eMag azine
17/04/2023 06:54
Bài 2: Tích cực đổi mới, đi trước làm gương

17/04/2023 06:54

TTTĐ - Hoạt động giám sát của HĐND TP Hà Nội luôn cần sự quyết liệt cùng sự đổi mới, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri và tăng cường quản lý.

Đổi mới/p>

Bài 2: Tích cực đổi mới, đi trước làm gương

Với đặc thù là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế... hoạt động giám sát của HĐND TP Hà Nội luôn cần sự quyết liệt cùng sự đổi mới, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri và góp phần tăng cường hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước, đáp ứng thực tiễn phát triển của thành phố.

Truy trách nhiệm tới cùng

Kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội diễn ra vào thời điểm cuối năm 2022 đã để lại ấn tượng sâu đậm trong cử tri và Nhân dân khi một nhóm nội dung được lựa chọn tái chất vấn đã làm “nóng” nghị trường. Đó là việc thực hiện các kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND và những cam kết, lời hứa của UBND TP, một số cơ quan của TP về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Đây là nhóm vấn đề đã được các đại biểu HĐND TP thực hiện chất vấn tại kỳ họp thứ 3 (tháng 12/2021), tái chất vấn tại kỳ họp thứ 7 (tháng 7/2022) và nhiều lần giám sát chuyên đề.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Việt tham gia phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội
Đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội, tham gia phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội

Trong phiên chất vấn, các đại biểu đã "truy" đến cùng trách nhiệm của các Sở, ngành chức năng trong việc chậm tiến độ thực hiện của một số dự án như: Dự án Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong; Việc thu hồi đất tại khu đất số 6, Đào Duy Anh để tập trung đầu tư các dự án mở rộng xây dựng trường học; Việc triển khai dự án trụ sở văn phòng tại số 31, 33 và 35 Lý Thường Kiệt... Trước những câu hỏi của các đại biểu, đại diện một số Sở, ngành TP đã giải trình về tiến độ thực hiện cũng như nêu ra không ít vướng mắc còn tồn tại để cử tri và Nhân dân nắm được.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu HĐND TP đã nêu rõ thực trạng công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn TP, vấn đề đã được giám sát thực tiễn trước đó. Các đại biểu đã nêu thực trạng hiện nay còn 300/313 làng nghề; 28/70 cụm công nghiệp chưa có hệ thống nước thải tập trung. Tình trạng các cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng không hoạt động, xuống cấp hoặc chưa được đầu tư đồng bộ như: Cụm công nghiệp Yên Nghĩa - Hà Đông; Cụm công nghiệp Liên Hà - Đan Phượng; Cụm công nghiệp Bát Tràng - Gia Lâm; Cụm công nghiệp Tân Triều - Thanh Trì... Từ đó, các đại biểu "truy" trách nhiệm của các Sở, ngành, TP trong vấn đề này và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Nhắc về phiên chất vấn này của HĐND TP, ông Lê Đình Vinh, cử tri quận Tây Hồ vẫn còn nguyên ấn tượng với không khí sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm. Đặc biệt là việc “truy” tới cùng giải pháp cho các dự án chậm, muộn. Như bao cử tri Thủ đô, ông Vinh càng vui mừng khi được biết thêm, ngay sau kỳ họp, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết, trong đó kèm theo phụ lục các vấn đề, các cam kết của UBND TP và cơ quan liên quan có thời gian, tiến độ cụ thể làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, tái giám sát việc thực hiện. “Tôi mong những chuyển biến sẽ sớm được công bố công khai để người dân chúng tôi thêm phấn khởi”- ông Vinh bày tỏ.

Bài 2: Tích cực đổi mới, đi trước làm gương Bài 2: Tích cực đổi mới, đi trước làm gương Bài 2: Tích cực đổi mới, đi trước làm gương

Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, xác định hoạt động giám sát thông qua chất vấn, giải trình nhằm tiếp tục đeo bám vấn đề, tìm giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, HĐND TP đã triển khai rất nghiêm túc các phiên chất vấn, giải trình. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước khi thực hiện thường xuyên việc báo cáo tại phiên chất vấn bằng những phóng sự được thực hiện công phu, trực quan, sinh động; Qua đó giúp đại biểu nắm rõ vấn đề, đặt câu hỏi chất vấn “đúng và trúng”.

Nhiều nhiệm kỳ gần dây, Hà Nội cũng là một trong số ít những địa phương duy trì đều đặn việc dành riêng 1 ngày tại các kỳ họp thường lệ của HDNĐ để tổ chức phiên chất vấn và truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh thông tin.

Tại các phiên chất vấn, giải trình, ngoài Chủ tịch UBND TP, các Phó Chủ tịch, thành viên UBND TP tham dự và trực tiếp trả lời, còn có Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham dự và trả lời về các vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm; Qua đó tạo sự liên thông, đầy đủ và xem xét vấn đề rõ ràng, triệt để hơn.

