Bài 3: Người người, nhà nhà cùng... chuyển đổi số

Để tạo nên những chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý lễ hội ở Hà Nội năm nay, ngoài vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, phải kể đến sự hưởng ứng tích cực của người dân Thủ đô. Lực lượng đoàn viên, thanh niên đã “tranh thủ” tận dụng công nghệ viễn thông, hạ tầng số để quảng bá lễ hội, còn người dân thì hào hứng ứng dụng phương thức thanh toán hiện đại khi mua sắm tại không gian lễ hội.

trải nghiệm mới mẻ, tiện lợi

Khác với mọi năm, đầu Xuân Giáp Thìn 2024, du khách đi lễ tại Phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc không khỏi ngỡ ngàng khi được chứng kiến không khí trật tự tại các hàng quán tại lối vào cổng.

Anh Nguyễn Đức Minh (Kim Mã – Hà Nội) cho hay, tháng 3 âm lịch là hội Mẫu nên năm nào anh cũng đi lễ ở Phủ Tây Hồ. “Quả thực năm nay, tôi nhận thấy không gian lối vào thoáng đãng và ngăn nắp, vệ sinh hơn rất nhiều. Đặc biệt, tôi thấy việc gửi xe máy rất nhanh chóng, thuận tiện dù chỉ mất có 5.000 phí gửi xe máy, nhưng khi quét mã QR để thanh toán lại mang lại cảm giác rất hiện đại, văn minh. Không chỉ vậy, khi mua đồ lễ, viết sớ, tôi cũng thanh toán điện tử, rất nhanh chóng và khỏi lo tiền mặt” – anh Minh cho hay.

“Ông đồ” Đào Quốc Trượng, dù đã gần 80 tuổi nhưng cũng tỏ ra hào hứng khi anh Minh thanh toán bằng cách chuyển khoản 200.000 đồng sau khi đặt ông viết sớ và đồ lễ.

Bài 3: Người người, nhà nhà cùng... chuyển đổi số

“100% tiểu thương, hộ kinh doanh và người viết sớ ở khu vực phủ Tây Hồ và Trấn Quốc đều hưởng ứng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt vì sự tiện lợi, hiện đại và nhanh chóng” – đồng chí Nguyễn Hữu Khánh – Trưởng Công an quận Tây Hồ cho hay.

quản lý chuyên nghiệp, chống thất thu

Có mặt tại bãi trông giữ xe ô tô ở khu vực Phủ Tây Hồ, chúng tôi cảm nhận thấy, nhiều tài xế rất hài lòng vì việc áp dụng thu phí không dùng tiền ở đây được triển khai thành 2 loại. Với xe ô tô đã dán thẻ VETC sẽ thanh toán tự động qua ví VETC; với xe ô tô đã dán thẻ Epass sẽ thanh toán qua tài khoản Ngân hàng (mã QR động). Đặc biệt, với xe ô tô chưa dán thẻ sẽ hỗ trợ dán thẻ VETC cho khách để thanh toán.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhân viên trông giữ xe ô tô ở đây cũng thừa nhận ưu điểm của việc áp dụng công nghệ là giảm bớt áp lực về nhân sự. “Ngày lễ, Rằm, mùng 1, bãi đỗ xe có thể lên tới 800 xe, cần tới 8-10 người để phân luồng, hướng dẫn, kiểm soát việc đỗ xe nhưng từ khi áp dụng công nghệ thu phí không dùng tiền mặt, chỉ cần 5 người để trông giữ, điều phối xe ở bãi” – ông nói.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng công an quận Tây Hồ, bên cạnh việc lực lượng công an có mặt điều tiết giao thông khiến việc vào lễ không còn mất nhiều thời gian, giao thông không bị tắc nghẽn như trước, không phát sinh bãi đỗ xe tự phát, áp dụng công nghệ mới khiến việc gửi xe diễn ra nhanh chóng, không còn cảnh ùn tắc, xếp hàng giờ đồng hồ như trước khiến người dân và du khách đều thấy hài lòng.

Bài 3: Người người, nhà nhà cùng... chuyển đổi sốThiếu úy Trần Mạnh Hùng - Công an quận Tây Hồ trao đổi với PV

Thiếu úy Trần Mạnh Hùng, Công an quận Tây Hồ chia sẻ thêm: "Việc thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt còn giúp thống kê, giám sát xe ra vào điểm, bãi xe chính xác, phí trông xe được thu đúng, thu đủ và triệt tiêu được việc thu quá giá, thu tiền không xuất chứng từ; đồng thời, giúp việc quản lý trật tự công cộng của lực lượng công an phường Quảng An trở nên nhàn hơn do không phát sinh bãi đỗ xe tự phát".

Theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, xác định phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính, quận ủy Tây Hồ đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số, xây dựng quận Tây Hồ thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trọng tâm là phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Vì thế, ngay từ đầu năm 2024, quận Tây Hồ là đơn vị đầu tiên triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ ô tô, xe máy chung quanh khu vực phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc.

Hiện Phủ Tây Hồ có 4 bãi trông giữ xe, 3 cho ô tô và 1 cho xe máy. Tất cả các bãi đều chấp nhận thanh toán không tiền mặt cũng như niêm yết giá trông giữ xe công khai, minh bạch, nhằm phục vụ cơ quan chức năng thu thập dữ liệu dân cư, chống thất thu ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về sau.

giới trẻ linh hoạt, sáng tạo

Có thể thấy, điểm chung của các địa phương năm nay trong tổ chức, quản lý lễ hội là sự “vào cuộc” rất tích cực của các bạn trẻ. Hơn hết, đó là sự sáng tạo của lực lượng đoàn viên, thanh niên trong việc phát huy thế mạnh về lịch sử văn hóa, sản vật đặc trưng của địa phương mình.

