Bình Dương hồi sinh từ những trang sử oai hùng
Những trang sử vẻ vang của vùng đất Thủ Dầu Một Chuỗi sự kiện văn hoá, thể thao chào mừng đại lễ tại Bình Dương |
Vang vọng những chiến công
Bình Dương sớm ghi dấu là một địa bàn cách mạng trọng yếu của miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Giai đoạn 1923 - 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc truyền bá chủ nghĩa yêu nước tại chùa Hội Khánh, cùng Phan Đình Viện và hòa thượng Từ Văn thành lập hội danh dự để truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho người dân. Năm 1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của xứ ủy Nam kỳ ra đời tại Dĩ An, phong trào đấu tranh của công nhân Dĩ An và Dầu Tiếng phát triển mạnh.
![]() |
Chùa Hội Khánh là di tích lịch sử cấp quốc gia với 283 năm tuổi, là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng tới hoạt động, gây dựng phong trào yêu nước |
Năm 1945, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ tập luyện ở Tân Uyên, nhiều chiến khu được thành lập (Thuận An Hòa, Vĩnh Lợi...). Chiến thắng Tháp canh cầu Bà Kiên của bộ đội Tân Uyên khai sinh lối đánh đặc công. Cuối năm 1948, địa đạo Tây Nam Bến Cát thành lập, trở thành căn cứ quan trọng của kháng chiến Khu Bộ Miền Đông, xứ Ủy Nam Bộ... góp phần vào chiến thắng chiến dịch Lê Hồng Phong.
Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Bình Dương phải hứng chịu nhiều tàn khốc của chiến tranh, tiêu biểu là vụ đầu độc tập thể tại nhà tù Phú Lợi (1958) và việc Mỹ chọn Bến Tượng làm nơi thí điểm ấp chiến lược. Năm 1965, Dầu Tiếng trở thành vùng đất đầu tiên hứng chịu bom B52, cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh tại địa phương này.
![]() |
Các đại biểu dự Hội thảo chiến thắng Phước Thành do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Tỉnh ủy Sông Bé tổ chức năm 1983 |
Tuy nhiên, quân và dân Bình Dương đã kiên cường chiến đấu, giành nhiều thắng lợi vang dội tại các địa điểm như Phước Thành, Bàu Bàng, Lai Khê, Dầu Tiếng, Nhà Đỏ - Bông Trang. Đặc biệt, hệ thống địa đạo Tây Nam Bến Cát, được Mỹ gọi là "Tam Giác Sắt", đã trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm, gây nhiều khó khăn cho quân đội đối phương.
Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975 lịch sử, Bình Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng khi Căn cứ Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập tại Căm Xe (Dầu Tiếng). Căn cứ này đã góp phần trực tiếp vào cuộc tổng tấn công giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, khép lại trang sử đau thương của chiến tranh.
![]() |
Nhà tù Phú Lợi Bình Dương, một trong những minh chứng tội ác của Mỹ |
Để có được chiến công hiển hách, Bình Dương đã phải trả giá bằng những hy sinh, mất mát to lớn. Bom đạn địch tàn phá xóm làng, gieo rắc tang thương. Máu của hàng ngàn người con ưu tú đã hòa vào đất mẹ, thắm đỏ lý tưởng độc lập. Những nghĩa trang liệt sĩ như Bình Dương, Dốc Bà Đắc... là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của những người anh hùng liệt sĩ. Các di tích như Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt không chỉ là nơi tưởng niệm mà còn là bài học sâu sắc về giá trị hòa bình.
Thành phố thông minh trên vùng đất kiên trung
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Bình Dương bước vào một giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn hàn gắn những vết thương chiến tranh và bắt tay vào công cuộc xây dựng lại quê hương. Khởi đầu đầy gian nan với cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp lạc hậu, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Bình Dương phải đối mặt với vô vàn thách thức trên con đường phục hồi và phát triển.
Đặc biệt, sau dấu mốc quan trọng là việc tái lập tỉnh vào ngày 1/1/1997, Bình Dương vẫn còn là một vùng đất nghèo, với nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng suất thấp; các ngành công nghiệp và dịch vụ còn ở giai đoạn sơ khai; cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị còn yếu kém; nguồn lực đầu tư hạn chế và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Bằng tinh thần quật cường, ý chí tự lực và khát vọng vươn lên, cùng sự lãnh đạo sáng suốt, Bình Dương đã từng bước vượt khó. Những quyết sách táo bạo và chiến lược đột phá đã khơi dậy tiềm năng, đưa Bình Dương chuyển mình thành tỉnh công nghiệp hàng đầu, một điểm sáng kinh tế. Hành trình này là minh chứng cho sự hồi sinh kỳ diệu và ý chí phi thường của người dân Bình Dương.
