eMag azine
29/06/2023 07:00
Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

29/06/2023 07:00

TTTĐ - Sau dịch COVID-19, phát triển du lịch được đẩy mạnh bằng tổ chức chuỗi các hoạt động quảng bá du lịch gắn với giao lưu văn hóa, các hội nghị, hội thảo, hội chợ, các giải thi đấu thể thao quốc tế, gắn với giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô.

đẩy mạnh

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

Sau dịch COVID-19, phát triển du lịch được đẩy mạnh bằng tổ chức chuỗi các hoạt động quảng bá du lịch gắn với giao lưu văn hóa, các hội nghị, hội thảo, hội chợ, các giải thi đấu thể thao quốc tế, gắn với giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô nhằm thu hút đối tượng khách du lịch lưu trú dài ngày như: Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội, Hành trình Hữu nghị năm, Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài…

Thành phố cũng chú trọng tuyên truyền quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội với nhiều hình thức: Kênh truyền hình VTV, HanoiTV, kênh CNN quốc tế, FM du lịch Hà Nội, trang tin, báo điện tử, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook); Chương trình tuyên truyền, quảng bá du lịch "Hà Nội - Đến để yêu"... nhằm quảng bá hình ảnh Hà Nội - Việt Nam…

Phát huy lợi thế

Là huyện ngoại thành của Hà Nội, huyện Mỹ Đức được thiên nhiên ưu ái ban tặng Quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) gồm hệ thống đình, đền, chùa, hang, động tọa lạc rải rác quanh dãy núi Hương Sơn. Hàng năm quần thể Hương Sơn đón từ 1,3 đến 1,5 triệu du khách, ước tính thu về khoảng 600 đến 900 tỷ đồng.

Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt, huyện Mỹ Đức đã gắn với phát triển Du lịch văn hóa trên địa bàn tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Cụ thể, huyện đưa ra 3 khâu đột phá với mục tiêu: "Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư; Đổi mới công tác quản lý phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao; Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp".

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số
Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số
Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

Bên cạnh đó, huyện ban hành các chương trình, đề án để tập trung khai thác, phát huy những lợi thế phát triển văn hoá du lịch trên địa bàn huyện, như chương trình về đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp là nền tảng; du lịch , dịch vụ là mũi nhọn trên địa bàn huyện Mỹ Đức giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng đề án về đổi mới nâng cao chất lượng quản lý phục vụ du lịch tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, huyện đã đưa ra những chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025 đón 2 triệu lượt khách/năm, trong đó 50.000 lượt khách quốc tế; năm 2030 đón 4 triệu lượt khách/năm; giá trị sản xuất du lịch - dịch vụ tăng bình quân 10 - 15%/năm; cơ cấu kinh tế ngành du lịch - dịch vụ chiếm khoảng 45,4%; doanh thu từ dịch vụ - du lịch đến năm 2025 là từ 1.500 tỷ đồng đến 2.500 tỷ đồng; hàng năm giải quyết khoảng 5.500 việc làm phục vụ trong lĩnh vực du lịch…

Hồ Quan Sơn
Hồ Quan Sơn được ví như là "Hạ Long trên cạn" của Hà Nội bởi nơi đây sở hữu phong cảnh sơn thủy hữu tình, trên là núi, dưới là hồ.

Cùng với đó, huyện Mỹ Đức đã xây dựng quy hoạch các khu du lịch cụ thể như: Du lịch văn hoá và cảnh quan Hương Sơn với diện tích trên 3.958 ha; khu du lịch sinh thái tổng hợp hồ Quan Sơn quy mô khoảng 1.465 ha; Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai quy mô khoảng 1.360 ha; Trung tâm Festival Hoa Sen tại An Phú khoảng 237 ha…

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, huyện Mỹ Đức sẽ phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) gắn với phát triển du lịch văn hóa.

Cụ thể, huyện sẽ chủ động để sớm có phương án xây dựng quy hoạch tổng thể khu Di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (Chùa Hương); Lập Quy hoạch xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) để làm cơ sở lập các dự án đầu tư, thuận lợi cho việc quản lý quy hoạch và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm thực hiện các dự án, từng bước chuyển đổi hình thức quản lý ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Huyện cũng nghiên cứu lập đề án đổi mới quản lý khu Di tích Quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn để phát huy hiệu quả của giá trị di tích quốc gia đặc biệt. Trước mắt, Huyện ủy Mỹ Đức sẽ chỉ đạo rà soát, cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông trong huyện và trong khu di tích, mở rộng và đổi mới cách quản lý vận hành các bến bãi gửi xe; sắp xếp lại mặt bằng các hàng quán trong khu di tích; đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ Ban quản lý khu di tích đáp ứng yêu cầu hướng dẫn viên du lịch.

