eMag azine
14/11/2023 08:00
Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - hành động của trách nhiệm

14/11/2023 08:00

TTTĐ - Trách nhiệm quan trọng nhất của cán bộ là giải quyết các vấn đề liên quan đến dân sinh trên địa bàn quản lý.
Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của trách nhiệm

Trách nhiệm quan trọng nhất của cán bộ là giải quyết các vấn đề liên quan đến dân sinh trên địa bàn quản lý. Với quyết tâm đổi mới phong cách lãnh đạo, nhiều cấp ủy các cấp thành phố Hà Nội đã chủ động tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với Nhân dân, kịp thời giải quyết những vướng mắc, bức xúc ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đây là một cách làm thể hiện trách nhiệm, không ngại việc "nóng", việc khó trước dân.

Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của trách nhiệm

Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và trực tiếp xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tiếp dân, đối thoại với dân theo tinh thần như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng chia sẻ: “Phải thật lòng với dân và mình phải là dân”.

Qua tiếp dân, đối thoại đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo của dân.

Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của trách nhiệm

Nhiều vấn đề "nóng" liên quan thiết thực đến đời sống dân sinh như: Quản lý đất đai, trật tự xây dựng - đô thị, giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường... đã được các cấp chính quyền của Hà Nội đối thoại trực tiếp với người dân. Do đó, nhiều vụ việc đã được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp...

Đơn cử như sự việc của bà Bùi Thị Thanh (tổ dân phố Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai). Theo đó, ngày 11/7/2023, bà được mời lên trụ sở Ban Tiếp công dân UBND thành phố Hà Nội (số 34 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) gặp đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng để trình bày về đề nghị cấp đất ở, do gia đình bà là gia đình chính sách (vợ liệt sĩ) và gặp khó khăn về nhà ở (hiện không có nhà ở phải ở nhờ).

Sau khi trực tiếp nghiên cứu kỹ hồ sơ và lắng nghe ý kiến các bên liên quan, Bí thư Thành ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, huyện Quốc Oai và các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thiện nhanh các thủ tục để giao đất cho gia đình bà Thanh trước ngày 27/7/2023.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, ngay sau buổi tiếp công dân, các cơ quan chức năng đã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Ngày 12/7, Ban Nội chính Thành ủy ra Thông báo số 139 về kết luận của Bí thư Thành ủy; đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình, giám sát, đôn đốc việc thực hiện. UBND huyện Quốc Oai đã giao cho UBND thị trấn Quốc Oai chuẩn bị mặt bằng, xác định ranh giới, mốc giới. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai hướng dẫn bà Thanh hoàn thiện các thủ tục để được nhận đất theo quy định.

Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của trách nhiệm

Chiều 26/7, chính quyền địa phương đã tổ chức tạm giao đất cho bà Bùi Thị Thanh. Thửa đất số 6, rộng 43,7m2 tại tổ dân phố Du Nghệ, vừa thuận tiện về giao thông, lại giáp với chợ thị trấn Quốc Oai, thực sự càng làm cho niềm vui của gia đình nhân lên.

Học tập, nêu gương từ các cuộc đối thoại, tiếp dân của lãnh đạo thành phố, nhiều sở, ngành, địa phương cũng đã tích cực triển khai các hoạt động đối thoại với dân.

Điển hình như các chương trình đối thoại do các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội tổ chức. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, hiện, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 250 nghìn doanh nghiệp với trên 2,7 triệu lao động. Để xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa các đơn vị với người lao động, hàng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với công nhân lao động (CNLĐ).

Trong 5 năm (2018 - 2023) đã có 2.745 ý kiến kiến nghị bằng văn bản và 99 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của CNLĐ tập trung vào việc đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, nhu cầu nhà ở, vận tải công cộng, nhu cầu học trường công lập của con CNLĐ, lắp đặt wifi miễn phí, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường trong các khu, cụm công nghiệp…

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức 145 cuộc đối thoại với CNLĐ; Có trên 68% công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại 3 bên giữa công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động để giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của đoàn viên và người lao động. Qua đó đã góp phần củng cố niềm tin giữa người lao động với chính quyền và tổ chức Công đoàn.

Gần đây nhất, giữa tháng 5/2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với gần 1.000 công nhân, lao động, đại diện cho công nhân, lao động đang làm việc trên địa bàn Hà Nội.

Tại hội nghị, những kiến nghị của công nhân về thực hiện chính sách như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, việc làm cho người lao động, hồ sơ, thủ tục hành chính…đều được giải đáp thỏa đáng. Từ hội nghị, những khó khăn vướng mắc của người sử dụng lao động và người lao động được tháo gỡ, giải quyết, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, phúc lợi người lao động được nâng cao.

Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của trách nhiệm

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô và giải quyết các vấn đề cơ bản hiện nay như: Tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn), tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô. Từ đó định hướng và phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường; tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Để dự án được triển khai kịp thời, đúng tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định, tại những nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua như các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín. Thông tin, tuyên truyền nhận nhiệm vụ “mở đường”, quyết định trong việc giúp dân đồng tình, ủng hộ và thực hiện chủ trương, quyết định thu hồi đất, phục vụ triển khai dự án.

Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của trách nhiệm Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của trách nhiệm Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của trách nhiệm

Biết rõ công tác giải phóng mặt bằng là một việc khó, phức tạp, dễ nảy sinh những tình huống nhạy cảm, xung đột về lợi ích dẫn đến mâu thuẫn, khiếu kiện, UBND huyện, Ban Dân vận Huyện ủy Sóc Sơn phối hợp với 2 xã có dự án đi qua (Tân Dân, Thanh Xuân) tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, trực tiếp đối thoại để lắng nghe, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của người dân. Vì vậy, sự đồng thuận trong Nhân dân trong quá trình giải phóng mặt bằng ngày càng sâu rộng, có tính lan tỏa và tạo hiệu ứng tích cực. Đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng chủ động không kể ngày đêm, ngày nghỉ bám sát, phối hợp kịp thời với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền xã, chi bộ, thôn để tuyên truyền, đôn đốc tiến độ, kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tại huyện Mê Linh, trước đó người dân xã Tiền phong rất bức xúc về việc, cống Cầu Đá và kênh tiêu Yên Nhân - Đầm Và, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (thuộc sự quản lý của Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) thường xuyên bị tắc bởi bèo và các loại rác thải. Mỗi khi mưa lớn, nước không thoát kịp gây ngập úng, làm thiệt hại nhiều diện tích rau màu của nông dân. Tại cuộc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Nhân dân xã Tiền Phong đã kiến nghị Huyện ủy, UBND huyện sớm chỉ đạo khắc phục để bà con ổn định sản xuất.

Tiếp nhận thông tin, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cùng lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp đi kiểm tra thực địa và chỉ đạo giải quyết. Trong khi chờ thành phố có phương án xử lý, UBND huyện giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thực hiện vớt bèo toàn bộ phía hạ lưu của cống Cầu Đá; UBND xã Tiền Phong tổ chức nạo vét cống Cầu Đá và kênh tiêu Yên Nhân - Đầm Và. Nhờ vậy, từ tháng 9/2023, dòng chảy tại khu vực này đã được khơi thông, cơ bản khắc phục tình trạng úng ngập trên địa bàn.

Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của trách nhiệm
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cùng đoàn công tác kiểm tra cống Cầu Đá và kênh tiêu Yên Nhân - Đầm Và, xã Tiền Phong

Theo thống kê, chỉ tính từ năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã có hơn 6.500 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với Nhân dân; trong đó, người đứng đầu cấp ủy đối thoại hơn 2.500 cuộc, người đứng đầu chính quyền đối thoại hơn 4.000 cuộc. Tổng số người dân tham dự các cuộc đối thoại trực tiếp là gần 200.000 người, có gần 14.000 ý kiến được tiếp thu, giải trình và giải quyết...

Đối thoại với Nhân dân tạo được “hiệu ứng” tích cực không chỉ trong giải quyết những kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tố cáo mà còn tạo sự gần gũi, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để có những định hướng, quyết sách, lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với thực tiễn và hợp lòng dân.

Tuy nhiên, có một thực tế phải thẳng thắn thừa nhận rằng trong một thời gian dài, ở một số nơi, có không ít cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị của chúng ta còn “ngại”, nếu không muốn nói là “sợ” đối thoại với dân, tình trạng chính quyền cơ sở ngại ngần trong đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân khi có vấn đề xảy ra cũng không phải hiếm gặp. Điều đáng mừng là hiện nay tâm lý đó đã và đang dần được thay đổi và buộc phải thay đổi.

Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của trách nhiệm
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo làm việc với Huyện ủy Mê Linh

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, người đứng đầu cấp ủy tiếp công dân giải quyết đơn, thư sẽ tránh được việc đùn đẩy, né tránh của các cấp, các ngành. Nếu trước đây, có tình trạng người nọ đùn đẩy người kia, giờ có đồng chí Bí thư cấp ủy kết luận chỉ đạo, ấn định thời hạn cụ thể, lại kiểm tra, đôn đốc thực hiện thì không thể đùn đẩy được nữa. Nơi nào Bí thư cấp ủy quan tâm thực hiện tốt Quy định số 11-QĐi/TƯ thì nơi đó yên, tình hình tốt.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý III/2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhận định, thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ở những địa bàn liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư; những khu vực triển khai nhiều dự án liên quan đến việc giao đất, thu hồi đất, công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng... Không loại trừ khả năng các thế lực thù địch, phần tử xấu sẽ lợi dụng để kích động người dân tham gia vào các hoạt động khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự, trở thành “điểm nóng” gây mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Vì vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, để công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ của Bộ Chính trị đạt hiệu quả, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành của thành phố, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản của Trung ương, Thành ủy liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các ý kiến, kiến nghị chính đáng của Nhân dân.

(Còn nữa)

Bài viết: Nguyễn Thị Thu Phương

Bài viết liên quan:

Bài 1: Thực trạng "vi rút" sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ Bài 2: Nhận diện, quyết tâm "trị bệnh" kịp thời Bài 3: Những mũi tên công phá tảng băng trì trệ Bài 5: Tìm "vắc xin" cho "bệnh" sợ trách nhiệm
Bài 4: Đối thoại với Nhân dân - Hành động của trách nhiệm

« Xem bài 3

Xem bài 5 »

Nguyễn Thị Thu Phương