Hà Nội - Hành trình vươn mình từ di sản đến tinh hoa văn hóa thế giới
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà tham quan triển lãm 100 bức ảnh không gian văn hóa trước thềm Hội nghị tổng kết Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025", tại Bảo tàng Hà Nội |
|
Hà Nội vừa đón nhận một tin vui lớn: Tạp chí Time Out (Anh) - một trong những tạp chí du lịch, văn hóa có ảnh hưởng toàn cầu - đã vinh danh Thủ đô Việt Nam là một trong 20 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới năm 2025.
Không chỉ lọt top toàn cầu, Hà Nội còn đứng đầu khu vực Châu Á, vượt qua hàng loạt trung tâm nổi bật khác như Tokyo, Bangkok hay Singapore. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát nghiêm túc với sự tham gia của hơn 18.500 du khách quốc tế, kết hợp với đánh giá độc lập từ giới chuyên gia văn hóa, du lịch toàn cầu. Một vinh dự lớn, nhưng đồng thời cũng là lời nhắc về sứ mệnh sâu sắc mà Hà Nội - với tư cách là trái tim của cả nước - đang và sẽ tiếp tục đảm nhận trong hành trình phát triển văn hóa quốc gia.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được thế giới ghi nhận như một “Thủ đô văn hóa của Châu Á”. Giới quan sát quốc tế đã chỉ ra rằng, điều làm nên sự hấp dẫn của Hà Nội không nằm ở những công trình đồ sộ hay các chiến dịch quảng bá rầm rộ, mà chính là bởi ở đây, văn hóa hiện diện như không khí, như nhịp thở tự nhiên trong đời sống hàng ngày. “Quá khứ chưa bao giờ xa rời hiện tại” - đó là cách mà Time Out miêu tả Hà Nội, một nhận định cô đọng nhưng sâu sắc, chứa đựng toàn bộ linh hồn và sự độc đáo của mảnh đất này.
![]() |
Hà Nội tập trung xây dựng phát triển sản phẩm du lịch mới gắn liền với các giá trị văn hóa trải nghiệm (Ảnh: VGP) |
Ở Hà Nội, bạn có thể ghé thăm một nhạc đường trong khu phố cổ, nơi có những nghệ nhân cao tuổi vẫn miệt mài gảy đàn nguyệt, say sưa kể lại những câu chuyện của ca trù, hát văn, chèo cổ cho lớp lớp thế hệ trẻ. Trong không gian tĩnh lặng ấy, âm thanh của đàn nguyệt vang lên như sợi dây kết nối thời gian, đưa người nghe trở về với ký ức Thăng Long một thời. Từ đó, chỉ vài bước chân là bạn có thể bước ra Hồ Gươm ngập ánh chiều, rồi đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lắng nghe câu chuyện về những bậc hiền triết xưa, hoặc lạc vào khu phố cổ để thưởng thức món phở gia truyền ba đời, hay ly cà phê trứng đậm vị Hà Nội xưa.
Hà Nội là thành phố của những giá trị lịch sử được bảo tồn nguyên vẹn, nhưng không đóng khung trong viện bảo tàng. Từ Khuê Văn Các, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn đến các làng cổ như Đường Lâm, Vạn Phúc, Bát Tràng - mỗi nơi đều là một trường đoạn ký ức sống, nơi người dân không chỉ là người kể chuyện mà còn là người gìn giữ, sáng tạo và phát triển văn hóa. Cũng chính vì vậy mà trong khảo sát của Time Out, 82% người dân Hà Nội cho rằng, văn hóa ở đây là thứ “ai cũng có thể chạm đến”, với chi phí rẻ, thậm chí miễn phí. Văn hóa không bị giới hạn trong nhà hát hay phòng triển lãm, mà hiện hữu trên từng con phố, từng hàng quán, trong cách người ta ăn một bát bún thang, trải nghiệm một không gian văn hóa phở, nhấm một chén chè sen hay cùng nhau dừng xe để lắng nghe một làn điệu hát xẩm, ca trù giữa khu vực biểu diễn cộng đồng vào cuối tuần.
![]() |
Du khách quốc tế tham quan các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Thủ đô Hà Nội |
Đáng nói hơn, Hà Nội không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, mà còn không ngừng đổi mới và sáng tạo. Một thế hệ nghệ sĩ trẻ đang âm thầm kiến tạo những không gian mới cho văn hóa như Hanoi Rock City, The Hanoi Social Club, Manzi Art Space… Các sân khấu nhỏ trong biệt thự cổ, quán cà phê nghệ thuật, các buổi triển lãm đương đại - tất cả đang góp phần đưa Hà Nội trở thành một trung tâm sáng tạo thực thụ. Không phải là một thành phố trưng bày, Hà Nội là nơi văn hóa sống, tương tác, và liên tục tái sinh.
