50 năm tiếng reo vang đầy tự hào
Tự hào, biết ơn những đóng góp, hy sinh cho hòa bình Tổ quốc Tới Quảng trường Ba Đình để lưu giữ khoảnh khắc tự hào Hà Nội rực rỡ cờ hoa, ngập tràn tự hào |
Nửa thế kỷ đồng hành cùng dân tộc
“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đã trở thành câu hát thường xuyên, được bật lên, hát lên vào những dịp trọng đại của đất nước. Vào ngày 30/4, ngày bầu cử, vào dịp Đại hội Đảng, sinh nhật Bác hay những cuộc hội họp từ cấp quốc gia đến cấp phường, tổ dân phố…
Đặc biệt, vào những ngày vui của dân tộc, trên khắp các con phố rợp cờ hoa, trên đường phố lòng người phơi phới rộn rã, tiếng loa phát “Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh” theo bước chân mọi người đi muôn nơi cùng trái tim náo nức niềm vui. Trong lời ca, tiếng hát ấy, triệu triệu trái tim người Việt cùng chung một nhịp đập.
![]() |
Bài hát như tiếng reo vang đầy tự hào |
Đó là niềm vui vỡ òa vì đất nước hòa bình, là niềm tự hào, là tình yêu nước được dâng lên cao độ và đặc biệt là lòng biết ơn Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Bởi thế, mỗi câu hát là một tiếng reo vui. Tiếng reo vui của cả dân tộc phải trải qua hai cuộc kháng chiến trường kì gian khổ mới có được. Trong suốt thời gian đó, biết bao người con của Tổ quốc đã ngã xuống, biết bao tấm gương lẫm liệt cứ “lớp cha trước lớp con sau” làm nên mùa xuân của dân tộc.
![]() |
Bản thảo bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên |
Hơn ai hết người Việt Nam ta cảm nhận rõ nét và chịu đựng cũng như cống hiến, hi sinh để có được ngày vui toàn thắng này nên hòa bình, thống nhất đáng quý, đáng trân trọng hơn bao giờ hết. Bởi thế, có thể nói, dù ngắn gọn nhưng ca khúc đã nói thay lời của cả dân tộc vào thời khắc lịch sử ấy.
Bài hát ngắn, vỏn vẹn có 64 chữ, được bật ra trong hai tiếng đồng hồ nhưng gửi gắm sự dồn nén trong suốt 45 năm sống cùng Nhân dân, đất nước của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát cũng thể hiện cái tài của người nhạc sĩ khi sáng tác nên một ca khúc vừa ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ mà lại mang tầm vóc và ý nghĩa vô cùng to lớn.
Bởi lẽ, ngay trong thời khắc đất nước vừa thống nhất, niềm vui vỡ òa như thế, người ta nghẹn ngào và xúc động không nói lên lời, chỉ có thể hô lên tên đất nước và con người vĩ đại đã khai sinh ra đất nước ấy.
![]() |
Những ngày này, trong không khí tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lời ca ngắn gọn, hào hùng, như tiếng reo vui “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” lại vang lên khắp Tổ quốc, từ địa đầu Hà Giang đến mũi Cà Mau.
Nửa thế kỷ trôi qua kể từ hai miền Bắc - Nam thống nhất, đất nước lại bước vào một kỉ nguyên mới đầy quyết tâm và tràn ngập cảm xúc, hình ảnh Bác Hồ, niềm tin và hi vọng sẽ càng là nguồn động lực lớn lao để chúng ta tiến bước.
Niềm tự hào và tình yêu cháy bỏng
Tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của ca khúc, chúng ta càng thấy đó là sự đúc kết tinh thần Việt Nam, tiếng lòng Việt Nam vỡ òa trước niềm vui quá đỗi lớn lao mà dân tộc đã đổi máu xương của bao người để giành được.
Lúc đó nhạc sĩ Phạm Tuyên đang ở tuổi 45, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông kể rằng, những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tin tức chiến thắng từ khắp nơi tới tấp bay về và ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến rất gần đã thôi thúc ông phải viết một bài ca mừng ngày giải phóng.
Đặc biệt, ngày 28/4/1975, trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi bản tin sân bay Tân Sơn Nhất bị máy bay ta ném bom.
