eMag azine
26/02/2025 10:04
Bác sĩ trẻ hồi sinh sự sống bằng “phép màu” ghép tạng

26/02/2025 10:04

TTTĐ - “Mình không thể quên hình ảnh nguời thân của người hiến tạng ôm quanh thùng đựng tạng, chào tạm biệt lá gan, thận của đứa con, rồi họ nói rằng: “Con đi mạnh khỏe, cứu giúp được nhiều người con nhé!”, bác sĩ Tuấn tâm sự.
Bác sĩ trẻ hồi sinh sự sống bằng “phép màu” ghép tạng
Bác sĩ trẻ hồi sinh sự sống bằng “phép màu” ghép tạng

Đó là tâm sự của bác sĩ Hoàng Tuấn (sinh năm 1989), hiện công tác tại Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với chúng tôi từ những trải nghiệm của anh trên hành trình chữa bệnh cứu người.

Anh cũng là một trong những số ít người trẻ đã tình nguyện đăng ký hiến tạng cho y học. Đó là hành động cao cả, mang ý nghĩa nhân văn, không chỉ sẻ chia sự sống mà còn là niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

CHỌN SỨ MỆNH CAO CẢ

Anh Tuấn kể: “Trên xe cứu thương chở tạng trong đêm về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mình tự nhủ: Nhất định ca ghép phải thành công, nhất định phải hồi sinh sự sống được cho người nhận tạng, để không phụ những tấm lòng cao cả ấy". Thật vui, tất cả ca ghép đó đã thành công. Người bệnh ổn định, trở về cuộc sống sinh hoạt thường ngày”.

Với bác sĩ Hoàng Tuấn, mỗi ca ghép tạng, đặc biệt là những ca ghép từ người hiến tạng chết não luôn để lại trong anh ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ. Bởi anh là người trực tiếp tham gia mổ lấy tạng, ghép tạng, trực tiếp chứng kiến giây phút trái tim người hiến ngừng đập, trực tiếp chứng kiến tạng của người hiến được hồi sinh ngay trong cơ thể người nhận để cứu sống họ.

Bác sĩ Hoàng Tuấn

Bác sĩ Hoàng Tuấn

Bác sĩ 8X chia sẻ, anh đến với nghề y và đặc biệt là chuyên ngành ghép tạng, bên cạnh mong muốn làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người từ nhỏ, thì còn như là một cơ duyên. Học xong cấp 3, anh thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội, rồi học tiếp Bác sĩ nội trú và trở thành một bác sĩ ghép tạng như hiện nay.

Dù thời điểm anh ra trường, chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam chưa phát triển mạnh. Số lượng ca ghép còn rất ít nhưng trong quá trình học Bác sĩ nội trú, anh Tuấn được làm việc thời gian 24/7 tại bệnh viện, chứng kiến tài năng của các thầy, anh chị đi trước; tận mắt thấy những mảnh đời lay lắt do suy tạng, suy gan, suy thận, đến lúc nhìn họ khỏe mạnh sau khi được ghép tạng. Anh đã cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa thực sự công việc của mình. Đó là điều thôi thúc bản thân anh học tập chăm chỉ, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để được trở thành bác sĩ ghép tạng.

Bác sĩ trẻ hồi sinh sự sống bằng “phép màu” ghép tạng

Bác sĩ Hoàng Tuấn cùng đồng nghiệp thực hiện ghép tạng cho người bệnh

NÂNG TẦM Y HỌC VÀ DẤU ẤN NGƯỜI THẦY THUỐC

Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là trung tâm ghép tạng lớn của cả nước. Thực hiện các kỹ thuật về ghép như ghép gan, thận… đối với bác sĩ Tuấn là một công việc quen thuộc. Thông thường, buổi sáng làm việc của anh bắt đầu lúc 7h. Anh cùng đồng nghiệp đi buồng, thăm khám người bệnh, đưa ra y lệnh điều trị, sau đó tham gia giao bạn chuyên môn, xong sẽ vào phòng mổ, thực hiện các ca phẫu thuật trong ngày như ghép gan, ghép thận, phẫu thuật gan, mật, tụy...