Tuy nhiên, để có được sự bứt phá như hôm nay, Hà Nội đã không đi một mình. Thành công này là kết quả của sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, cộng đồng sáng tạo, doanh nghiệp du lịch và chính người dân. Một Hà Nội thân thiện, mến khách, nhiều trải nghiệm - nhưng không quá đắt đỏ - chính là điều giữ chân du khách. Sự hiếu khách mộc mạc của người dân phố cổ, sự chuyên nghiệp ngày càng cao của những người làm dịch vụ và đặc biệt là lòng tự hào sâu sắc của người Hà Nội đối với văn hóa của chính mình - đó là những tài sản vô giá mà không một đô thị nào có thể dễ dàng sao chép.
![]() |
Hà Nội là một trong những trung tâm kết nối giá trị toàn cầu, nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hòa bình, ổn định và phát triển (Ảnh: VGP) |
Là Đại biểu Quốc hội theo dõi lâu năm lĩnh vực văn hóa, tôi cho rằng, đây không chỉ là niềm vui, mà còn là một cơ hội mang tính bước ngoặt. Hà Nội cần tận dụng thời điểm này để tái định vị du lịch văn hóa như một trụ cột chính trong phát triển bền vững. Chúng ta cần xây dựng các sản phẩm du lịch có chiều sâu, gắn với trải nghiệm thực tiễn như ở homestay làng cổ, học làm gốm, dệt lụa, nấu ăn truyền thống, tham gia lễ hội dân gian... Du khách không chỉ “đi để xem” mà sẽ “đi để sống cùng văn hóa”. Đó là một mô hình phát triển du lịch mang tính khai mở, bền vững và đầy nhân văn.
Chúng ta cũng cần học hỏi từ các mô hình quốc tế. Kyoto (Nhật Bản) đã phát triển thành công mô hình “nghệ nhân trải nghiệm”, Havana (Cuba) trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ văn hóa đường phố và nghệ thuật cộng đồng, trong khi Edinburgh (Scotland) nổi tiếng toàn cầu với lễ hội nghệ thuật Fringe. Hà Nội hoàn toàn có thể tổ chức các lễ hội nghệ thuật lớn - kết hợp truyền thống và hiện đại - tạo thành thương hiệu thường niên quốc tế. Đây là lúc để những làn điệu ca trù, rối nước, nhạc dân tộc hòa quyện với âm nhạc đương đại, nghệ thuật thị giác, thời trang thủ công và điện ảnh độc lập - tạo nên một bức tranh văn hóa đa tầng, đa sắc, nhưng không mất đi bản sắc cốt lõi.
![]() |
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: VGP) |
Thách thức lớn nhất đặt ra hiện nay chính là làm sao giữ được tinh thần văn hóa giữa vòng xoáy toàn cầu hóa và thương mại hóa. Văn hóa không thể là công cụ để thu hút đầu tư ngắn hạn, càng không nên trở thành “đặc sản du lịch” mang tính trình diễn. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể đánh mất chính cái hồn của Hà Nội - điều đã làm nên sức hút đặc biệt khiến Time Out và thế giới phải ngưỡng mộ. Vì thế, việc bảo tồn phố cổ, giữ gìn kiến trúc truyền thống, không gian công cộng, duy trì các nghề thủ công, hỗ trợ nghệ nhân và bảo vệ môi trường văn hóa - phải được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
Hà Nội đang đứng trước một thời điểm rất đặc biệt. Danh hiệu của Time Out không chỉ là vinh quang hôm nay, mà còn là khởi đầu cho một hành trình dài hơi. Nếu biết tận dụng, nuôi dưỡng và lan tỏa, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành “thủ đô văn hóa” đúng nghĩa của khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Khi đó, mỗi con phố, mỗi lễ hội, mỗi món ăn, mỗi bản nhạc của Hà Nội sẽ là đại sứ mềm của đất nước, đưa hình ảnh Việt Nam lan tỏa đi khắp thế giới.
Tôi tin rằng, với tình yêu văn hóa sâu sắc, với quyết tâm đổi mới từ Chính phủ, Quốc hội, chính quyền thành phố và toàn thể người dân, Hà Nội sẽ viết tiếp chương mới của mình - một chương mang tên: Hào khí Thăng Long trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tin liên quan
Đọc thêm

Du khách đảnh lễ xá lợi Phật Hoàng được tặng vé cáp treo

Lễ hội trái cây Suối Tiên 2025 sẽ mang đến nhiều trải nghiệm mới

Vietravel chính thức mang tên mới - Công ty Cổ phần Du lịch Vietravel

Singapore thu hút khách Việt Nam với chiến lược du lịch cá nhân hóa

Xu hướng du lịch hè của các gia đình Việt năm 2025

Tìm chỗ chơi sau 22h: Khoảng trống kinh tế đêm tại Việt Nam

Sheraton Grand Danang Resort chào đón Tổng quản lý mới

Hải Dương: Những nét mới tại hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều

Thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Singapore
