Bài 3: Biết rõ vi phạm tại các hồ câu nhưng không xử lý dứt điểm
Bài 1: Chiếm hồ điều hòa, tổ chức câu cá trái phép Bài 2: Dấu hiệu đánh bạc tại các hồ câu trái phép |
Câu cá tự phát hay chiếm dụng có tổ chức?
Việc chiếm dụng hồ điều hòa do Nhà nước quản lý tại Hà Nội đã diễn ra nhiều năm nay nhưng không bị xử lý một cách triệt để. Theo quy định, hiện nay Xí nghiệp Quản lý duy trì Hồ - thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là đơn vị quản lý trực tiếp các hồ trên địa bàn TP Hà Nội.
Tuy nhiên, khi phát hiện ra các việc câu cá trái phép, đơn vị này thường “đánh công văn” đề nghị chính quyền địa phương giải quyết. Cụ thể, tại hồ Thành Công, các đối tượng đã chiếm dụng mặt nước để thả cá và tổ chức câu cá trái phép nhưng Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ lại cho rằng chỉ là hành vi “câu cá tự phát”.
![]() |
Biển cấm không có tác dụng trên hồ Định Công |
Theo một văn bản Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ gửi UBND, Công an phường Thành Công, đơn vị này cho rằng: “Thời gian qua, hồ điều hòa Thành Công có hiện tượng câu cá tự phát, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, mỹ quan đô thị. Khi có hiện tượng này xảy ra, xí nghiệp đã tiếp xúc, tuyên truyền cho các cá nhân câu cá, lập biên bản hiện trường báo cáo và xin ý kiến quý phường.
Đến nay, hiện tượng câu cá tự phát vẫn tiếp diễn và phát triển nhiều hơn. Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ là đơn vị không có chế tài xử phạt và không đủ chức năng ngăn chặn, cấm các hành vi trên. Vì vậy, kính mong UBND phường chủ trì giao cho các lực lượng chức năng giải quyết các vi phạm trên để người dân được thụ hưởng cảnh quan sạch, đẹp từ hồ điều hòa”.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc câu cá tại hồ Thành Công diễn ra công khai cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng hay đơn vị quản lý hồ có mặt để ngăn chặn.
![]() |
Người dân vẫn vô tư câu cá ở hồ Định Công |
Điều đáng nói, hồ Thành Công nằm trong Công viên Indira-Gandhi. Các cửa vào công viên này luôn được đóng kín không cho phép ô tô di chuyển vào trong, chỉ người đi bộ và xe máy mới có thể đi vào. Tuy nhiên, hàng tuần, mỗi khi các đối tượng chiếm hồ tiến hành thả cá, cánh cửa công viên lại được mở ra để những chiếc xe ô tô tải chở cá đi thẳng vào bên trong hồ.
Điều này khiến dư luận càng có nhiều cơ sở để nghi ngờ liệu có sự “bắt tay, làm ngơ” cho các đối tượng chiếm hồ để câu cá trái phép.
Không biết hay cố tình làm ngơ?
Còn tại phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn là điểm nóng về tình trạng câu cá trái phép với nhiều hồ bị chiếm dụng, nhất là hồ Định Công.
Trước đó, phát biểu trên báo chí, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công, Đặng Xuân Chiến cho biết, hiện tượng câu cá tại hồ Định Công được phát hiện từ năm 2020. Khi phát hiện có người câu cá ở hồ Định Công, phường đã mời các cơ quan liên quan đến để làm việc. Sở Xây dựng đã giao cho Công ty Quản lý duy trì hồ phải có trách nhiệm quản lý toàn bộ mặt nước cũng như công tác môi trường ở hồ Định Công. UBND phường đã đề xuất Công an phường cùng các đơn vị liên quan thành lập 4 chốt trực ở 4 góc hồ để không cho người vào cũng như để giám sát việc câu tại hồ.
![]() |
Các đối tượng quảng bá hồ Định Công trên mạng xã hội |
“Chúng tôi đã giao cho công an phường nắm bắt xem ai là người đứng ra cho những người khác đến câu ở hồ nhưng chủ hồ trốn tránh, không ra mặt. Người câu cá, cứ đến hồ là tìm số, tìm chỗ mà ngồi, sau đó sẽ có người mặc áo, đi xe máy xuống trao đổi với người câu. UBND phường đã nắm được có hiện tượng thu tiền của người đến câu và giao công an nắm bắt cụ thể việc này để báo cáo lên quận Hoàng Mai”, ông Chiến nói.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND phường chia sẻ: “Trong một cuộc họp trước đó giữa phường và các bên liên quan, một cán bộ thuộc đơn vị quản lý hồ phát biểu là không biết người câu cá ở hồ”.
![]() |
Hồ Thành Công bị chiếm dụng nhưng đơn vị quản lý chỉ cho rằng có hành vi câu cá tự phát |
Sau một thời gian ra quân, việc câu cá ở hồ Định Công bị tạm dừng nhưng gần đây lại tiếp tục hoạt động trở lại với quy mô rất lớn. Tại thời điểm phóng viên ghi nhận sự việc cũng không thấy bất kỳ bóng dáng của lực lượng chức năng hay đơn vị quản lý có mặt để xử lý.
Trong khi các đơn vị được giao quản lý và chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt để chấm dứt tình trạng trên thì mỗi ngày, một số lượng lớn tiền của dân câu vẫn chảy vào túi một số ít cá nhân mà người đi câu ai cũng biết, chỉ riêng đơn vị quản lý hồ và chính quyền địa phương là không biết.
(Còn nữa...)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Gian lận trong đấu thầu, một doanh nghiệp bị phạt 200 triệu đồng

Chuyển đất rừng phòng hộ để làm Cảng thủy nội địa Đông Phong

Nhiều sai phạm tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ III

Hải Dương: Hàng loạt trạm trộn bê tông, asphalt hoạt động không phép

Lâm Đồng đưa vụ án Công ty Cổ phần chè Minh Rồng vào diện theo dõi

Hải Dương: Yêu cầu dừng trạm trộn bê tông, asphal bãi sông Thái Bình

Công an khởi tố vụ án hình sự, điều tra vụ mất đất vì hồ sơ công chứng giả mạo

Làm rõ thông tin xe cứu thương chở diễn viên đến ra mắt phim

Vi phạm Luật Đất đai, công ty bảo trợ chăm sóc người cao tuổi bị thu hồi đất
