinh tế trọng điểm và các địa phương trong cả nước, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đứng trước kỷ nguyên mới, nhiều khó khăn và thách thức đặt ra đòi hỏi các các địa phương, đều phải nỗ lực đổi mới tư duy phát triển, song có một điều chắc chắn là tinh thần đoàn kết, tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước” cùng các bài học trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có bài học về sức mạnh hậu phương sẽ luôn ứng dụng và phát huy, để đưa đất nước vươn mình cất cánh.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tri ân quá khứ, thắp sáng niềm tin, xây dựng đất nước hùng cường

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các đồng chí Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải

Hà Nội bố trí thêm 2 kỳ họp chuyên đề trước 1/7/2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản thăm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

50 năm Thống nhất đất nước: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo TP vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hà Nội "chốt" phương án 126 xã, phường sau sắp xếp

Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng

Hôm nay (29/4), diễn ra kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hà Nội
