Coi người tài là chủ thể đặc biệt trong nền công vụ đổi mới
Thu hút, trọng dụng người tài, hiếu học của Thủ đô Động lực để người tài gắn bó lâu dài với Hà Nội Rõ cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ của nền công vụ hiện đại |
Quốc hội đang lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công chức, viên chức (sửa đổi). Điểm mới được nhiều ĐBQH và dư luận quan tâm trong dự thảo Luật Công chức, viên chức (sửa đổi) là chính sách với người tài năng trong hoạt động công vụ.
Tại Điều 5, dự thảo luật quy định "Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ". Nhiều đại biểu băn khoăn về khái niệm “người tài trong hoạt động công vụ”.
Người tài trong công vụ cần được phát hiện qua nhiệm vụ thực tiễn
![]() |
ĐBQH đoàn TP Hà Nội tham dự kỳ họp thứ 9 của Quốc hội |
ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ (đoàn TP Hà Nội) băn khoăn, Chính phủ đã có Nghị định số 140/2017/NĐ-CP quy định chế độ thu hút, ưu đãi cho người có tài năng, như thủ khoa, người tốt nghiệp xuất sắc, hoặc đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế vào cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, liệu những người này có thực sự là người có tài năng trong hoạt động công vụ hay không cần được xem xét kỹ lưỡng.
Bởi trên thực tiễn, nhiều người được tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP vẫn cần đào tạo, hướng dẫn và trải qua thời gian tập sự để đáp ứng yêu cầu công việc.
Một số ĐBQH cho rằng, tài năng trong hoạt động công vụ là một loạt tài năng đặc thù, không chỉ đòi hỏi chuyên môn, kỹ năng tổ chức mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.
Do đó, không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức. Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công.
Từ đó, cần thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ, chứ không chỉ dựa vào hình thức, quy trình.
Bên cạnh việc cho phép xây dựng cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, cần trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài, nhưng đồng thời phải đi kèm cơ chế giám sát, đánh giá khách quan.
![]() |
ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ |
ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ đề xuất luật bổ sung quy định về thời gian thử thách, từ 6 tháng đến 1 năm, cho người được tuyển dụng với chế độ ưu đãi. Trong thời gian này, nếu không phát huy được năng lực, họ phải rời vị trí để nhường chỗ cho người khác, thay vì giữ nguyên chỉ vì từng được coi là có tài năng. Chính sách ưu đãi cần đi đôi với trách nhiệm cụ thể, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc thực tế, không chỉ dựa trên thành tích trước đó.
Ở chiều hướng khác, một số ĐBQH lại cho rằng, chế độ, chính sách ưu đãi vượt trội cho đối tượng này là hết sức cần thiết, dù mới được tuyển vào nhưng có thể được hưởng lương gấp đôi, gấp ba so với người đang làm việc, chưa kể các chế độ khác mới là thu hút nhân tài.
Bởi nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hoặc sự đãi ngộ không đến đúng đối tượng.
Trao niềm tin và động lực
Trước đó, mặc dù Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019 đã có quy định về chính sách này, nhưng quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập.
Nhiều nơi công tác tuyển dụng chưa gắn chặt với năng lực thực chất; còn thiên về bằng cấp; thiếu đánh giá thực tiễn về tư duy, sáng tạo, kỹ năng mềm; thiếu môi trường phong phú để người tài phát huy năng lực. Chính sách đãi ngộ còn kém hấp dẫn; mức lương, phụ cấp và điều kiện làm việc chưa tương xứng với đóng góp của người có tài năng thực sự. Chưa có cơ chế phân biệt rõ người giỏi, người có năng lực vượt trội, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư.
Thực tiễn ấy cũng chỉ ra, ngoài các cơ chế, chính sách thu hút người tài, cũng cần quan tâm giữ chân người tài, không chỉ cần ưu đãi về tiền lương mà quan trọng hơn, cần trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng.
Do vậy, thảo Luật lần này cần có cơ chế đột phá, lâu dài, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công; có quy định tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, không chỉ dựa trên bằng cấp mà dựa trên sản phẩm cụ thể.
Đồng thời, nghiên cứu, xem xét có chính sách, chế độ lương, ưu đãi tương xứng với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao cho cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu của tổ chức Đảng, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia cao cấp, công chức xuất sắc ở Trung ương và địa phương tương đương, không thấp hơn khu vực tư; qua đó giữ chân nhân tài và là động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức.
![]() |
Cần nhiều chính sách giữ chân người tài trong khu vực công |
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội), để giữ được người có tài năng làm trong khu vực công thì Chính phủ và các bộ, ban, ngành không chỉ cần nghiên cứu những chính sách thiết thực có ưu tiên đột phá hơn không chỉ về lương, thưởng, bảo hiểm, chính sách về nhà ở, chế độ nghỉ ngơi … mà còn cần quan tâm đến môi trường làm việc thuận lợi và các điều kiện đảm bảo để họ có thể phát huy được tài năng.
Đại biểu cũng thống nhất về cơ chế ký hợp đồng có thời hạn và thuê khoán với các chuyên gia hoặc người có tài năng ở một số vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không nhất thiết phải tuyển dụng vào làm việc chính thức tại Điều 25 của dự thảo luật. Quy định này tạo được cơ chế mở và dành sự chủ động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, Chính phủ cần có quy định rõ nguồn ngân sách chi cho nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là điểm mới để luật hóa nguyên tắc coi người có tài là chủ thể đặc biệt trong thiết lập nền công vụ trọng giá trị và đổi mới. Từ đó có giải pháp về nhân sự, lựa chọn chiến lược về quản trị quốc gia trong thời đại cạnh tranh bằng tri thức, trí tuệ và số hóa.
Theo Bộ trưởng, thách thức về nguồn nhân lực công hiện nay là còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trên một số lĩnh vực trọng yếu như công nghệ số, quản lý kinh tế, đô thị, môi trường, chiến lược tài chính…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ sẽ quy định rõ ràng, cụ thể bằng nghị định về nguyên tắc cơ chế chính sách đặc biệt, linh hoạt phân cấp, kết nối đồng bộ, liên thông từ tuyển dụng, sử dụng và đặc biệt là tạo môi trường, văn hóa công vụ để nhân tài cống hiến xứng đáng.
Theo nhiều chuyên gia, một quốc gia phát triển là quốc gia biết trân trọng, phát huy giá trị của người tài, chính sách đúng không chỉ đơn thuần là đãi ngộ cao mà cần tạo ra hệ thống công vụ minh bạch, chuyên nghiệp, trao quyền, tạo niềm tin và động lực cho sự cống hiến. Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, Luật Công chức, viên chức (sửa đổi) kỳ vọng có thể xây dựng nền hành chính công vụ tinh, gọn, hiệu quả và là điểm đến hấp dẫn của nhiều người tài trong thời gian tới.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

100% đoàn viên, thanh niên góp ý sửa đổi Hiến pháp qua VneID

Việt Nam, Thái Lan chính thức nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược toàn diện"

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng

Tạo điều kiện cho công dân dự thính các phiên họp Quốc hội

Xử phạt hành chính dù lớn hay nhỏ cũng cần có biên bản

Đại hội Đảng bộ Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Bổ sung quyền lực để MTTQ là "bộ phận" của hệ thống chính trị

240 đảng viên huyện Gia Lâm được trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 19/5

Việt Nam, Thái Lan nâng cấp quan hệ: Cam kết chiến lược, bước tiến đột phá mới