Video chương trình Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội tại huyện Mỹ Đức.

Huyện đang tập trung phát triển các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm mỹ nghệ chất lượng cao; phát triển các sản phẩm là đặc sản địa phương theo hướng đạt tiêu chuẩn OCOP như: Cây mơ và các sản phẩm chế biến từ quả mơ, phát triển cây rau sắng, củ mài và các sản phẩm chế biến từ rau sắng, củ mài…; Đẩy mạnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển Rừng trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt; Đẩy mạnh phát triển các khu du lịch Quan Sơn, Du lịch Hồ Tuy Lai, Du lịch Đầm Sen An Phú để kết nối đồng bộ với khu di tích quốc gia đặc biệt Chùa Hương.

Thị xã Sơn Tây vốn là trung tâm kinh tế, văn hóa của xứ Đoài, nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội đặc trưng của vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ.

Thành cổ Sơn Tây - kiến trúc quân sự bậc nhất Việt Nam
Thành cổ Sơn Tây - kiến trúc quân sự bậc nhất Việt Nam.

Tuy diện tích nhỏ nhưng Sơn Tây có mật độ di tích lịch sử - văn hóa dày đặc với 244 di tích, trong đó 80 di tích đã xếp hạng, 78 di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt, di tích Làng cổ ở Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của đất nước được công nhận là di tích cấp Quốc gia, lễ hội đền Và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. 99 đạo sắc phong được UBND thành phố công nhận. Rặng duối cổ ở Đường Lâm và 85 cây Lim cổ thụ ở đền Và được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Với hệ thống di sản văn hoá đa dạng, phong phú cùng với tiềm năng du lịch sinh thái trên địa bàn thị xã là một nguồn lực vô cùng lớn, quan trọng, nguồn tài nguyên quý giá, là tiềm năng, thế mạnh để thị xã Sơn Tây phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp văn hoá nói riêng.

Ngay sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết về công nghiệp văn hóa, thị xã Sơn Tây đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương để phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển đô thị, từng bước khai thác hiệu quả phương diện kinh tế của di sản, đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Trong thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh quảng bá di sản văn hóa Sơn Tây gắn với phát triển du lịch như "Hành trình di sản", "Về Sơn Tây - Về miền di sản", "Xứ Đoài miền đất đá ong"… nhằm quảng bá tới đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh du lịch văn hóa của thị xã.

Sơn Tây chú trọng đến việc xây dựng các tour, tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng của thị xã như: Thành cổ - đền Và - Làng cổ ở Đường Lâm - chùa Khai Nguyên - đền Măng - Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam - khu du lịch Đồng Mô gắn với các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng; kết nối với các khu du lịch thuộc huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất và tỉnh Vĩnh Phúc. Hoạt động của tuyến phố đi bộ Sơn Tây đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng không gian sáng tạo, trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các huyện, thị xã xứ Đoài xưa.

Phố đi bộ Sơn Tây
Phố đi bộ Sơn Tây là tuyến đường xung quanh Thành cổ Sơn Tây đi vào hoạt động từ ngày 30/4/2022.

Thị xã Sơn Tây được xác định là 1 trong 5 đô thị vệ tinh trong tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đang xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó chú ý đến lợi ích của cộng đồng, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Sơn Tây cũng chú trọng yếu tố bảo tồn di sản văn hóa trong công tác quy hoạch đô thị của thị xã, tạo dựng cảnh quan phù hợp, góp phần làm tăng giá trị và tạo điểm nhấn cho các địa phương có di sản văn hóa.

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ: Thành phố cần triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu với đầy đủ các nội dung về di sản văn hóa, "Thành phố sáng tạo", phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa để quản lý, kết nối chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước; Phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, chú trọng khu vực có tiềm năng, lợi thế như ở khu vực đô thị, làng nghề truyền thống, thông qua các chương trình đào tạo, hoặc liên kết với chuyên gia quốc tế để nâng cao năng lực sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế.

