Agribank có nợ xấu cao nhất ngành, nguy cơ mất vốn gần 17.300 tỷ đồng
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ soát xét giữa niên độ năm 2020 cho thấy tình hình tài chính của ngân hàng 100% vốn Nhà nước có dấu hiệu đi xuống.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Agribank ghi nhận ở mức 13.285 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập lãi thuần giảm 5%, còn gần 20.115 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động khác giảm đến 28%, còn gần 2.691 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 12.182 tỷ đồng.
Để cứu vãn kết quả lợi nhuận, Agribank giảm 25% trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, còn gần 6.524 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái là 8.676 tỷ đồng. Kết quả, Agribank ghi nhận 5.414 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Agribank vẫn xấp xỉ so với đầu năm, đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 1,22% lên con số hơn 1,13 triệu tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ phải trả, tiền gửi khách hàng của Agribank ghi nhận 1,32 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4% so đầu kỳ.
![]() |
Trụ sở chính Agribank |
Về chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của Agribank lên mức 24.463 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm, chiếm 2,15% so với tổng dư nợ cho vay. Đây là mức nợ xấu cao nhất ngành ngân hàng, cao hơn cả nhóm nhà băng quốc doanh như BIDV ( khoảng 22.760 tỷ đồng), Vietinbank (15.970 tỷ đồng) và Vietcombank (6.430 tỷ đồng).
Trong cơ cấu nợ xấu, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng mạnh 95% lên mức 3.805 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 39% so với đầu năm, lên mức 17.285 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2020, do dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng 1% nên tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Agribank tăng từ 1,56% lên mức 2,15%.
Liên quan đến Agribank, thời gian qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đăng tải loạt bài phản ánh về các sai phạm trong hoạt động tín dụng tại các chi nhánh của ngân hàng này.
Hồi đầu năm 2019, Cơ quan Thanh tra, Giám sát - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có kết luận số 358/KL-TTGSNH1 nêu rõ hàng loạt vi phạm tại 19/171 chi nhánh khác của Agribank đến thời điểm cuối năm 2017, đặc biệt là hoạt động cho vay, bảo lãnh, thư tín dụng (L/C) với tổng số tiền vi phạm lên tới gần 21.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Cơ quan thanh tra còn nhận thấy rất nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro khác, nguy cơ mất vốn lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng do cho vay trái quy định. Hàng loạt công ty được cho vay trái quy định với dư nợ hàng trăm tỷ đồng khiến ngân hàng đứng trước nguy cơ mất vốn, khó có khả năng thu hồi.
Theo tài liệu hồ sơ của phóng viên, cuối năm 2019, Agribank đã thanh kiểm tra đã phát hiện rất nhiều vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đến thời điểm cuối năm 2018.
Theo báo cáo của Agribank Việt Nam đã kiểm tra, rà soát 59 khách hàng, tổng dư nợ 2.331,89 tỷ đồng (chiếm 51% tổng dư nợ cấp tín dụng Agribank chi nhánh Nam Hà Nội). Toàn bộ hồ sơ được kiểm tra, rà soát có rất nhiều tồn tại, vi phạm trong việc chấp hành quy định, quy trình cấp tín dụng.
Các sai phạm được phát hiện là Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đã cho vay vượt thẩm quyền, cho vay đối với khách hàng có nợ xấu, nợ bán VAMC không đúng quy định; Thẩm định báo cáo tài chính không chính xác; Thẩm định năng lực tài chính, doanh thu, vốn tự có/vốn đối ứng, nhu cầu vốn, mức cho vay không chính xác, thiếu các hợp đồng kinh tế đầu ra, đầu vào...
Sau khi báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng bài phản ánh, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà Nước) đã yêu cầu Agribank kiểm tra, rà soát nội dung báo nêu liên quan đến các sai phạm tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội; Báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm (nếu có) trước ngày 30/8/2020.
"Việc cho vay trái quy định dẫn đến khó có khả năng thu hồi vốn ngoài trách nhiệm của cán bộ thụ lý cho vay còn có trách nhiệm của các phòng, ban, giám đốc chi nhánh có vi phạm. Các bộ phận chức năng tại trụ sở chính Agribank, đặc biệt là Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc Agribank cũng không thể không có trách nhiệm về việc kiểm tra, giám sát và chỉ đạo hoạt động của các chi nhánh ngân hàng", một chuyên gia pháp lý ngân hàng chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

BIDV Run - Vì cuộc sống Xanh, kiến tạo giá trị vững bền

Thủ tướng Chính phủ dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên

Khẳng định năng lực nhà thầu Việt trong thời kỳ mới

Khánh thành nhà máy sản xuất phụ kiện và phụ tùng ô tô

Meey Group lại được vinh danh tại Sao Khuê 2025

Nestlé Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập

Đẩy mạnh quá trình số hóa toàn diện và quyết liệt

ABBANK đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 1.800 tỷ đồng

Phong tặng danh hiệu cho 151 nghệ nhân và 3 bảng vàng gia tộc làng nghề
