eMag azine
14/06/2023 09:00
Những chuyện “chưa từng có” trên hành trình xây dựng “con đường mơ ước”

14/06/2023 09:00

TTTĐ - Các vị trưởng tộc, những Đảng viên lão thành và thế hệ thanh niên đều chung tay một cách thiết thực, hiệu quả vào việc GPMB phục vụ Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Những chuyện “chưa từng có” trên hành trình xây dựng “con đường mơ ước”

Thời gian vừa qua, Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cơ hội chứng kiến không khí khẩn trương, tinh thần nhiệt thành, đức hi sinh quả cảm của nhiều cá nhân, tập thể trong công cuộc giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Trong khuôn khổ bài viết này, phóng viên muốn kể một vài mẩu chuyện về những con người bình dị nhưng tấm lòng lớn lao, sẵn sàng làm những việc chưa từng có để góp phần nhỏ nhoi vào hành trình xây dựng "con đường mơ ước"...

Người dân xã Văn Bình thường tự hào kể với bạn bè rằng, quê hương của họ là vùng đất cổ, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, khoa bảng. Từ hàng ngàn năm trước, xã Văn Bình đã là trung tâm của phủ Thường Tín với những công trình tâm linh nổi tiếng như chùa Pháp Vân, Pháp Lôi, Văn Từ Thượng Phúc; Các bậc danh nhân đỗ đạt đại khoa như tiến sĩ Trần Lư, tiến sĩ Nguyễn Nhữ, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đăng, tiến sĩ Lê Tông Quang…

Cùng với năm tháng, xã Văn Bình càng lúc càng đông đảo, trù phú. Trong đó, dòng họ Nguyễn Hữu làng Văn Giáp cũng tăng mạnh về nhân khẩu. Theo trưởng tộc Nguyễn Hữu Tôn, dòng họ này hiện có hơn 600 nhân khẩu, chia làm 4 chi phụ, con cháu tản mạn khắp cả nước nhưng phần mộ của tổ tiên, tiền nhân thì vẫn yên nghỉ tại nghĩa trang của làng.

Trưởng tộc Nguyễn Hữu Tôn cho hay: “Nghĩa trang Chùa Cửi, nghĩa trang Đống Mang của làng Văn Giáp đã tồn tại lâu đời, có những ngôi mộ ngót nghét 400 tuổi. Vì thế, khi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chạy qua 2 nghĩa trang này, những người trong họ đều xôn xao, thậm chí hoang mang”.

Lắng nghe ý kiến của những người trong dòng họ, ông Tôn biết rằng có một vài tiếng nói bày tỏ băn khoăn, không muốn “phạm” tới mồ mả. “Tuy nhiên, đại đa số lại rất hiểu biết, chia sẻ với chủ trương, chính sách chung”, ông Tôn kể với phóng viên.

Trưởng tộc Nguyễn Tôn (xã Văn Bình, Thường Tín) báo cáo tiên tổ về việc di chuyển phần mộ để phục vụ GPM vành đai 4

Từ cuối năm 2022, cùng với sự động viên của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Thường Tín, dòng họ Nguyễn Hữu tổ chức nhiều cuộc họp nội bộ nhằm đả thông tư tưởng cho các thành viên.

Ông Nguyễn Hữu Tôn nhớ lại: “Với tư cách người đứng đầu dòng họ, tôi yêu cầu các chi lập danh sách ngôi mộ, nêu rõ gia đình nào đồng thuận, gia đình nào không đồng thuận với việc di chuyển mồ mả. Vướng ở đâu, đại diện dòng họ sẽ gặp và động viên ở đó”.

Sự tích cực của những người như ông Tôn đã mang lại hiệu quả không ngờ. Đến nay, hơn 300 ngôi mộ của dòng họ Nguyễn Hữu làng Văn Giáp - gồm cả những phần mộ hàng trăm năm tuổi - đã được di chuyển tới nghĩa trang mới.

“Mời các cụ từ nghĩa trang truyền thống lên “khu đô thị mới”, trong tâm của con cháu đều rất hoan hỉ”, trưởng tộc Nguyễn Hữu Tôn vui mừng cho biết.