Đặc biệt, thông qua sự gắn kết giữa công nghệ số với phát triển du lịch thông minh để đưa các nội dung quảng bá giá trị di sản lên các nền tảng công nghệ, xây dựng các không gian văn hóa bằng công nghệ 3D, chiếu sáng nghệ thuật giới thiệu về các di tích, thân thế sự nghiệp của anh hùng dân tộc, lễ hội… qua đó lan tỏa và phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa di sản đến gần hơn với công chúng.

Thị xã cũng ưu tiên phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch theo hướng bền vững, phục hồi, giữ gìn các giá trị truyền thống và khơi dậy tinh thần sáng tạo, tạo việc làm, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng.

Thay đổi để phát triển

Trong điều kiện mới hiện nay, việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng được sự thay đổi về nhu cầu của du khách được xem là "chìa khóa", giúp du lịch từng bước vượt qua khó khăn để nhanh chóng phục hồi, phát triển.

Đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu du lịch của du khách, TP Hà Nội đã và đang chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Thành phố đẩy mạnh tập trung các nguồn lực kết nối và phát triển các sản phẩm du lịch dựa vào khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của Thủ đô để thu hút du khách như tour đi bộ "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội", tour xe đạp khám phá nhiều cung đường mới trong nội thành và ngoại thành Hà Nội; Tour "Dấu chân làng cổ Bát Tràng"; Tour "Du lịch Văn học" tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

Ðể thu hút du khách, sản phẩm du lịch cần đáp ứng những giá trị bản sắc Thủ đô, trong khi vẫn phải có yếu tố độc đáo, hấp dẫn. Hà Nội đã tích cực phát triển du lịch đêm kết hợp với trải nghiệm thực tế tại các khu vực di tích, di sản. Đơn cử, Hanoitourist phối hợp Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò xây dựng tour "Đêm thiêng liêng"; Hợp tác cùng Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long ra mắt sản phẩm du lịch đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long".

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh tổ chức các chuỗi hoạt động sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch định kỳ hàng năm theo hướng chuyên nghiệp, mang đậm bản sắc văn hóa và thương hiệu du lịch Thủ đô để tạo thành sản phẩm thu hút khách du lịch như: Lễ hội Áo dài Hà Nội, Lễ hội Du lịch làng nghề, Lễ hội Quà tặng du lịch…

Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới trên 3 tiêu chí nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, Hoàng thành Thăng Long gồm hai khu: Khu thành cổ Hà Nội và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Khu thành cổ Hà Nội là trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội thời Nguyễn. Trên mặt đất hiện còn bảo tồn một số di tích của Cấm thành Thăng Long và thành Hà Nội như: Cột Cờ, Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc, tường và các cổng Hành cung.

Còn Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, từ cuối năm 2002 đã được tiến hành khai quật với tổng số diện tích khoảng trên 40.000m2 chia thành 5 khu A, B, C, D, E. Các cuộc khai quật đã phát lộ nhiều di tích, di vật dưới lòng đất chính là các di tích kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long với chiều dài lịch sử khoảng 13 thế kỷ, gần như liên tục từ thủ phủ An Nam, thành Đại La thời thuộc Đường, đến Cấm thành Thăng Long từ thời Lý qua các thời Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, đến nay sau hơn 10 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới (2010- 2023), Hoàng thành Thăng Long đã thực hiện đầy đủ các công tác về di sản thế giới, như quy hoạch, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản thế giới… Những kết quả thực hiện đó làm tiền đề cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long trong những năm qua và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh; các cuộc trưng bày, triển lãm đã thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, học tập; Các hoạt động nghiên cứu khoa học có những kết quả tốt đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của khu di sản…

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

Với định hướng nghiên cứu phù hợp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội chia sẻ, một mặt chúng ta giữ gìn, bảo quản tốt được các dấu tích kiến trúc đã xuất lộ, mặt khác chúng ta phát huy được các giá trị ngàn đời để phục vụ cho cuộc sống hôm nay. Đó là vừa làm nhiệm vụ bảo tồn các di sản lịch sử, văn; Vừa làm nhiệm vụ giáo dục lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ, đồng thời sẽ góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của Thủ đô trong bối cảnh Hà Nội là thành phố vì Hòa bình và thành phố sáng tạo hiện nay.