![]() |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn nhớ rất rõ, khi nghe thông tin này, trong người ông xuất hiện cảm xúc rất khó tả và ông tin chắc chắn rằng đất nước sắp được thống nhất. Không chần chừ được nữa, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã bỏ dở một bản hợp xướng bốn chương đã được Ban tuyên huấn của Đài Tiếng nói Việt Nam giao nhiệm vụ sáng tác trước đó để tìm chủ đề cho bài hát. Viết cái gì, giai điệu, tiết tấu, ca từ ra sao là điều khiến ông vô cùng trăn trở, đau đáu.
Hình ảnh Bác Hồ - linh hồn của cuộc kháng chiến nay đã không còn để vui cùng toàn dân tộc trong ngày đất nước thống nhất òa về trong tâm trí ông. Đây rồi, tinh thần lớn lao của bài hát đã bật ra ngay tức khắc với tứ thơ "Như có Bác Hồ trong ngày Đại thắng". Đêm hôm đó, ông ngồi ôm chiếc đàn ghi ta từ 21h30 đến 23h30 để kí âm và viết xong ca khúc “Như có Bác trong ngày vui Đại thắng”.
![]() |
11h trưa 30/4/1975, Sài Gòn được giải phóng. Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó là nhà báo Trần Lâm đã gọi một số nhạc sĩ đang công tác ở Đài lên hỏi: “Các anh đã có bài hát nào chưa? Sài Gòn giải phóng rồi. Đúng 5h chiều nay Đài sẽ chính thức công bố tin toàn thắng ra thế giới. Sau khi công bố phải có gì cho có không khí chứ?”.
Khi ông đưa bản nhạc ra, nhà báo Trần Lâm liếc nhanh đầu đề "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" liền đề nghị ông hát cho nghe. “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng / Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng / Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông / Ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa kháng chiến đã thành công! Việt Nam, Hồ Chí Minh! Việt Nam, Hồ Chí Minh! Việt Nam, Hồ Chí Minh! Việt Nam, Hồ Chí Minh! Việt Nam, Hồ Chí Minh!”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên vừa dứt lời thì nhà báo Trần Lâm đã rơm rớm nước mắt và reo lên: “Trúng rồi! Tuyệt rồi! Thu thanh ngay để kịp phát sóng”.
![]() |
Ngay trong chiều hôm ấy dàn đồng ca và dàn hợp xướng gồm 50 người đã được triệu tập gấp để dàn dựng ngay ca khúc "Như có Bác trong ngày vui đại thắng". Nhạc sĩ Phạm Tuyên bồi hồi nhớ lại chưa có buổi thu thanh nào ở Đài Tiếng nói Việt Nam mà từ người kéo đàn đến nhạc trưởng cũng như ca sĩ đều rưng rưng nước mắt như thế. Ông cũng cho biết, khi ca khúc được thu âm xong thì chính nhạc sĩ và nhà báo Trần Lâm cùng khóc.
Đến bản tin chiều, phát lúc 17h ngày 30/4, sau tin thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất, bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã lần đầu tiên được phát đi khắp mọi miền Tổ quốc.
Ca khúc này ngay lập tức đã tìm được chỗ đứng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, nối tiếp nhưng ca khúc nổi tiếng khác như “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Chiến thắng Điện Biên” (Đỗ Nhuận), Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước)… - những ca khúc mà khi vang lên, người Việt Nam đều nhớ ngay tới những cột mốc lịch sử hào hùng của dân tộc.
Tin liên quan
Đọc thêm

Lòng tự hào dân tộc kết tinh qua ngôn ngữ âm nhạc

Nguyễn Phi Hùng sáng tác ca khúc “Hành khúc Tuổi trẻ Việt Nam”

1.200 người tham gia cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn”

Tchaikovsky Night: Khi âm nhạc chạm tới trái tim

Giải pháp phát triển thị trường âm nhạc trong nước và quốc tế

Giọng ca “Đỉnh cao âm nhạc” mở màn show của Mỹ Linh, Uyên Linh

Khẳng định vai trò của âm nhạc trong phát triển công nghiệp văn hóa

Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội trình diễn những tác phẩm bất hủ của Tchaikovsky

Kết nối những kỉ niệm, tìm về thanh xuân đầy nhiệt huyết