Để có các phiên chất vấn sôi nổi, thẳng thắn như tại kỳ họp thứ 10, theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Thường trực cùng các Ban, các tổ đại biểu HĐND trước đó đã thực hiện nghiêm túc chương trình giám sát hằng năm. Hoạt động giám sát của HĐND TP được nghiên cứu, bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương và các chỉ đạo của Trung ương. Thường trực HĐND TP Hà Nội cũng đã thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tham khảo cách làm của một số tỉnh, TP để xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp tiếp tục đổi mới, cải tiến giám sát theo hướng bản lĩnh, thẳng thắn, thực chất, khoa học, hiệu quả...

Bài 2: Tích cực đổi mới, đi trước làm gương
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại kỳ họp thứ Mười, HĐND Thành phố khóa XVI

Cũng theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, bám sát diễn biến tình hình trên địa bàn TP và chỉ đạo của Thành ủy, Thường trực HĐND đã có những chỉ đạo, điều chỉnh các chương trình, nội dung giám sát theo hướng tăng cường giám sát thực địa. Các đoàn giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND TP đều có sự phối hợp tham gia của các Sở, ngành và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.

Điểm mới là sự chủ động phối hợp trong hoạt động giám sát giữa HĐND với Đoàn ĐBQH TP. Nhiều cuộc giám sát quan trọng của HĐND TP đã mời đại biểu Quốc hội ứng cử trên địa bàn tham dự vừa phát huy được trí tuệ của đại biểu, vừa cung cấp thông tin, tạo tiếng nói thống nhất, hiệu quả hơn trên diễn đàn dân cử. Một số đoàn giám sát đã mời các chuyên gia tham dự nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Ngoài ra, quá trình theo dõi việc giải quyết các kết luận giám sát, tái giám sát tiếp tục được chú trọng, được phân công, giao theo từng lĩnh vực; Có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nếu chậm giải quyết hoặc đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND TP.

Góp tiếng nói giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh

Năm 2022, cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP đã gây được tiếng vang khi lựa chọn đúng các vấn đề đang nhiều bức xúc trong Nhân dân.

Thực hiện vai trò tham mưu, trước đó, Ban Đô thị HĐND TP đã tổ chức khảo sát thực tế tại một số dự án thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP (bao gồm thoát nước, xử lý nước thải đô thị, nước thải khu công nghiệp, nước thải cụm công nghiệp và nước thải làng nghề)...

Bài 2: Tích cực đổi mới, đi trước làm gương

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân cho biết: Từ những nội dung được Ban Đô thị giám sát, khảo sát mang tính chất hiện trường đã được nâng lên thành chuyên đề giám sát của Thường trực HĐND và tiếp đó được đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp. Nhiều nội dung đã có sự chuyển biến đáng kể. Đơn cử như việc xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, làng nghề, trong đó có việc xả thải ra hệ thống chung của Khu Công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) sau khi được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 10 và Chủ tịch UBND huyện Mê Linh giải trình, cam kết, đến nay đã có kết quả thực hiện. Hay như việc thu hồi đất tại số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa) cũng đã được hoàn tất đúng cam kết và đang xây dựng phương án xây dựng 2 trường học tại đây....

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân

Theo ông Đàm Văn Huân, vấn đề đô thị của Hà Nội hiện nay còn rất nhiều bất cập, từ quan điểm tới quá trình thực hiện. Đây cũng là mảng nội dung luôn được cử tri và Nhân dân quan tâm, phản ánh, nhất là những bất cập tại đô thị cũ như: Ô nhiễm không khí, sông hồ, ùn tắc giao thông, ngập úng, chung cư cũ, lấn chiếm vỉa hè...

“Phải tập trung cho quản lý đô thị để nâng cao chất lượng đời sống của người dân, “tuốt” lại tất cả đề làm sao cho đúng nghĩa đô thị, vì vậy, trước mắt có rất nhiều những vấn đề nổi cộm của đô thị cần phải quan tâm xử lý”- Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết.

Với quan điểm “hướng tới dân, những gì cần làm được thì làm ngay”, việc giám sát luôn được Ban Đô thị bám sát vào tình hình thực tế, đi thẳng vào tồn tại; Quá trình giám sát chú trọng gỡ ngay các vướng mắc.

Ngoài thực hiện khảo sát, giám sát các vấn đề nổi cộm, bức xúc dân sinh để làm rõ công tác quản lý đô thị, hoạt động giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội còn mở rộng và hướng đến việc quy hoạch và phát triển đô thị. Trong năm 2023, Ban Đô thị đã đề ra nhiều nội dung để thực hiện giám sát hơn thường lệ, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Bảo vệ môi trường không khí; Tình hình triển khai các dự án nước sạch; Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; Việc thực hiện các dự án giao thông; Di dời các cơ sở nhà đất;... với quan điểm sốt sắng sớm có tiếng nói góp phần giải quyết những bức xúc dân sinh.

(Còn nữa)

Bài viết: Thành Lộc

<< Xem bài 1

Xem bài 3 >>

Bài viết liên quan:

Bài 1: Từ Quốc hội "chuyển động" tới HĐND Bài 3: "Điểm sáng" trong "điểm sáng" Bài 4: Tạo chuyển động trong hệ thống chính quyền Bài 5: Xây dựng hệ thống các biện pháp phát huy vai trò giám sát
Bài 2: Tích cực đổi mới, đi trước làm gương

Thành Lộc