Từ năm 2011 đến nay UBND thành phố Hà Nội và Bộ Văn hóa, thể thao du lịch cho phép Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tiến hành khai quật hàng năm tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Đến nay diện tích khai quật khoảng hơn 9.000m2, vị trí khai quật gồm: khu vực Chính điện Kính Thiên, phía trong và phía Đông, Tây, Bắc khu vực Đoan Môn, khu vực giáp đường Nguyễn Tri Phương.

Từ những công tác quy hoạch cũng như thực hiện 8 điểm của cam kết, mục tiêu hướng tới là nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Cụ thể, đối với công tác nghiên cứu - sưu tầm, trung tâm thực hiện các chương trình hợp tác với các chuyên gia trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học và các công tác khác như hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia trong nước tiếp tục phát triển với các cuộc khai quật khảo cổ học trong vùng lõi của di sản và các cuộc khai quật, nghiên cứu về dấu tích thành Thăng Long.

Bên cạnh công tác khai quật khảo cổ học, trung tâm nghiên cứu tìm ra hướng đi nhằm phát huy giá trị di tích và truyền tải thông tin đến du khách và nhân dân, học sinh qua nhiều kênh khác nhau như trưng bày, tham quan tại hố khai quật, tổ chức các chương trình học đường, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổng hợp, lưu giữ tư liệu…

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

Dẫn con nhỏ đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, chị Nguyễn Thị Thu (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có 2 con nhỏ, một bạn lớp 6 và 1 bạn lớp 3. Hai bạn đều rất thích cuối tuần được bố mẹ đưa tới các bảo tàng chơi. Đến đây các con được khám phá, tìm hiểu những hy sinh, những chiến tích xưa kia của ông cha ta, từ đó hiểu hơn về lịch sử đất nước cũng học được lòng biết ơn với những thế hệ đi trước".

Thường xuyên qua lại các bảo tàng, săn lùng tìm kiếm những triển lãm mới trên mạng thú vị và là một người trẻ đam mê các giá trị văn hóa truyền thống, bạn Hoàng Ánh Hồng (sinh viên Đại học Hà Nội) bày tỏ suy nghĩ: "Mình rất thích tìm hiểu lịch sử, giá trị văn hóa, bởi vậy việc lui tới các bảo tàng như một cách mình tìm về những giá trị xưa cũ, tăng vốn kiến thức mà không phải đọc quá nhiều tài liệu sách vở khô khan. Từ việc hiểu, mình càng thấu rồi thêm yêu lịch sử văn hóa Việt Nam hơn".

Thông qua việc tham quan các bảo tàng, triển lãm giới trẻ đang dần ý thức được việc cần phải tiếp cận gần hơn những giá trị văn hóa, nghệ thuật của nước nhà một cách sâu sắc. Từ đó, họ dần dần nảy sinh suy nghĩ bảo tồn, lan tỏa những giá trị cốt lõi dân tộc.

Thông tin các di sản được dịch sang nhiều thứ tiếng giúp tiếp cận được nhiều đối tượng hơn
Thông tin các di sản được dịch sang nhiều thứ tiếng giúp tiếp cận được nhiều đối tượng hơn.

Về công tác phát huy giá trị di sản, ngay sau khi được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, các hoạt động tuyên truyền quảng bá được tập trung và đẩy mạnh, cụ thể: Tuyên truyền, giới thiệu khu di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các tạp chí; Biên soạn, xây dựng nội dung, phát hành rộng rãi các tài liệu tuyên truyền giới thiệu di sản bằng nhiều thứ tiếng dưới các hình thức tờ gấp, bưu ảnh, Poster, đĩa VCD phim, xuất bản các ấn phẩm về Di sản giới thiệu đến du khách…

Bên cạnh đó, các chương trình cộng đồng được tổ chức nhằm phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, kết nối người dân và khu di sản; Đổi mới phương pháp và hình thức thể hiện trưng bày triển lãm về mặt đồ họa, phương pháp diễn giải, kỹ thuật viết Text, ánh sáng và bố trí không gian tuyến tham quan mang lại hiệu ứng tích cực.