Tại Lễ hội Đền chùa Bà Tấm năm 2024, Đoàn Thanh niên xã Dương Xá (Gia Lâm – Hà Nội) đã tranh thủ livestream bán các sản phẩm OCOP của địa phương; bán hàng tại “Chợ phiên điện tử”, bố trí gian hàng “Hướng đến nông thôn mới thông minh” để giới thiệu với du khách các sản phẩm như hành khô, tinh dầu, nghệ… của Dương Xá.

Bài 3: Người người, nhà nhà cùng... chuyển đổi sốĐoàn Thanh niên xã Dương Xá (Gia Lâm - Hà Nội) livestream giới thiệu sản phẩm OCOP tại Lễ hội Đền chùa Bà Tấm.

“Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, các bạn đoàn viên, thanh niên đã bán được 27 triệu đồng (giá trung bình mỗi sản phẩm chỉ 50-100.000 đồng). Con số doanh thu tuy nhỏ nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả của việc tận dụng không gian lễ hội để quảng bá văn hóa, đặc sản của quê hương. Đồng thời, hoạt động này cũng làm cho phần “hội” của Lễ hội Đền chùa Bà Tấm trở nên sôi động và hấp dẫn hơn” - chị Lê Thị Thùy Dương, Bí thư Đoàn xã Dương Xá chia sẻ với PV.

Bài 3: Người người, nhà nhà cùng... chuyển đổi sốHoạt động này góp phần khiến phần “hội” của Lễ hội Đền chùa Bà Tấm trở nên sôi động và hấp dẫn hơn.

Thông tin thêm về vai trò của thanh niên trong tổ chức lễ hội ở địa phương, chị Thùy Dương cho biết, trước đó, Đoàn Thanh niên xã Dương Xá trước đó trở thành lực lượng chủ chốt trong việc mã hoá hình ảnh các địa điểm di tích lịch sử đã được xếp hạng trên địa bàn như: Đền - Chùa Bà Tấm; Đình - Chùa - Nghè Dương Đình; Đình Yên Bình; Đình Dương Đá; Đình Dương Đanh; Nghè Thuận Quang...

Việc số hóa, tích hợp thông tin, hình ảnh về các địa điểm bằng công nghệ thực tế ảo VR, mang đến trải nghiệm mới mẻ, thú vị, cho phép người sử dụng nhanh chóng tiếp cận thông tin về di tích một cách trực quan, sinh động nhất. Những công trình này có ý nghĩa thiết thực trong truyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa và tổng quan du lịch của xã Dương Xá; góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên về lĩnh vực văn hóa, du lịch trên địa bàn xã.

Bài 3: Người người, nhà nhà cùng... chuyển đổi sốThành đoàn Hà Nội khánh thành công trình thanh niên "Số hóa di tích ứng dụng công nghệ VR 360" tại xã Đặng Xá, xã Dương Xá và xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương nhận xét, mùa lễ hội năm nay, du khách về tham dự các lễ hội ở huyện Gia Lâm có nhiều trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn.

Bài 3: Người người, nhà nhà cùng... chuyển đổi số

Mã QR gắn tại 110 di tích của huyện Gia Lâm giúp người dân hiểu hơn về lịch sử, nguồn gốc lễ hội.

Một phần vì, toàn huyện đã kiểm kê hiện vật và số hóa các hiện vật tại 287 di tích trên địa bàn huyện.

Các hiện vật được đánh mã số với 15 trường thông tin; việc dập, dịch văn bia và các tư liệu Hán Nôm tại các di tích để số hóa, lưu giữ các thần sắc, thần phả thuận lợi cho tuyên truyền giới thiệu, giáo dục truyền thống cho các thế hệ ngày nay.

Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cũng làm bảng giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa thông qua mã QR gắn tại 110 di tích có giới thiệu bằng chữ và thuyết minh tự động bằng 2 thứ tiếng (Tiếng Việt và Tiếng Anh) gắn với tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch.

Trong đó, đáng chú ý, Hội Gióng ở đền Phù Đổng – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được tư liệu hóa bằng hình ảnh, video, chữ viết, giúp khách thập phương và Nhân dân tiện tra cứu thông tin, tìm hiểu về di sản này khi về trảy hội.

Không chỉ tại huyện Gia Lâm, mà tại các quận, huyện như Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Đan Phượng, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai..., việc triển khai hiệu quả số hóa các di tích, nguồn gốc lễ hội đã góp phần khiến các lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối, Lễ hội đình Chèm, Lễ hội Bình Đà... trở thành “thỏi nam châm” hút khách du lịch.

Chính sự “vào cuộc” nhanh nhạy, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính quyền cấp cơ sở và của tổ chức Đoàn cơ sở đã “thổi một làn gió mới”, khiến cho những lễ hội làng gắn với đời sống tinh thần của người dân từ bao đời, trở nên hiện đại, đầy sức hấp dẫn và cuốn hút mà không hề mất đi bản sắc truyền thống vốn có.

Bài 3: Người người, nhà nhà cùng... chuyển đổi số

(Còn nữa)

Nội dung & Trình bày: Thái Sơn

Video: Tùng Linh


Bài viết liên quan loạt bài "Chuyển đổi số trong quản lý lễ hội ở Hà Nội: Hiệu quả từ tư duy đột phá và hành động quyết liệt":

Bài 1: Lễ hội truyền thống – Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Bài 2: Bước tiến trong đổi mới tư duy từ chính quyền cơ sở Bài 4: Thấy gì qua việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương? Bài 5: Cần một chiến lược khai thác nguồn lực lễ hội

« Xem bài 2

Xem bài 4 »