Có nên thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản cấp tỉnh?
![]() |
Trước đó, ngày 6/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Đóng góp ý kiến về dự án Luật này, đại biểu Trần Thị Phương Hoa cho biết, hiện nay Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích cư dân ra khơi khai thác thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo đã phát huy tác dụng tuy nhiên chưa được đưa vào điều 6 Chính sách Nhà nước trong hoạt động thủy sản. Do đó, nên cụ thể hóa các chính sách này để đưa vào dự thảo Luật.
Điều 16 Biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mục 3 có quy định 5 danh mục do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, nhưng mục 4 lại nêu quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí đưa vào, đưa ra Danh mục nêu tại khoản 3 Điều này và chế độ quản lý khoản a, c, d, đ khoản 3 Điều này. Mục 5 thì nêu quy định Trong trường hợp cần thiết và được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố bổ sung những nội dung quy định tại khoản 3 Điều này cho phù hợp với thực tế tại địa phương. Do đó, cần có quy định rõ hơn về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
Về Điều 23 Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, đại biểu Phương Hoa nếu ý kiến không nên thành lập quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ở cấp tỉnh. Đồng tình với ý kiến không nên lập quỹ, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cũng cho biết “Hầu như Dự thảo Luật nào đề ra cũng có vấn đề thành lập Quỹ trong khi đó Nghị quyết TƯ 5 khóa XII, thiên về cơ chế thị trường, để cho cơ chế thị trường điều tiết thị trường nhiều hơn là sự can thiệp hành chính của Nhà nước. Do đó, tôi không đồng ý lập quỹ này”.
Trong phiên họp tại tổ đoàn Đại biểu Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Lan đã đánh giá về sự cần thiết phải sửa đổi Luật thủy sản, Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2004, về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thủy sản.
Nhờ đó, ngành thủy sản đã dần chuyển dịch từ nghề cá nhân dân sang nghề cá thương mại, đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành nông nghiệp, cũng như nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của nông sản Việt Nam (xuất khẩu thủy sản từ 2,2 tỷ USD năm 2003 tăng lên 7,16 tỷ USD năm 2016).
Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai thực hiện, Luật Thủy sản 2003 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như một số quy định chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của ngành thủy sản Việt Nam, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác cải cách hành chính của Chính phủ, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế...
“Trước thực trạng đó, việc sửa đổi Luật Thủy sản 2003 là hết sức cần thiết, để Luật có tính khả thi cao. Tôi đánh giá cao dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) đã được soạn thảo công phu tiếp thu các ý kiến đống góp tại các kỳ họp trước. Tên gọi Luật thủy sản phù hợp nội hàm Luật”, đại biểu Lan cho biết.
Về điều 23 Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, đại biểu Lan đồng ý với loại ý kiến thứ hai, đề nghị thành lập Quỹ trung ương và Quỹ cấp tỉnh như dự thảo Luật để có hệ thống quỹ đồng bộ từ trên xuống dưới, tiếp nhận được đầy đủ và triển khai nguồn lực tài chính hỗ trợ cho phát triển nguồn lợi thủy sản. Thực tế, các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn liền với địa phương, cộng đồng dân cư; phải dựa vào địa phương, cộng đồng thì mới quản lý hiệu quả việc khai thác, sử dụng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thủy sản.
Về lực lượng kiểm ngư (Chương VI), đại biểu Lan đồng ý với loại ý kiến thứ hai, đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự thảo Luật trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản tại các chi cục thủy sản, bởi vì lực lượng thanh tra chuyên ngành địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ do đang hoạt động theo Luật Thanh tra, không có các công cụ hỗ trợ đi kèm, chưa có các chế tài cưỡng chế như các kiểm ngư viên, không được hưởng chính sách, chế độ khi thực hiện thanh tra trên biển như kiểm ngư viên.
Về chính sách Điều 6 Chính sách của nhà nước trong hoạt động thủy sản, mặc dù trong Dự thảo Luật đã nêu các chính sách đầu tư cho các hoạt động hỗ trợ ngư dân, nghiên cứu… Tuy nhiên vẫn còn chung chung nên cần có những chính sách cụ thể hơn, rõ ràng hơn, đặc biệt về vấn đề đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, Nhà nước trong phát triển các hoạt động Thủy sản.
Đại biểu Lan cũng đồng tình với điều 29 Khảo nghiệm giống thuỷ sản mục 1 Giống thủy sản phải khảo nghiệm trong trường hợp. Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể hơn về vấn đề tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, xử lý các vấn đề dịch bệnh thủy sản, quy định sử dụng vắc xin thủy sản, chính sách thúc đẩy chế biến thủy sản, cần có chế tài xử lý việc làm lây lan dịch bệnh thủy sản….
Tại phiên thảo luận tại tổ TP Hồ Chí Minh, các đại biểu cũng đóng góp về dự án Luật thủy sản (sửa đổi). Góp ý cho dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng luật đã quy định cấm những hành vi như phá huỷ các hệ sinh thái đặc thù nhưng cơ chế để kiểm tra, giám sát các hành vi này trong xử lý vi phạm chưa rõ.
Đại biểu Bình Thuận dẫn chứng vụ việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm ở biển miền Trung dẫn đến phá huỷ hệ sinh thái, môi trường sống của các loài thuỷ sản nhưng việc kiểm tra giám sát, xử lý như thế nào không thấy đặt ra trong luật này. Tương tự, Đại biểu Bình Thuận nhấn mạnh quy định cấm phóng sinh, thả các thuỷ sản ngoại lai vào vùng nước tự nhiên cũng phải có cơ chế kiểm soát tránh tình trạng nạn ốc bươu vàng, hay cá chim đen nhập về không ai kiểm tra giám sát, xử lý.
Đối với Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), đoàn đại biểu quốc hội thảo luận tại các Tổ tập trung vào một số vấn đề liên quan đến chính sách Nhà nước trong hoạt động thủy sản; Các quy định về giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; Về khu bảo tồn biển, khu bảo tồn thủy sản nội địa; Quy định đối với lực lượng kiểm ngư...
![]() |
Đối với nội dung liên quan đến việc thành lập lực lượng kiểm ngư tại địa phương bên cạnh lực lượng kiểm ngư Trung ương, theo ông Đỗ Quang Thành, ĐBQH tỉnh Cao Bằng, với số lượng tàu yếu, số lượng người ít, biên chế chủ yếu ở Trung ương do vậy việc chỉ huy chỉ đạo, thực thi pháp luật chưa đáp ứng, đại biểu thống nhất phương án tổ chức kiểm ngư theo dự thảo luật là bố trí từ trung ương đến địa phương.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm tình trạng thuốc giả, sữa giả

Hơn 40 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” năm 2025

Thi đua-khen thưởng phải truyền cảm hứng cho cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin với cử tri về sắp xếp bộ máy

Hà Nội cần quan tâm tới an toàn thực phẩm, sức khoẻ học đường

Cơ quan Thành ủy Hà Nội ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”

FPT Long Châu bác bỏ thông tin thất thiệt về sản phẩm Happy Mom

Không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, ngại đổi mới

Chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ Nhân dân