Nhiều công nghệ mới được phát triển và triển khai trên môi trường web như: thực tại ảo (virtual reality), trình diễn và tương tác theo mô hình 3D, trình diễn 360 độ, video độ nét cao, flash, trò chơi tương tác, trưng bày online (thông qua website http//:trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn), áp dụng mã QR CODE thông qua một phần mềm tương thích để bổ sung, giới thiệu thêm những thông tin đối với các hiện vật tiêu biểu tại di tích và các khu trưng bày của khu di sản…

Đối với công tác phát huy giá trị di sản, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu khu di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; Tổ chức các cuộc tọa đàm khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch, kết nối và hợp tác các đơn vị Du lịch lữ hành nhằm tăng cường khai thác tiềm năng du lịch khu di sản; Xây dựng các sản phẩm du lịch; Nghiên cứu, xây dựng, thường xuyên đổi mới các chương trình Giáo dục di sản nhằm thu hút sự tham gia của du khách và học sinh.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO SỐ HÓA DI SẢN

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc số hóa di sản. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy vẫn chưa làm thoả mãn mong muốn của những người yêu di sản. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số, kết nối vạn vật, đang đặt ra những yêu cầu bức thiết trong việc làm giàu có thêm kho dữ liệu di sản để có thể bao quát được hệ thống di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú và đa dạng của Việt Nam, kết nối với các kho dữ liệu tương đồng trên thế giới, khai thác được giá trị dữ liệu di sản phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để tăng cường hoạt động số hóa di sản, thứ nhất, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động này. Thứ hai, cần tạo điều kiện hình thành môi trường thuận lợi cho hoạt động số hóa di sản. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, đầu tư “vốn mồi”, còn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp sẽ là những nhân tố chính trong hoạt động số hóa. Bên cạnh đó, con người bao giờ cũng là nguồn lực quan trọng nhất.

Các cơ sở đào tạo cần tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên để nắm bắt vững chắc được các công nghệ tiên tiến, ứng dụng được trong việc khai thác và phát huy giá trị di sản. Từ đó ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất đưa dữ liệu di sản văn hóa vào cuộc sống, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững đất nước bằng văn hóa, vì văn hóa và cho văn hóa.

Đẩy mạnh số hóa trong hoạt động du lịch

Đối với công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, thành phố chủ trương triển khai hiệu quả, thiết thực các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cũng như xây dựng hệ thống du lịch thông minh nhằm tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tiện ích cho người dân và khách du lịch.

Hà Nội đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng các phần mềm tiện ích trong quản lý sử và phát triển du lịch. Đồng thời, triển khai số hóa các điểm đến di sản - di tích bằng công nghệ giao diện ảnh 360, ứng dụng mã QR Code và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… cũng như các nền tảng 3D trực tuyến khác.

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số
Ứng dụng công nghệ QR code tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, các điểm đến du lịch trên địa bàn Thủ đô hiện rất tích cực ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình xây dựng sản phẩm, nâng cao công tác quản lý, như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam triển khai thành công ứng dụng thuyết minh đa phương tiện, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám ứng dụng công nghệ 3D, Mapping trong tái hiện các văn thư, bia tiến sĩ.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, hoạt động du lịch Thủ đô đã từng bước phục hồi.

Hà Nội mong muốn sớm có cơ chế cho phép thí điểm triển khai mô hình hợp tác công – tư trong lĩnh vực du lịch; Chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam để thu hút khách quốc tế, thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Thành phố cần có các chương trình, kế hoạch triển khai tổng thể công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam (trong đó có Thủ đô Hà Nội) trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể và hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Để tăng sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, công chúng, nhiều di tích, bảo tàng trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để số hóa, đa dạng hóa các hoạt động tham quan...

Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những đơn vị tiên phong. Bên cạnh sự thuận tiện, nâng cao trải nghiệm cho du khách, các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ còn mang đến hình ảnh hiện đại, thông minh tại một điểm di tích quan trọng của Hà Nội.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã triển khai mã QR cho 40 hạng mục của di tích nhằm cung cấp thông tin cho khách tham quan; Xây dựng và chuẩn hóa hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ; Xây dựng cơ sở dữ liệu số 3D... Mới đây, khu di tích phối hợp với Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch) triển khai bán và soát vé bằng với hệ thống vé điện tử, tích hợp bán vé qua ứng dụng trên thiết bị di động của du khách.

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã cho ra đời sản phẩm trưng bày số ứng dụng công nghệ tương tác 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu trưng bày cố định của bảo tàng. Sản phẩm tua trưng bày số tích hợp nhiều công nghệ; Mang đến chuỗi tương tác, trải nghiệm đa giác quan với nhiều cấp độ thông tin khác nhau. Sản phẩm bao gồm tua 360 dựng lại không gian trưng bày ba chủ đề: Phụ nữ trong gia đình, Phụ nữ trong lịch sử, Thời trang nữ; Lắng nghe thuyết minh trên nền nhạc truyền thống về câu chuyện hiện vật; Không gian 3D các tầng trưng bày tổng thể theo hệ thống.

