Bài 1: Sự cần thiết phải đổi mới các phương pháp giáo dục
![]() |
Thí sinh tham dự kỳ thi THTP quốc gia 2019
Loạt bài này của báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ dành để tri ân những người khơi dòng cho giáo dục nhân văn thấm sâu vào đời sống, để giáo dục không chỉ ở kiến thức mà còn góp phần định hình nhân cách học trò. Đây cũng là mong muốn mở lối cho nhiều hơn nữa những sáng tạo, đổi mới từ phía những người giáo viên của Thủ đô và cả nước.
Đời sống thay đổi liên tục, mỗi thế hệ cũng có những tư duy, lối sống riêng. Xã hội năng động như hiện nay đòi hỏi các phương pháp giáo dục phải đổi mới, sáng tạo nhiều hơn nữa thì mới tác dụng với người học.
Câu chuyện mùa tuyển sinh
Năm nào cũng vậy, cứ vào lúc kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia có kết quả thì cả thí sinh và người nhà đều bước vào một “trận chiến” căng thẳng và quan trọng không kém, đó là lựa chọn nguyện vọng để vào học trường nào?
Câu hỏi phổ biến mà các bậc phụ huynh hỏi con và hỏi thăm nhau là: “Thế con thích trường nào và đủ điểm vào trường nào”? Tiêu chí lựa chọn trường của học sinh và các bậc cha mẹ cũng thường chỉ lựa theo hai phương án này. Đầu tiên là có thích học ngành nghề ấy không, sau đó sẽ là đủ điểm vào trường đó không?
Với những em học sinh điểm cao, nhiều sự lựa chọn thì là vậy. Còn với những em điểm không cao thì quan tâm nhiều hơn đến yếu tố an toàn, tức là sẽ chọn trường vừa tầm với điểm của mình.
Đa phần các em sẽ chọn nghề theo hình dung về nghề. Nghĩa là nhìn thấy bố mẹ, anh chị, cô dì chú bác người thân làm nghề ấy, thấy thích thì chọn. Hoặc nghe thấy nghề ấy hay hay, chẳng hạn như công an thì săn bắt cướp, nhà báo thì phản ánh những điều xấu tồn tại trong xã hội, diễn viên thì giàu có, sang chảnh… nên thi để học rồi ra làm nghề đó. Mà hình dung thì ít khi nào giống với thực tế nên không ít em khi vào học rồi thì… vỡ mộng
Cũng có những em học sinh do học lệch, thích nghề này nhưng chỉ có thể thi khối khác, vào trường khác. Thế là, nếu hình dung toàn bộ quá trình đi học của các em học sinh là một véc tơ, thì học để thi chiếm toàn bộ chiều dài véc tơ ấy. Trong khi chọn nghề là điểm cuối của con đường thì chưa được chú ý và thực sự là việc riêng của học sinh và gia đình chứ hầu như không có định hướng từ phía giáo dục nhà trường trong suốt những năm tháng đi học.
Đó là lí do tại sao, trong mùa tuyển sinh chúng tôi lại bàn về “đầu ra” của đại học. Theo điều tra của Bộ Giáo dục, năm 2011, cả nước có đến 63 % sinh viên thất nghiệp vì thiếu kỹ năng. Bản tin khảo sát thị trường lao động quý 2/2018, được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra số liệu cả nước có 126.900 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Đó là một con số đau lòng mà rất nhiều chuyên gia đã đưa ra các phân tích “gọi mặt chỉ tên” những nguyên nhân. Việc hướng nghiệp trong nhà trường còn ở mức hạn chế dẫn đến việc học sinh không nhận ra được sở thích nghề nghiệp của bản thân, nhu cầu lao động của xã hội mà chỉ nghĩ cứ học xong đại học là thành công chính là một trong những nguyên nhân ấy.
Dù vậy, hiện nay việc hướng nghiệp gần như chưa được thực hiện một cách rõ ràng làm gia tăng tỷ lệ sinh viên thất nghiệp. Tức là, ngay từ khâu “đầu vào” đã không chuẩn thì học xong chẳng biết làm gì hoặc chẳng làm được gì là việc đương nhiên.
Trong khi đó, hiện tượng học sinh cư xử lệch chuẩn xuất hiện ngày càng nhiều với các vụ việc nhiều khi mang tính chất nghiêm trọng làm đau đầu xã hội. Lứa tuổi học sinh ngồi trên ghế nhà trường, tuổi hồn nhiên trong sáng ngây thơ mà ngang nhiên bày tỏ tình cảm, yêu đương ghen tuông náo loạn cả lớp học.
Ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới mà “đánh hội đồng” túm áo lột quần quay clip tung lên mạng xã hội đến nỗi bạn bỏ học, phải vào viện điều trị tâm lí thậm chí tự tử vì không dám nhìn mặt ai. Đáng ngại hơn, đã có những vụ học sinh, sinh viên đâm chết nhau ở Hà Nội và cả nước chỉ vì những nguyên nhân “lãng xẹt” như “nhìn đểu” hay mâu thuẫn vặt.
Học để thi hay học để làm nghề và làm người có ích cho xã hội? Đó là câu hỏi mà chúng ta đang đặt ra cho ngành giáo dục. Điều này cho thấy, gia đình là nơi sinh thành dưỡng dục nhưng các thầy cô giáo cũng không kém phần quan trọng trong vai trò tác động đến tâm lí các em học sinh.
Giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức
Nghề giáo không chỉ là đứng trên bục giảng để dạy những điều trong sách vở. Hay nói cách khác, nếu giáo viên chỉ làm như vậy thì đúng thôi chứ chưa đủ. Điều kiện, hoàn cảnh xã hội mới đòi hỏi thầy cô giáo phải bước ra khỏi bục giảng mà hòa vào với tâm lí, tình cảm của các em học sinh, để “trồng người” một cách trọn vẹn.
Môi trường giáo dục không chỉ đóng khung trong các bài giảng được chuẩn bị kĩ càng trên giáo án. Đây còn là nơi các giáo viên trẻ phát huy sức sáng tạo, thể hiện tâm huyết, bản lĩnh của mình. Đặc biệt, đó còn là những Đảng viên luôn gương mẫu đi đầu để tìm ra những đột phá mới cho ngành giáo dục.
Những ai từng đi học đều biết, ngoài các giờ giảng bài, thầy cô giáo trẻ đôi khi còn là thần tượng, rất gần gũi để các em học sinh bày tỏ tâm tư, tình cảm. Bởi thế, nếu chỉ giảng bài, chuyển hết kiến thức từ giáo án qua bài giảng đến các em, để học sinh đi thi đoạt giải cao thì chỉ là hoàn thành tốt chứ chưa phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy, nhiều thầy cô giáo trẻ bằng tình cảm, bằng sự nỗ lực không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục đã mang đến những giờ học bổ ích, những buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyệt vời để học sinh thêm yêu các môn học, thu nạp được nhiều kiến thức hơn, coi trường học là ngôi nhà thứ hai của mình.
Do đó, đổi mới các phương pháp giáo dục là luồng gió mới thổi vào để chính các giáo viên không bị cũ mòn, dạy mãi mà không hiệu quả, kiến thức “thất thoát” từ cô sang trò. Điều này cũng khiến các em học sinh cảm thấy việc học là vui vẻ chứ không phải áp lực, chọn ngành nghề học một cách có chủ đích, theo năng lực chứ không theo phong trào.
Bên cạnh đó, bằng sự thấu hiểu, gần gũi với lứa tuổi của các em học sinh, giáo viên còn có thể là người bạn đồng hành, định hướng giúp các em vượt qua những cơn “sang chấn tinh thần” vì tình cảm, vì áp lực học hành, vì những tổn thương do đổ vỡ trong gia đình mà không thể bày tỏ cùng ai.
Cách trò chuyện cởi mở cùng với kinh nghiệm của mình, thầy cô giáo sẽ dễ dàng đưa ra lời khuyên giải, giúp các em có cách xử lí hoặc vượt qua những cú sốc này một cách dễ dàng, êm đẹp hơn. Thậm chí, nhiều giáo viên còn cảm hóa được học sinh, tìm lại cho các em con đường ứng xử văn minh, thanh lịch, trở thành người có ích cho xã hội…
Giáo dục nhân văn thay vì chỉ truyền thụ kiến thức, đó là cách mà các nền giáo dục thành công trên thế giới đã làm. Đó mới là cách để con người có thể phát triển toàn diện cho xã hội văn minh tân tiến hơn chứ không phải chỉ tạo ra con người làm việc tạo ra của cải vật chất. Đó cũng là điều mà người dân Việt Nam đang mong muốn nền giáo dục của mình cải tiến và hướng tới.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Kể chuyện về tình yêu Tổ quốc qua những tà áo dài

Giới trẻ hào hứng đón chào 50 năm ngày Giải phóng

Tỏa sáng tinh thần dân tộc, nghị lực phi thường

Khoảnh khắc lắng đọng tại Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ

Tình yêu đất nước lên hình trong những sản phẩm sáng tạo

Bài 4: Tuổi trẻ cùng TP Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên mới

Thanh niên Đà Nẵng sẵn sàng cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Giới trẻ Hà thành đổ về Quảng trường Ba Đình chụp ảnh

Hà Nội rực rỡ cờ hoa, ngập tràn tự hào
