Tạo ưu đãi thuế để khơi dậy tinh thần doanh nghiệp
Kéo dài thời gian miễn thuế cho doanh nghiệp khoa học công nghệ
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế khoản chi phí bổ sung áp dụng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp; giao Chính phủ quy định chi tiết về mức chi được trừ bổ sung, điều kiện và phạm vi áp dụng.
Dự thảo Luật cũng bổ sung khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; khoản chi cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là khoản khi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong đó, quy định thể hiện rõ nhất quan điểm này là Điều 4 về thu nhập được miễn thuế đã nêu rõ: “Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 3 năm”.
![]() |
ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai góp ý vào dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) |
Cho ý kiến về dự thảo luật tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, quy định thể hiện một bước tiến tích cực trong việc khuyến khích hoạt động đầu tư đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển của công nghệ, chưa đủ sức tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Thực tế cho thấy, nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, công nghệ cao, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI)..., cần từ 5 - 10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa.
Do vậy, các đại biểu nhất trí đề nghị, những thu nhập được quy định tại khoản 4, Điều 4 này cần được "miễn thuế tối đa không quá 5 năm".
ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP Hà Nội) mong muốn, cơ quan chủ trì soạn thảo ủng hộ đề nghị xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm với những lĩnh vực nêu trên, nhất là trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và được ưu tiên như y tế, dược phẩm và công nghệ sinh học AI, công nghệ mới.
Theo đại biểu, bản thân một số doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động của chính sách này cũng đề nghị kéo dài thời gian được miễn thuế tối đa với thu nhập từ nghiên cứu, bán sản phẩm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Đại biểu cũng đề nghị, gia cố quy định tại khoản 2, Điều 12 về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khoa học. Bởi, quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ cao để sản xuất mới “đúng nhưng chưa đủ”. Các hoạt động ứng dụng và thử nghiệm cũng là một khâu rất quan trọng trước khi tiến hành sản xuất đại trà sản phẩm công nghệ mới, công nghệ cao.
![]() |
ĐBQH đề nghị xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm với những lĩnh vực về năng lượng tái tạo, công nghệ cao, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI)... |
Đẩy sớm thời gian có hiệu lực thi hành luật, góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, với các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ”, nhiều ĐBQH đề nghị, cần quyết liệt thể chế hóa kịp thời, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngay trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Cũng trên tinh thần quyết liệt thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, thời gian có hiệu lực thi hành của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua cần bắt đầu ngay từ ngày 1/10/2025, thay vì chờ đến 1/1/2026 như đề xuất của Chính phủ.
Lý giải cho đề nghị này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, tăng trưởng kinh tế của chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, do đó phải thúc đẩy tăng trưởng từ nội lực. Những chủ trương, chính sách mới để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ tại Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng như chính sách về phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết số 68-NQ/TW cần sớm được thể chế hóa để đi vào thực tiễn ngay.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định theo hướng "một số chính sách tốt khi ban hành được phép áp dụng lùi ngược trở lại, không nhất thiết phải áp dụng sau ngày Luật có hiệu lực thi hành". Có đại biểu cho rằng, hiệu lực áp dụng của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) có thể từ ngày 1/10/2025 nhưng một số chính sách miễn thuế, giảm thuế và một số khấu trừ chi phí, Chính phủ có thể nghiên cứu cho áp dụng từ đầu năm 2025.
Vận dụng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho phép áp dụng tức thời những quy định tốt, có giá trị, có ý nghĩa quan trọng sẽ tác động tích cực về mặt tâm lý, khơi dậy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng sẽ là biện pháp góp phần trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên như mục tiêu đã đề ra.
![]() |
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho ý kiến vào dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của luật sang ngày 1/10/2025 thay vì ngày 1/1/2026 như đề xuất trước đó. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương xây dựng các nghị định hướng dẫn để đảm bảo triển khai ngay khi luật có hiệu lực.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, trên cơ sở rà soát pháp luật về thuế, đầu tư và xu hướng quốc tế, Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm các đối tượng, lĩnh vực và địa bàn được hưởng ưu đãi.
Việc sắp xếp lại các ưu đãi đã được tính toán hợp lý, không làm ảnh hưởng tới tổng thể chính sách hiện hành, đồng thời vẫn tạo ra các chính sách vượt trội để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích.
Về tính thống nhất và đồng bộ trong chính sách ưu đãi thuế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chô biết, để khắc phục tình trạng ưu đãi thuế bị quy định rải rác trong các luật chuyên ngành, dự thảo lần này đã bổ sung quy định rõ ràng: trong trường hợp các luật khác có quy định khác về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, sẽ áp dụng theo quy định của luật này.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát các luật chuyên ngành, kể cả những luật đã được Quốc hội thông qua cuối năm 2024 và những luật sẽ trình trong thời gian tới, để điều chỉnh cho phù hợp với chính sách ưu đãi chung của luật này.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá trong vụ điều tra lẩn tránh

TP Hồ Chí Minh: Tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển

PVCFC được Úc công nhận đạt chuẩn cao nhất về xuất khẩu phân bón

Nhà máy TH Kaluga: Dự án biểu tượng tình hữu nghị Việt - Nga

Tận dụng dữ liệu TMĐT để nắm bắt xu hướng: Doanh nghiệp "hái" quả ngọt

Từ chủ trương đến thực tiễn: Khoảng cách cần được lấp đầy

Bí quyết đưa kinh tế đêm tại Việt Nam bừng sáng

Khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng làm giàu chính đáng

Chính thức vận hành Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH tại xứ sở bạch dương