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Hải Vân cho biết, trong thời gian tới, bảo tàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tạo sản phẩm mới, tăng sức hút đối với du khách.

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số
Du khách có thể quét mã QR để khám phá các tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã gặt hái thành công với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Đây là nền tảng đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh, bài viết), kết hợp sơ đồ chỉ dẫn trưng bày và hướng dẫn du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thông qua thiết bị định vị iBeacon.

Theo TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hơn cả một ứng dụng thuyết minh tự động thông thường, iMuseum VFA còn có những tính năng vượt trội như cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định vị trí hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày; phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc...

Chỉ với thiết bị thông minh cầm tay có kết nối Internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trực tiếp hoặc trực tuyến mọi lúc và mọi nơi.

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số
Du khách có thể nghe audio thuyết minh về hiện vật tại bảo tàng qua ứng dụng.

Có thể thấy, sự phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang là thách thức và đồng thời cũng là cơ hội để các bảo tàng và di tích lịch sử chuyển mình, đáp ứng những yêu cầu về tiếp nhận của công chúng. Với số lượng di tích và bảo tàng lịch sử như hiện nay, việc khai thác đúng cách, cũng như có những đổi mới trong hoạt động của bảo tàng, di tích lịch sử là vô cùng cần thiết.

Để tăng sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, công chúng, nhiều di tích, bảo tàng trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa các hoạt động tham quan... Số hóa là hướng đi đúng với phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô nên cần được nhân rộng. Thời gian tới, với những nỗ lực tìm tòi và sự năng động, Hà Nội chắc chắn sẽ tạo được những đột phá để hiện thực hóa khát vọng mình.

Thanh niên giữ vai trò xung kích

Thời gian gần đây, thanh niên Thủ đô đặc biệt chú trọng công tác số hóa di sản, địa chỉ đỏ, các điểm tham quan du lịch.

Đoàn thanh niên huyện Phúc Thọ đã thực hiện gắn biển công trình thanh niên quét mã QR “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch huyện Phúc Thọ” tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hát Môn - thờ Hai Bà Trưng (ở xã Hát Môn).

Huyện đoàn Phúc Thọ tổ chức lễ gắn biển công trình thanh niên (Quét mã QR) Ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, quảng bá du lịch tại Đền Hát Môn
Huyện đoàn Phúc Thọ tổ chức lễ gắn biển công trình thanh niên (Quét mã QR) Ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, quảng bá du lịch tại Đền Hát Môn.

Theo Bí thư Huyện đoàn Phúc Thọ Dương Thu Phương, đây là hoạt động nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn đời sống. Trong đó, công trình thanh niên quét mã QR tìm hiểu di tích lịch sử đền Hát Môn được thực hiện từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Sở Du lịch Hà Nội.

Đây cũng là cuốn cẩm nang du lịch số tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khắp mọi nơi có thể trải nghiệm khu di tích mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng này, từ đó góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tại địa phương.

Tương tự, tại quận Ba Đình, Đoàn Thanh niên quận cũng triển khai công trình số hóa di tích lịch sử, quảng bá du lịch. Chỉ cần một thiết bị điện tử thông minh và thực hiện quét mã QR là du khách có chuyến du lịch trải nghiệm tham quan các điểm di tích lịch sử nổi tiếng trên địa bàn quận.

Các mã QR code được đặt tại Đền Quán Thánh, Đền Voi Phục, phố đi bộ Hồ Gươm và tại 150 điểm khách sạn, nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn quận. Từ đó, bất cứ ai cũng dễ dàng tương tác chân thực với di sản mọi lúc, mọi nơi. Với sự trợ giúp của kính đeo VR, tai nghe, người xem ở bất kỳ nơi nào có kết nối internet đều có thể ngắm nhìn, khám phá, thậm chí tương tác gần như thực tế với các di tích. Công nghệ VR360 PLUS tái hiện tỉ mỉ từng góc cạnh, đặc điểm của di tích lịch sử qua việc xây dựng kiến trúc bóc tách từng lớp nhỏ bên trong và dựng thành khối 3D.

Bí thư Quận đoàn Ba Đình Nguyễn Thị Thanh Phượng cho hay: “Chúng tôi đã áp dụng công nghệ thực tế ảo xây dựng tour du lịch thực tế ảo trải nghiệm 5 địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn quận, gồm: Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi cũng đã tích hợp hướng dẫn viên du lịch ảo với hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho du khách”.

