Siết kỷ cương, không để “khoảng trống” trong quản lý đất đai
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong quy hoạch, quản lý đất đai |
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị giao ban quý I/2025 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, bàn về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và tăng cường quản lý đất đai |
Sớm nắm bắt tình hình này, tại Hà Nội, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố đặc biệt quan tâm, siết chặt công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, kiên quyết ngăn chặn tình trạng lợi dụng để trục lợi…
Bài 1: Quyết liệt xử lý nghiêm các vi phạm
Để không còn "khoảng trống" trong công tác quản lý đất đai, cả hệ thống chính trị thành phố vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vừa duy trì chặt chẽ công tác quản lý, phòng ngừa vi phạm. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần siết chặt việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính...
Phải thể hiện trách nhiệm cao nhất
Tại Hội nghị giao ban quý I/2025 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I/2025, diễn ra đầu tháng 4 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đây luôn là vấn đề “nóng”, trong thời điểm này lại càng “nóng” hơn.
Do vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải thể hiện trách nhiệm cao nhất, không để xảy ra tình trạng “tranh tối tranh sáng” hay khoảng trống quản lý.
“Việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này không chỉ là thước đo năng lực lãnh đạo, ý thức trách nhiệm, danh dự của tập thể, cá nhân ở địa phương và của cả thành phố, mà còn là căn cứ để thành phố đánh giá cán bộ; qua đó, thực hiện việc sắp xếp, luân chuyển, điều động cán bộ trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan nội chính tăng cường giám sát, đồng thời yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng dữ liệu đất đai để nâng cao hiệu quả quản lý.
![]() |
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thị sát tình hình quản lý đất đai khu vực ngoài đê sông Hồng |
Thời gian qua, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng, Cụ thể, tại Công điện 02/CĐ-UBND ngày 5/3/2025 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo các quận, huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng tranh thủ, lợi dụng thời điểm sắp xếp để thực hiện các hành vi lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, xây dựng công trình sai phép, trái phép…
Sau đó, ngày 15/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cũng đã ký ban hành Công văn số 938/UBND-NNMT về việc đẩy mạnh công tác giám sát quản lý đất đai, môi trường trong thời gian thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, môi trường trên địa bàn thành phố, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai ngay các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thời gian thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy để lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng, môi trường.
Ngày 22/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp tục ký Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính.
Trong đó, người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội yêu cầu, sở ngành liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho vi phạm phát sinh; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm ngay từ đầu các trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng giao Công an thành phố chỉ đạo Công an cấp xã tăng cường nắm bắt tình hình an ninh trật tự, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng; chủ động đấu tranh với các hành vi tổ chức, tiếp tay cho việc chiếm dụng trái phép đất đai, gây mất an ninh trật tự; có biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, củng cố hồ sơ xử nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sau đó, kết luận Hội nghị lần thứ hai mươi hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài một lần nữa nhấn mạnh vấn đề này. Đồng chí yêu cầu, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã phải tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để tình trạng vi phạm đất đai xảy ra ở xã, phường, thôn, xóm.
Nâng mức phạt để gia tăng tính răn đe
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 22 diễn ra cuối tháng 4/2025, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với 71 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô).
Theo đó, mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP trên địa bàn thành phố Hà Nội nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
![]() |
Cưỡng chế công trình vi phạm trên địa bàn huyện Ba Vì |
Những động thái trên cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội trong việc xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng. Mặc dù sẽ khó xử lý triệt để 100% các vi phạm nhưng đây cũng có thể là những biện pháp để "không dám, không thể" xảy ra những vi phạm mới.
Ngay sau khi Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được thông qua, cùng với chỉ đạo sát sao từ UBND thành phố, nhiều địa phương chuyển từ trạng thái thụ động sang hành động quyết liệt.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định, ngay sau khi HĐND thông qua Nghị quyết, Thanh Oai tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát toàn bộ trường hợp vi phạm trên địa bàn, nhất là vi phạm phát sinh. Huyện kiên quyết xử lý dứt điểm theo tinh thần Nghị quyết, không có vùng cấm. Việc có khung xử phạt cụ thể, nghiêm khắc giúp địa phương thuận lợi hơn trong xử lý, tạo hiệu ứng răn đe rõ rệt. Chỉ riêng trong tháng 4, đầu tháng 5, huyện hoàn thiện hồ sơ xử lý cưỡng chế 74 trường hợp vi phạm, tổng số tiền xử phạt hàng trăm triệu đồng. Đây là tín hiệu tích cực lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất đai ở cơ sở.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường, việc Hà Nội đề xuất nâng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm đất đai và môi trường là một bước đi tất yếu, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn mới. Không chỉ nhằm mục tiêu răn đe, giải pháp này còn hướng tới xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, an toàn và đáng sống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cần đảm bảo quyền lợi của tiểu thương tại chợ Điện Nam Trung

Quảng Nam kiên quyết đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Thông tin mới vụ doanh nghiệp bị "tố" chây ỳ tiền thi công

Tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, hàng giả

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Triệt phá cơ sở sản xuất, buôn bán số lượng lớn mỹ phẩm giả

Cảnh báo chiêu trò “nháy máy 3 giây”: Thủ đoạn không thể coi thường

Hàng giả, hàng nhái tràn lan, vai trò cơ quan chức năng ở đâu?

Phải quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng nhái

Kiểm tra ngay khi người dân tố giác hành vi buôn bán hàng giả