Được biết, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa phận huyện Thường Tín có chiều dài khoảng 9km; Thu hồi khoảng 120ha đất tại 9 xã; Bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với 2.001 hộ, cá nhân, 14 tổ chức; Tái định cư 236 hộ; Di chuyển 4.224 ngôi mộ tại 5 xã.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, huyện Thường Tín chủ động thực hiện các biện pháp tuyên truyền, động viên nhằm tạo sự đồng thuận của người dân. Ví dụ, xã Văn Bình, huyện Thường Tín đã lựa chọn khu đất bằng phẳng, rộng rãi có tổng diện tích khoảng 4,91ha để xây dựng nghĩa trang. Trong đó, diện tích khu đất nghĩa trang hiện có khoảng 1,61ha và diện tích khu đất nghĩa trang mở rộng (mới) khoảng 3,3ha với các hạng mục ở giai đoạn 1: San lấp mặt bằng nền đất, đặt 1.993 giếng mộ, làm mặt bằng khu vực bãi xe. Sau đó, huyện tổ chức bốc thăm, giao các vị trí quy tập mộ tại thực địa cho các dòng họ, hộ gia đình, cá nhân có mộ để di chuyển.

Tính đến ngày giữa tháng 6/2023, huyện Thường Tín đã di chuyển 1.829/1.846 ngôi mộ (đạt 99,07%), phần đa nằm ở xã Văn Bình. Ngoài ra, xã Khánh Hà, Vân Tảo, Hồng Vân cũng đã hoàn thành việc di dời mộ.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho hay, địa phương có số lượng mộ và diện tích đất nông nghiệp nằm trong diện phải di chuyển, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 khá lớn. Vì vậy, UBND huyện quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban và 9 xã, đặc biệt là xã Văn Bình, nơi đang thực hiện dự án xây dựng, cải tạo nghĩa trang, sớm hoàn thành các phần việc để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đến ngày 5/6, huyện Thường Tín là địa phương đầu tiên khởi công khu tái định cư phục vụ GPMB vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), hồi giữa tháng 2/2023, khi kiểm tra thực địa công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tiếp xúc, nghe ý kiến của một số người dân địa phương. Đại đa số người dân đều bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí cao với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, sẵn sàng bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án.

Trong số người dân gặp trực tiếp và trao đổi tâm tư với đồng chí Đinh Tiến Dũng hôm ấy có một cụ già đã 80 tuổi, tóc bạc trắng, dáng người gầy gò nhưng đôi mắt vẫn tinh anh. Đó là ông Nguyễn Văn Thân (sinh năm 1944) trú tại cụm 2, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.

Những chuyện “chưa từng có” trong cuộc xây dựng “con đường mơ ước”

Ông Thân là lính pháo binh, đã từng chiến đấu chống Mỹ và tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc tại biên giới phía Bắc. Trở về quê hương, ông nhiều năm giữ vị trí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và hiện giờ là ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Hồng Hà. Xét về tuổi tác cũng như quá trình công tác, ông Thân là người có tiếng nói, có ảnh hưởng trong cộng đồng dân cư.

Trong kế hoạch giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, gia đình ông Thân có tới 8 ngôi mộ phải di chuyển, trong đó gồm cả nơi an nghỉ của bố mẹ đẻ của ông và một số anh em ruột thịt.

“Không ít người dân ngó vào hành động của chúng tôi khi có chủ trương giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Vành đai 4. Họ muốn xem “mấy ông cán bộ làm thế nào?” hay là “mồ mả của nhà ông chưa chuyển, thì nói gì chúng tôi?”. Chính vì thế, tôi và gia đình quyết tâm thực hiện không những sớm mà còn đi đầu”, ông Thân kể.

Nghĩ là làm, ông Thân đăng ký với chính quyền xã Hồng Hà, sau đó, huy động con cháu tự tay mời những người thân thích quá cố tới nơi an táng mới. Chưa dừng ở đó, ông Thân vận động gia đình bên ngoại chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, tự nguyện di dời 15 ngôi mộ.