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

Nhằm quảng bá sâu rộng đến người dân và khách du lịch, Đoàn Thanh niên phường Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã giới thiệu đến người dân ứng dụng quét mã QR, cung cấp thông tin chi tiết về các đình chùa nổi tiếng tại địa bàn.

Ngoài các địa điểm nổi tiếng như Nhà thờ lớn, dòng tranh Hàng Trống, phường Hàng Trống còn có các di tích đình chùa mang đậm nét văn hóa Việt Nam như đình Nam Hương, đền Phù Ủng, đền Hàng Trống hay đình Phả Trúc Lâm.

Cũng với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, Đoàn Thanh niên thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn công nghệ Meta 365 đã cho ra mắt công trình thanh niên “Số hóa các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh” tại một số di tích trên địa bàn thị xã Sơn Tây gồm: Văn Miếu Sơn Tây, Thành cổ Sơn Tây, Chùa Mía, Đình Mông Phụ, Đền thờ và lăng Ngô Quyền, Đền thờ Phùng Hưng.

Theo đó, tại mỗi điểm di tích đều được gắn các mã QR Code tích hợp liên kết với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo nhằm nâng cao tính phổ biến và thuận tiện trong quá trình truy cập của du khách khi tới thăm quan.

Video không cần dùng kính thực tế ảo, du khách có thể dùng smartphone để trải nghiệm tour du lịch này chỉ bằng việc quét mã QR.

Chỉ cần thao tác quét mã QR đơn giản, du khách sẽ có được những thông tin đầy đủ, chi tiết về từng khu vực thăm quan tại các khu di tích bằng công nghệ hình ảnh 360° hiện đại kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giọng nói thuyết minh bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Các thông tin thuyết minh được biên tập, thiết kế rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu, dễ theo dõi được tích hợp sẵn trong mã QR Code, chỉ cần qua điện thoại thông minh kết nối wifi hoặc tích hợp sẵn Internet và cài ứng dụng quét mã QR Code, du khách có thể nhanh chóng tìm kiếm được thông tin cần thiết về địa điểm mình đặt chân tới mà không cần sự có mặt của thuyết minh viên.

Phát huy tinh xung kích của tuổi trẻ trong chuyển đổi số, Huyện đoàn Quốc Oai phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Trung tâm kinh doanh VNPT Hà Nội và Chi nhánh Tổng công ty dịch vụ viễn thông thực hiện công trình “Số hóa tổng quan di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách”. Sau hơn hai tháng phối hợp thực hiện, công trình được Huyện đoàn Quốc Oai khánh thành và đưa vào sử dụng.

Trải nghiệm số hóa tổng quan di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách - huyện Quốc Oai
Trải nghiệm số hóa tổng quan di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách - huyện Quốc Oai.

Công trình gồm các điểm gắn mã QR, bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh, đặt tại một số điểm thuộc di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách. Khi người dân, khách du lịch đến tham quan di tích, sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR có thể truy cập và thấy lời thoại tự động bằng tiếng Việt, tiếng Anh giới thiệu về di tích, hình ảnh 360 độ, video quay toàn cảnh, cận cảnh các điểm thuộc di tích.

Đặc biệt khi ứng dụng công nghệ quan sát thực tế ảo, du khách sẽ có cảm giác như đang trải nghiệm thực tế, dễ dàng tìm hiểu thông tin, tra cứu dựa vào tính năng chỉ đường. Nhờ những ưu điểm nổi trội này, công trình được ví như cuốn “cẩm nang du lịch số”.

Khi đến tham quan di tích chùa Thầy và trải nghiệm công trình anh Nguyễn Huy Cường (Long Biên, Hà Nội) đã rất bất ngờ. Anh Cường cho biết: “Với việc ứng dụng công nghệ mới nhất VR 360 (thực tế ảo) trong việc mã hóa địa chỉ đỏ, toàn bộ di tích sẽ đc giới thiệu một cách chân thực, sắc nét bằng video toàn cảnh, cận cảnh, hình ảnh đa chiều, lời thoại được thực hiện tự động bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Du khách có cảm giác như đang trải nghiệm thực tế, dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin dựa vào tính năng chỉ đường”.

