Chặn việc mở doanh nghiệp “ma”, kê khống vốn
Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Doanh nghiệp |
Thảo luận về tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) bày tỏ đồng tình cao về quy định viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia quản lý, điều hành nghiệp tại khoản 6, Điều 1 bổ sung một số điểm của khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 17: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi nội dung này nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt để phù hợp với các nội dung trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193 của Quốc hội, Luật Nhà giáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đáp ứng được bối cảnh phát triển trong giai đoạn hiện nay và tương thích phù hợp với các điều luật khác.
![]() |
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) |
Về việc thành lập doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp, bà Đặng Bích Ngọc cho biết, trong quá trình khảo sát thực tế tại địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã tổ chức làm việc cùng các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước và đã nhận được rất nhiều ý kiến về sửa đổi luật, trong đó có nội dung về đăng ký doanh nghiệp.
“Có nhiều ý kiến của các đơn vị cho rằng, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp một cách thông thoáng như thời gian qua, bên cạnh sự thay đổi tích cực thì cũng đặt ra những rủi ro cho các tổ chức, cá nhân. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp thành lập mới nhưng thực chất là không hoạt động mà lại thực hiện nhiều hình thức khác, gây khó khăn cho việc quản lý tại địa phương.
Đặc biệt, việc quy định thủ tục quá đơn giản cũng như về phần vốn góp hiện không kiểm soát được, dẫn đến các doanh nghiệp được thành lập nhiều nhưng hiệu quả không được như mong đợi, gây khó khăn trong việc quản lý Nhà nước”, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết.
Do đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, trong lần sửa đổi luật này cần cân nhắc xem xét xây dựng các khâu để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, tránh tình trạng các doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không thực hiện mục tiêu theo như đăng ký ban đầu, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý, quản trị.
“Tuy không tăng thêm các quy trình, thủ tục nhưng phải bảo đảm các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phải hoạt động hiệu quả”, bà Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.
![]() |
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) |
Cũng góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết, tại Điểm d Khoản 1 Điều 1 dự thảo luật về bổ sung khoản 35 của Điều 4, giải thích: “Kê khai khống vốn điều lệ là một trong các hành vi sau: a) Kê khai số vốn điều lệ khi đăng ký thành lập nhưng không góp đủ số vốn đã cam kết và không đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định; b) Kê khai số vốn điều lệ lớn hơn số vốn đã được thanh toán xong khi đăng ký thay đổi vốn điều lệ”.
Đại biểu cho rằng việc bổ sung các quy định này là hợp lý, tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung các quy định về biện pháp, chế tài xử lý đối với những hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký hoặc cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận và đảm bảo việc tuân thủ các quy định về quản lý thuế.
Tại Điều 2 dự thảo luật về điều khoản chuyển tiếp có quy định: “Đối với các doanh nghiệp được thành lập trước thời điểm luật này có hiệu lực thì việc kê khai bổ sung thông tin chủ sở hữu hưởng lợi doanh nghiệp được thực hiện đồng thời tại thời điểm doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm đăng ký thay đổi gần nhất”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng nên có quy định rõ về thời hạn chậm nhất bắt buộc phải kê khai (ví dụ: chậm nhất bao nhiêu tháng kể từ khi luật này có hiệu lực) để tránh tình trạng các doanh nghiệp trì hoãn hoặc không thực hiện kịp thời việc kê khai bổ sung, gây khó khăn trong việc theo dõi, quản lý doanh nghiệp và xác minh thông tin.
Góp ý về cải cách thủ tục gia nhập thị trường và ứng dụng định danh cá nhân, đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) hoan nghênh đề xuất trong dự thảo luật về việc sử dụng mã định danh cá nhân thay cho nhiều giấy tờ truyền thống trong đăng ký doanh nghiệp.
Theo đại biểu Hà, đây là bước tiến rất đáng ghi nhận trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và là một phần thiết yếu để giảm thiểu chi phí hành chính, phòng ngừa tiêu cực và chống thành lập doanh nghiệp “ma”.
“Chúng ta đã có nền tảng là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã số định danh cá nhân gần như đã phủ toàn bộ dân số. Điều quan trọng lúc này là kết nối, chia sẻ, và liên thông hệ thống, tránh tình trạng mỗi cơ quan giữ một kho dữ liệu.
Tôi đề nghị Chính phủ xác định đây là một chương trình ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia, có lộ trình cụ thể, có chế tài yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp, chia sẻ và đồng bộ hóa dữ liệu”, đại biểu Lê Thu Hà kiến nghị.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Giao lưu doanh nghiệp Hải Phòng và Trung Quốc

Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển

PVCFC tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ mới

EVNNPC cung cấp điện an toàn, ổn định khi phụ tải tăng cao

Khích lệ tinh thần doanh nhân, khơi mở nguồn lực phát triển

Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68: Những việc cần làm ngay

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho trái phiếu xanh, tín dụng xanh

Vừa thanh tra vừa kiểm toán thì hết thời gian sản xuất, kinh doanh

Khi “trợ lý số” bước vào trạm xăng...
