eMag azine
09/11/2022 08:00
Bài 3: Xây dựng chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số

09/11/2022 08:00

TTTĐ - TP Hà Nội đã xác định ưu tiên xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cải hành chính.

Chính quyền

Bài 3: Xây dựng chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo các chuyên gia, việc xây dựng chính quyền đô thị phải gắn với chuyển đổi số. TP Hà Nội đã xác định ưu tiên xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cải hành chính, tạo khung pháp lý cho việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, đưa ra các giải pháp để thực hiện cải cách hành chính, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Tạo thuận lợi, giảm chi phí về thủ tục hành chính

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố đã chỉ đạo triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực: Y tế, tư pháp, xây dựng quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành phố tiếp tục duy trì, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6 với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp (năm 2021 đạt trên 89%). Hệ thống sổ liên lạc điện tử cung cấp đầy đủ, miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện của học sinh qua ứng dụng điện thoại thông minh, được áp dụng trong các Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông...

Bài 3: Xây dựng chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số
TP Hà Nội triển khai thu phí không dừng ETC trên nhiều tuyến đường cao tốc giúp giao thông được thông suốt, hạn chế ùn tắc

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Hà Nội tiếp tục ứng dụng hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân. Giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh và bảng LED trên xe và một số nhà chờ, ứng dụng tìm xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online.

Thành phố tiển khai thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở bến xe Giáp Bát (xử phạt nguội); Ứng dụng phần mềm quản lý, giám sát công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo hiệu quả…

Các ứng dụng công nghệ trên sẽ giúp giảm thiểu chi phí nhiên liệu, bảo trì. Các doanh nghiệp vận tải sẽ quản lý và điều hành phương tiện hiệu quả; tiện lợi trong việc thu phí vận tải; tự động hóa việc vận hành; tăng năng suất vận tải của phương tiện. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dữ liệu được thu thập để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng hiệu quả và hiệu suất sử dụng đường bộ; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tiến Sỹ
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tiến Sỹ

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố giai đoạn 2022 - 2025.

Với kế hoạch này, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số thành phố hoạt động minh bạch, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ của cơ quan nhà nước dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

“Đến năm 2025, Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước Thành phố; từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Chính quyền thành phố hoạt động, vận hành dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu”, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho hay.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, thời gian qua, Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố tiếp tục xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung rà soát, công bố, công khai các TTHC, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC.

Hà Nội đã thực hiện rà soát, đánh giá và phê duyệt số lượng lớn đối với quy trình giải quyết nội bộ TTHC, chủ yếu ở những lĩnh vực liên quan đến nhiều giao dịch hành chính, dịch vụ công ích: Giáo dục, Lao động, thương binh và xã hội; Tư pháp; Công thương; Giao thông vận tải... (rà soát 550 TTHC và thông qua phương án đơn giản hóa 177 TTHC, phê duyệt đối với 1.754 quy trình giải quyết nội bộ TTHC).

Số hóa dữ liệu cư dân

Theo bà Thu Hà, việc đơn giản hóa TTHC, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC đã tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần cải thiện an sinh xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Sau khi ban hành và triển khai Kế hoạch xây dựng Quy chế phối hợp liên thông các TTHC; trên cơ sở đó, Thành phố đã phê duyệt Đề án "Liên thông TTHC: Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước – Cấp phiếu lý lịch tư pháp", Quy chế phối hợp thực hiện liên thông một số TTHC thuộc lĩnh vực Lao động, thương binh và xã hội.

Đối với các nhóm TTHC liên thông còn lại, thành phố đã chỉ đạo tập trung rà soát, đánh giá việc xây dựng quy trình liên thông về: Cấp phép xây dựng (cấp huyện) - Cung cấp thông tin quy hoạch và cung cấp thông tin địa chính; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Thuế, Công chứng, điều chỉnh và hoàn thiện các quy định, quy trình liên thông trong lĩnh vực đầu tư.

Bài 3: Xây dựng chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số
Thủ tục hành chính tại các địa phương được đơn giản hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục

Đối với thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ việc ủy quyền công chức Tư pháp - Hộ tịch các phường được ký chứng, đến nay, toàn Thành phố đã có 146/175 phường (đạt tỷ lệ 83,4%) thực hiện ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch.

Đánh giá bước đầu cho thấy, việc Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch ký chứng thực đã giúp nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC, đơn giản hóa quy trình, giảm đáng kể thời gian thực hiện, công dân có thể nhận kết quả ngay khi đến giao dịch tại UBND phường, không phải chờ đợi trong nhiều giờ hay phải đi lại nhiều lần.

Việc ủy quyền cũng giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, tạo điều kiện cho công chức Tư pháp - Hộ tịch chủ động hơn trong việc bố trí thời gian giải quyết công việc, giảm áp lực công việc và tăng đáng kể thời gian giải quyết các công việc khác cho lãnh đạo UBND phường.