Thực hiện chương trình 05-CTr/QU của Quận uỷ khoá IV, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm nhiệm, hành động của các cấp, ngành đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của các địa chỉ đỏ; Đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống văn hoá, lịch sử, Quận đoàn Hoàng Mai đã triển khai đề án số 09 về việc mã hoá dữ liệu địa chỉ đỏ trên địa bàn quận.

Trong đó, công nghệ VR 360 được sử dụng để số hóa các di tích cách mạng, địa chỉ đỏ trên địa bàn quận tạo thành các tour tham quan thực tế ảo để mô phỏng lại toàn thể không gian bên ngoài và chi tiết bên trong di tích cách mạng. Đến nay, Quận đoàn đã hoàn thành 5 mã QR được gắn tại địa chỉ đỏ, di tích cách mạng: Tượng đài Liệt sĩ Hoàng Văn Thụ (phường Tương Mai), Bia chiến thắng B52 (phường Định Công) Đình Khuyến Lương (phường Trần Phú), Đình Trung Lập (phường Lĩnh Nam) và nhà lưu niệm anh hùng Đặng Trần Đức (phường Thanh Trì).

Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, đến nay, Đoàn Thanh niên thành phố đã triển khai số hóa hơn 300 địa chỉ đỏ. Cùng với đó, tại cơ sở Đoàn Thanh niên các quận, huyện, thị xã cũng triển khai số hóa các di tích trên địa bàn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất thông tin, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương ở Thủ đô.

Hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn nữa để không những góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng được hệ thống dữ liệu chung của các di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà còn giúp người dân trong và ngoài nước hiểu biết, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô.

Con người là yếu tố cốt lõi

Cách đây 6 năm, khi chàng trai sinh năm 1997 Nguyễn Trí Quang cho ra mắt clip sử dụng công nghệ thực tế ảo tái hiện không gian đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức), giới chuyên môn phải giật mình. Bằng công nghệ VR3D, người xem có thể tương tác, xoay lật mọi góc nhìn để quan sát hiện trạng di tích một cách cụ thể trong không gian 3 chiều. Công trình này được coi là “phát súng” mở màn cho xu hướng ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản văn hóa.

Cuối năm 2020, nhóm Sen Heritage đã giới thiệu tới công chúng trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” với những trải nghiệm phong phú, sinh động là thành quả của sự kết hợp giữa nhà nghiên cứu PGS.TS Trần Trọng Dương và nhóm Sen Heritage.

Không thể phủ nhận những đóng góp của cá nhân và các nhóm cá nhân, hầu hết là thế hệ trẻ trong việc số hóa di sản, TS Nguyễn Tô Lan - Viện Nghiên cứu Hán Nôm đánh giá: Những người trẻ họ đi từ công nghệ nhưng họ cũng có sự hiểu biết nhất định về di sản. Một điểm khác là họ nhận thức rõ ràng về vai trò của công nghệ và vai trò quan trọng của nhà nghiên cứu trong việc làm di sản số. Họ kết nối được giữa công nghệ và di sản. Đó là điều mà những người nghiên cứu đơn thuần không có được.

Vấn đề nhân sự sẽ là mấu chốt quan trọng giúp công tác số hóa di sản tiếp tục được thực hiện và nối dài trong tương lai. Vì vậy, theo PGS.TS Trần Trọng Dương, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, bổ sung nghiệp vụ thì cần có chiến lược về mặt đào tạo con người.

“Chúng ta thực hiện số hóa di sản hiện vẫn chỉ là sự kết hợp nhân sự giữa 2 lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ. Trong khi đó trên thế giới hiện nay đã có những khoa đào tạo về di sản số đang mở ra rất mạnh. Họ đào tạo con người 2 trong 1, vừa hiểu về văn hóa, vừa biết về công nghệ. Chỉ có cách đào tạo bài bản như vậy thì trong tương lai chúng ta mới có một đội ngũ nhân sự, các nhà nhân văn số phục vụ cho công tác số hóa di sản” - ông Dương nêu quan điểm.

Bài viết: Mai Anh

Đồ họa: Phạm Mạnh

<< Xem bài 4

Bài viết liên quan:

Bài 1: Quyết tâm của cả hệ thống chính trị Bài 2: Tầm nhìn chiến lược, năng động, đột phá Bài 3: Bảo tồn và khai thác hiệu quả kinh tế của di sản Bài 4: Bứt phá với không gian văn hóa sáng tạo
Bài 5: Làm mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

Phạm Mạnh