Người cựu binh già nói khẳng khái: “Tôi là lính, bất cứ mặt trận nào cũng phải chiến đấu hết sức để phụng sự lợi ích chung của đất nước, của Nhân dân. Kể từ khi gia đình mời các cụ sang “nhà mới”, tâm của tôi rất thanh thản, bình an. Như vậy, gia đình tôi đã làm một việc đúng đắn!”.

Tại huyện Sóc Sơn, những ngày này, câu chuyện về vành đai 4 gần như là chủ đề rôm rả nhất trong các cuộc trà dư tửu hậu tại xã Tân Dân. “Siêu dự án Vành đai 4 sẽ được khởi công từ quê hương của mình”, ông Nguyễn Văn Gấm ở thôn Chợ Nga vui mừng nói.

Quả đúng như lời ông Gấm, xã Tân Dân chiếm đến 4/5 diện tích cần GPMB phục vụ thi công đường Vành đai 4 của huyện Sóc Sơn. Nơi đây cũng dự kiến diễn ra lễ khởi công dự án tại km1+500. Chính vì thế, đại đa số người dân ủng hộ hết lòng cho công tác GPMB.

Thậm chí, nhiều hộ dân đã tự nguyện giao đất nông nghiệp để Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện thực hiện dự án xây dựng nghĩa trang phục vụ di dời các phần mộ.

Đơn cử có thể kể đến anh Vũ Xuân Định ở thôn Quán Mỹ. Cựu cán bộ Đoàn sinh năm 1983 vui vẻ cho hay: “Bản thân tôi đã được nghe nói về dự án rất nhiều và luôn ủng hộ chủ trương chung vì sự phát triển của huyện Sóc Sơn. Chính vì thế, khi được biết xã gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm xây dựng nghĩa trang nhằm di dời “các cụ”, tôi cùng với 10 hộ khác sẵn sàng giao diện tích đất nông nghiệp đang canh tác để xây dựng nơi ở mới cho “các cụ”. Thời điểm ấy, chúng tôi chưa nhận một đồng tiền đền bù nào nhưng không ai có ý kiến hay dị nghị gì. Tất cả đều đồng lòng vì cái chung”.

Nhờ sự tự nguyện của những người như anh Vũ Xuân Định, nghĩa trang tại xã Tân Dân nhanh chóng được xây dựng, sạch đẹp, khang trang.

Những chuyện “chưa từng có” trên hành trình xây dựng “con đường mơ ước”

Ông Vũ Văn Niêm ở thôn Xuân Ấp, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn cho biết: "Dòng họ Vũ Chi có 114 ngôi mộ nằm trong diện phải di chuyển giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4. Qua tuyên truyền của mặt trận và chính quyền địa phương, chúng tôi nhận thấy đây là dự án trọng điểm quốc gia, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Chính bác trưởng dòng họ Vũ Chi năm nay 90 tuổi đã vận động tất cả các gia đình trong dòng họ sớm di chuyển phần mộ của người thân và chúng tôi đã đồng lòng triển khai".

Những đóng góp của ông Nguyễn Hữu Tôn, ông Thân, anh Ninh... và hàng ngàn người dân bình dị tại các quận, huyện có Vành đai 4 chạy qua tựa như giọt nước nhỏ dồn thành dòng suối; mang đến thế nước dâng lên mạnh mẽ, khiến "con đường mơ ước" sớm được triển khai. Sở dĩ của sự đồng thuận cao như vậy, bởi người Nói như trưởng tộc Nguyễn Hữu Tôn thì “chúng tôi động viên họ hàng, anh em tự nguyện bàn giao đất để xây dựng đường Vành đai 4 vì sự phát triển chung nhưng đồng thời cũng coi đó là cơ hội để dòng họ, địa phương khấm khá hơn".

Những chuyện “chưa từng có” trên hành trình xây dựng “con đường mơ ước”

Tác giả: Vũ Cường

Vũ Cường