Mở rộng tuyên truyền

Thời gian qua, Hà Nội đổi mới công tác tuyên truyền về cải cách TTHC qua mở rộng, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội (Zalo, Facebook), nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, khu dân cư điện tử... Nhiều sở, ngành như: Y tế, Thông tin và Truyền trông, Tư pháp, Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Công an thành phố cùng nhiều quận, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền các TTHC qua mạng xã hội để người dân nắm, hiểu rõ khi thực hiện TTHC.

Bài 3: Xây dựng chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số
Đẩy mạnh tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công

Bên cạnh đó, thành phố tăng cường, khuyến khích người dân, tổ chức việc tiếp nhận và trả kết quả tới công dân qua hệ thống bưu chính công ích, hình thức trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố, Cổng dịch vụ công Quốc gia, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trong thực hiện TTHC khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đến nay, 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đều bảo đảm các biện pháp an toàn phòng chống dịch trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Nhờ chỉ đạo và triển khai kịp thời, các hoạt động cung ứng dịch vụ công của Thành phố, nhất là một số lĩnh vực thiết yếu, an sinh xã hội: Công chức - chứng thực, Giáo dục, Y tế, Lao động, thương binh và xã hội, Vệ sinh Môi trường - Đô thị, Trật tự an toàn xã hội... đều được duy trì, thường xuyên, liên tục, góp phần ổn định các chuỗi cung ứng, sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ của các doanh nghiệp, các hoạt động đời sống dân sinh của người dân, tổ chức sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố.

Đối với việc thực hiện phân cấp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1104/TTg-KSTT ngày 25/8/2021 về triển khai xây dựng Đề án"Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính", thành phố đã giao Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã Đống Đa, Sơn Tây, Thanh Trì tổ chức rà soát, đánh giá và đề xuất phân cấp TTHC theo quy định. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo, thống nhất thực hiện trong quý II/2022.

Bài 3: Xây dựng chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số
Các thành viên "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" thuộc phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) mang theo máy tính xách tay để giúp người dân tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ công trực tuyến

Cụ thể, thành phố sẽ thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết TTHC đối với lĩnh vực đất đai, bảo đảm ủy quyền triệt để cho Chi nhánh trực thuộc thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với một số trường hợp theo quy định.

Cùng với đó, thành phố tổ chức cải cách tổ chức bộ máy, thí điểm mô hình chính quyền đô thị, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị có đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của CCHC và quy định của Trung ương

Thành phố đã tổ chức thực hiện thí điểm thành công mô hình chính quyền đô thị theo quy định tại Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ. Theo đánh giá, bước đầu việc tổ chức thực hiện thí điểm, tổ chức bộ máy chính quyền thành phố trong khu vực các quận đã gọn, nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân.

Vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng tại phường, vai trò trách nhiệm và mối quan hệ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tại phường với UBND phường được bảo đảm.

Bài 3: Xây dựng chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số
Chính quyền điện tử hướng tới phục vụ người dân nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch hơn

Bà Thu Hà chia sẻ, Hà Nội xác định, ưu tiên xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC. Để triển khai thực hiện, thành phố đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố và ban ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để đảm bảo công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số thông suốt, liên tục, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Hà Nội đã phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội - Xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, tạo khung pháp lý cho việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì, nâng cấp mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện có của thành phố theo lộ trình, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Bài 3: Xây dựng chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số

Để phục vụ chuyển đổi số thành công, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cũng đang được thành phố Hà Nội tích cực triển khai thời gian qua là phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06 Chính phủ.

Theo Công an thành phố Hà Nội, đến giữa tháng 7/2022, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,3 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; đã thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu, trong đó đã cấp gần 35.000 căn cước công dân gắn chíp kèm định danh điện tử cho học sinh (sinh năm 2004 và 2007) phục vụ cho việc đăng ký dự thi.

Công an thành phố tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và thực hiện làm giàu thông tin công dân; đã rà soát, làm sạch 3 cấp với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5%); đã ký xác nhận được hơn 13 triệu mũi tiêm (đạt 74%), đã thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tính đến đầu tháng 7, thành phố đã có gần 4,4 triệu người có thẻ Bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng Căn cước công dân để đi khám chữa bệnh; có 447 cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế áp dụng sử dụng Căn cước công dân tra cứu khám chữa bệnh; số lượt sử dụng Căn cước công dân tra cứu khám chữa bệnh là trên 26.000 lượt.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố trong triển khai Đề án 06, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Văn phòng UBND thành phố, Công an thành phố, đơn vị triển khai thử nghiệm hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoàn thành kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến thử nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn, phục vụ xác thực thông tin công dân trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính…

Bài viết: Mai Anh - Phạm Mạnh

Bài viết liên quan:

Bài 1: Hiệu quả trong quản lý, điều hành Bài 2: Cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả Bài 4: Xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền số cần có… công dân số

<< Xem bài 2

Xem bài 4 >>

Thành phố tương lai

Phạm Mạnh