Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2019: Hà Nội nằm trong top 10
![]() |
Lễ công bố trực tuyến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019
Bài liên quan
Ngày mai (5/5) sẽ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019
Hà Nội chủ động tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên thứ 15 do VCCI và USAID hợp tác xây dựng, công bố nhằm đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Với sự tham gia của gần 12.500 doanh nghiệp, PCI là tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Đặc biệt, lần đầu tiên, báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.
Tại bảng xếp hạng PCI 2019, tỉnh Quảng Ninh năm thứ ba liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng với 73,4 điểm, kế đến là Đồng Tháp (72,10 điểm), Vĩnh Long (71,30 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm).
Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu…
Nhóm cuối trong bản xếp hạng là Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn.
Trong bảng xếp hạng PCI 2018, Hà Nội đứng thứ chín với 65,40 điểm. Con số này cũng đánh giá mức độ cải thiện khá tốt của Thủ đô khi đã tăng 4 bậc so với năm 2017.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, Hà Nội đã có sự nỗ lực đáng trân trọng về cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục góp mặt trong top 10 bảng xếp hạng PCI 2019.
Như vậy, năm 2019, Hà Nội trụ vững vị trí thứ chín với 68,80 điểm. Trong các chỉ số thành phần, Hà Nội được đánh giá cao về gia nhập thị trường, đạt 7,98 điểm (Hà Nội cũng có nhiều cải cách trong thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp); đào tạo lao động 7,91 điểm; chi phí thời gian 7,18 điểm. Hà Nội cũng có nhiều cố gắng nhằm giảm chi phí không chính thức, tăng cạnh tranh bình đẳng và tăng tính minh bạch, tính năng động của chính quyền.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70 - 80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy. Ở thời điểm giữa năm 2019, khi VCCI tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới. Người dân hăng say thành lập doanh nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên. Đây là những con số của niềm tin.
Tuy vậy, PCI 2019 đã chỉ ra một số lĩnh vực có mức độ cải cách chưa như kỳ vọng. Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Đồng thời, doanh nghiệp đưa ra một số khuyến nghị với chính quyền địa phương để tiếp tục thay đổi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là vấn đề nhức nhối.
Bên cạnh đó, điều còn chưa được như kỳ vọng là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59% doanh nghiệp có công trình xây dựng trong 2 năm qua cho biết, họ gặp khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng gần tương đương với tỷ lệ 63% doanh nghiệp gặp khó khăn về khách hàng - khó khăn lớn nhất trên thương trường. Tương tự như vậy, những cải cách thủ tục trong lĩnh vực đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội… theo phản ánh của doanh nghiệp cũng đang còn những dư địa lớn.
Một điều quan trọng nữa chưa được như mong đợi là, trong khi các địa phương ở nhóm thấp ở bảng xếp hạng vượt lên thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu, thì các “ngôi sao cải cách” mấy năm qua vẫn chưa có được những bứt phá nào đáng kể. Đang có hiện tượng “đụng trần” thể chế khi luật pháp chồng chéo, bất cập đang gây rủi ro cho những nỗ lực sáng tạo để vượt lên.
Cũng theo báo cáo, mức độ tự động hóa hiện tại và dự kiến tại Việt Nam cao hơn dự đoán của chính nhóm tác giả. Cụ thể, 67% doanh nghiệp cho biết họ đã tự động hoá một phần công việc trong 3 năm qua. Đặc biệt, có tới 75% doanh nghiệp dự định sẽ tự động hoá các công việc mới trong 3 năm tới. Ngay cả các doanh nghiệp tự nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI cũng dự kiến sẽ tự động hoá từ 1/4 đến 1/3 số công việc do con người đang đảm nhiệm hiện nay.
Để đẩy mạnh được tự động hoá và chuyển đổi số, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần phải nâng cao kỹ năng của người lao động và thực sự coi giáo dục quốc gia là quốc sách hàng đầu. Trong đó, nhiệm vụ thực hiện 3 đột phá: Cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng đã được khẳng định trong đường lối của Đảng chưa bao giờ trở nên thôi thúc như hiện nay.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin tới cử tri về sắp xếp xã, phường

Phải giải phóng, phát huy mọi nguồn lực của đất nước

Phát huy kinh nghiệm tuyên truyền, vận động của cán bộ Mặt trận

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ về 5 dự án luật quan trọng

Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm tình trạng thuốc giả, sữa giả

Hơn 40 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” năm 2025

Thi đua-khen thưởng phải truyền cảm hứng cho cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin với cử tri về sắp xếp bộ máy

Hà Nội cần quan tâm tới an toàn thực phẩm, sức khoẻ học đường