![]() |
Sau ngày tái lập tỉnh, Bình Dương tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng |
Để đạt được những thành tựu to lớn đó, Bình Dương đã chủ động kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và cạnh tranh bằng loạt chính sách đồng bộ, hiệu quả.. Tỉnh đã chủ động "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư" bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư. Song song đó, Bình Dương dồn lực phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, từ giao thông liên vùng đến các khu công nghiệp tiện ích, cùng hệ thống điện, nước, viễn thông ổn định. Đặc biệt, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đầu tư giáo dục nghề nghiệp, liên kết đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập.
So với năm 1997, Bình Dương năm 2025 đã chứng kiến một cuộc lột xác ngoạn mục về kinh tế - xã hội. Rũ bỏ hình ảnh một tỉnh thuần nông, Bình Dương vươn mình trở thành một đầu tàu công nghiệp năng động, hiện đại, minh chứng là mức tăng trưởng GRDP trong quý I/2025 ước đạt 7,5% (trong đó, sản xuất công nghiệp ước tăng 7,51%). Vị thế top đầu cả nước về thu hút vốn FDI (630 triệu USD) và kim ngạch xuất khẩu (8,6 tỷ USD) đã khẳng định vai trò của Bình Dương trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Sự bứt phá về kinh tế đã mang đến những đổi thay tích cực trong đời sống người dân. Bình Dương hiện là địa phương có thu nhập bình quân đầu người top đầu Việt Nam với 8,29 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo 1,06%, và các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế không ngừng được đầu tư, vun đắp chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, diện mạo đô thị Bình Dương đã có màn "biến hóa" ấn tượng, từ một vùng quê nghèo khó trỗi dậy thành một đô thị văn minh, hiện đại với hạ tầng đồng bộ, kiến trúc khang trang, xứng tầm là một điểm sáng trong tiến trình đô thị hóa của cả nước.
![]() |
Bình Dương là điạ phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước |
Đáng chú ý, Bình Dương đã sớm khẳng định vị thế tiên phong trong kiến tạo cộng đồng thông minh. Tỉnh đang quyết liệt đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số sâu rộng trong quản lý, kinh tế. Minh chứng cho nỗ lực không ngừng này, Bình Dương đã 5 lần liên tiếp được ICF vinh danh SMART 21 và 3 lần ghi danh vào Top 7 Cộng đồng Thông minh thế giới, một bảo chứng quốc tế cho tầm nhìn và hành động của tỉnh.
Bình Dương từ chiến địa oai hùng, nay vươn mình thành một trong những đầu tàu công nghiệp của cả nước, sở hữu 5 thành phố trẻ trung: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và 4 huyện năng động: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên.
Những thành tựu ấn tượng trên mọi lĩnh vực đã minh chứng cho sự hồi sinh mạnh mẽ của Bình Dương. Từ một vùng đất chịu nhiều đau thương, mất mát, với điểm xuất phát thấp, Bình Dương đã trỗi dậy thành một trung tâm kinh tế năng động, một đô thị đáng sống. Sự phát triển vượt bậc này không chỉ là kết quả của những quyết sách đúng đắn, sự năng động, sáng tạo và tầm nhìn chiến lược mà còn là sự tiếp nối và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, khát vọng vươn lên đã được hun đúc và tôi luyện qua những trang sử oai hùng. Bình Dương đang tự tin vững bước trên con đường hội nhập và phát triển, viết tiếp những trang sử mới đầy tự hào, xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh, hướng tới một tương lai ngày càng phồn vinh và thịnh vượng.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hơn 80 xe cấp cứu sẵn sàng ứng trực lễ 30/4

Gặp lại những con người đã làm nên lịch sử...

Dấu ấn cuộc đời của vị tướng theo cha làm cách mạng

Bài 4: Tuổi trẻ cùng TP Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên mới

Bà Rịa - Vũng Tàu còn 30 đơn vị hành chính cấp xã

Ấn tượng bộ tem kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Những chiến sĩ trên mặt trận thông tin trong đại lễ 30/4

Chuỗi sự kiện văn hoá, thể thao chào mừng đại lễ tại Bình Dương

Mãn nhãn trước màn bay lượn của tiêm kích ngày tổng duyệt
