Chủ động ứng phó thiên tai trong quá trình tổ chức chính quyền hai cấp
Sẵn sàng kế hoạch ứng phó
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 7 và giai đoạn từ tháng 7 - 9/2025, tại khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) sẽ có mưa to trên diện rộng. Dự báo tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ 250 - 380mm.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ trong thời gian tới, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển kai nhiều giải pháp phù hợp với bối cảnh thực hiện chính quyền địa phương hai cấp.
![]() |
Trong sáng nay (3/7), xã Minh Châu đã tiếp nhận 20 xuồng máy, 100 áo phao và nhiều vật tư, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam gửi tặng |
Đơn cử như tại xã Minh Châu, đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Minh Châu cho biết: Địa phận hành chính của toàn xã rộng hơn 560ha, với trên 1.400 hộ và 6.500 nhân khẩu. Do nằm ở bãi giữa sông, nên mỗi mùa nước lên, việc đi lại của người dân nơi đây sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thuyền và phà.
Để ứng phó với mưa lũ, UBND xã Minh Châu đã xây dựng phương án, kế hoạch trong trường hợp thiên tai diễn biến phức tạp, xã sẽ huy động các lực lượng cán bộ, công chức, quân sự, công an ứng trực 100% quân số tại trụ sở và các điểm xung yếu. Đồng thời, xã huy động các phương tiện kỹ thuật, vật tư cần thiết được bố trí tại trụ sở để chuẩn bị ứng phó với các tình huống phức tạp.
Ngay trong sáng nay (3/7), xã Minh Châu đã tiếp nhận 20 xuồng máy, 100 áo phao và nhiều vật tư, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam gửi tặng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã đảo.
Không chỉ là sự hỗ trợ vật chất đơn thuần, hoạt động này còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia của cộng đồng doanh nghiệp trẻ với những địa phương còn khó khăn, dễ bị tổn thương trước thiên tai.
![]() |
Việc chủ động ứng phó sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra |
Theo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đây là một trong những điểm nhấn trong chuỗi hoạt động hưởng ứng phong trào “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, thể hiện rõ vai trò tiên phong của tuổi trẻ trong công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển cộng đồng bền vững.
Chức năng, nhiệm vụ của UBND cấp xã trong phòng chống thiên tai
Trước đó, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có thông tin về chức năng, nhiệm vụ của UBND cấp xã sau tổ chức chính quyền hai cấp. Theo đó, UBND xã cần tập trung 12 nhiệm vụ. Cụ thể là: Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai; xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp xã.
Xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn; tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt; tổ chức thực hiện việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, hóa chất xử lý nước, thuốc chữa bệnh, phòng dịch, phương tiện, vật tư và trang thiết bị theo phương châm bốn tại chỗ để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra; xây dựng và phê duyệt các phương án hộ đê.
UBND cấp xã có chức năng tổ chức thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quản lý thực hiện quy hoạch theo pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn đối với khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch sản xuất thích ứng với đặc điểm thiên tai trên địa bàn, bảo đảm phát triển bền vững; thực hiện phương án phát triển hệ thống đê điều, phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong quy hoạch tỉnh.
![]() |
Thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai được chuyển hoàn toàn từ cấp huyện cho cấp xã thực hiện |
Xây dựng, tu bổ, nâng cấp và quản lý, bảo vệ, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai, đê điều, hồ chứa trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý. Tổ chức thường trực, chỉ huy công tác ứng phó thiên tai; tổng hợp, thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra; tổng hợp, quản lý thông tin, dữ liệu về đê điều.
UBND xã có chức năng tổ chức thực hiện việc hộ đê để bảo đảm an toàn đê điều; huy động lực lượng lao động tại địa phương và lực lượng quản lý đê nhân dân phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều để tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ, lụt, bão trên các tuyến đê thuộc địa bàn; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hộ đê, khắc phục hậu quả do lũ, lụt, bão gây ra đối với đê điều.
Chỉ đạo, tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại, nhanh chóng phục hồi sản xuất. Thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai như hỗ trợ gia đình có người chết, mất tích, bị thương do thiên tai; quyết định hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND cấp tỉnh/ thành phố quyết định hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp; tổ chức quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ khẩn cấp của Nhà nước, tổ chức và cộng đồng.
UBND cấp xã cũng có nhiệm vụ thành lập và hoạt động Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác đê và lực lượng quản lý đê Nhân dân. Xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ thu, nộp và triển khai nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai. Đồng thời, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội ngày nắng, đêm không mưa, nhiệt độ cao nhất 33°C

Xác lập mục tiêu, lộ trình, địa chỉ rõ ràng trong phát triển ngành công nghiệp môi trường

Đổ trộm, đốt bỏ hàng giả: Cần lấp đầy lỗ hổng quản lý

Nhiều khu vực có mưa, cảnh báo lũ quét

Tổng vệ sinh phố phường chào mừng chính quyền địa phương 2 cấp

Công nhân thoát nước căng mình điều tiết chống ngập cho Hà Nội

Vietcap trao tặng 6.000 cây tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng

Ngày 30/6, Hà Nội có lúc có mưa rào và dông

Hội nông dân Thủ đô chào mừng “ngày hội lớn” của dân tộc