Không ít lần cả ekip mổ xuyên trưa không nghỉ, cho đến khi ca mổ cuối cùng trong ngày kết thúc, có thể là 20-21h. Bên cạnh tham gia mổ phiên, thì Bệnh viện Việt Đức cũng thường xuyên có những ca ghép tạng từ người hiến chết não. Khi có những ca như thế, lãnh đạo bệnh viện thường phải huy động 80-100 nhân viên y tế và việc mổ xuyên đêm đến sáng hôm sau là chuyện thường gặp đối với bác sĩ Tuấn cùng đồng nghiệp. Đặc biệt gần đây, khi nhận thức về hiến tạng của người dân được nâng cao, số lượng ca ghép tạng từ người hiến chết não cũng đang tăng dần.

Bác sĩ trẻ hồi sinh sự sống bằng “phép màu” ghép tạng

Bác sĩ Hoàng Tuấn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng

Bác sĩ trẻ hồi sinh sự sống bằng “phép màu” ghép tạng

“Mình nhớ có những ngày sáng đến mổ phiên 2 ca ghép thận từ người hiến sống đến chiều. Sau đó lại tham gia mổ ghép gan, ghép thận từ người hiến chết não đến sáng hôm sau. Như thế, tuần lễ ghép tạng đầu tháng 1/2025 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong vòng 6 ngày, đã tiến hành ghép được 21 trường hợp, bao gồm 15 ca ghép tạng từ người hiến chết não và 6 ca ghép tạng từ người hiến sống. Trong tuần đó, hầu hết anh chị em ekip ghép tạng không về nhà”, bác sĩ Hoàng Tuấn kể.

Ghép tạng có tính chất đặc thù khác các chuyên ngành khác là không chỉ phụ thuộc vào mức độ bệnh của bệnh nhân, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn hiến tạng. Ca ghép có thực hiện được hay không phụ thuộc vào cả người hiến và người nhận tạng.

Đối với ghép tạng từ người hiến sống, ca mổ lúc nào cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người hiến, đồng thời tạo điều kiện tối đa để ghép cho người nhận tạng thành công nhất. Đó là sự phối hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa các ekip lấy tạng, rửa tạng, vận chuyển tạng và ghép tạng.

Còn đối với ghép tạng từ người hiến chết não, bên cạnh công tác chuyên môn, còn là về tính nhân đạo về ý nghĩa của sự sống, ý nghĩa của sự “cho đi là còn mãi”.

Bác sĩ trẻ hồi sinh sự sống bằng “phép màu” ghép tạng

Bác sĩ 8X chia sẻ: "Dường như số phận đã lựa chọn mình trở thành bác sĩ và là một bác sĩ ghép tạng, để có thể góp một phần nhỏ của mình cùng với ekip ghép tạng bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hồi sinh những sự sống mới".

MANG LẠI HẠNH PHÚC, GIEO MẦM HI VỌNG

Theo anh Tuấn, ghép tạng là một kỹ thuật rất khó, chuyên sâu, phối hợp rất nhiều lĩnh vực như tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, vi phẫu… là một trong những thành tựu y học của thế kỷ 20 và đang phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21. Không phải ai cũng có thể học và trở thành bác sĩ ghép tạng được, bởi vậy, cần rất nhiều thời gian tu dưỡng, rèn luyện cả về tay nghề, kiến thức và đạo đức thì mới có thể trở thành một bác sĩ ghép tạng thực thụ.

“Động lực giúp mình gắn bó và vượt qua khó khăn, thách thức trong công việc đó là chứng kiến sự hồi sinh, sự chuyển biến theo hướng tốt đẹp hơn của người bệnh trước và sau khi được ghép tạng. Đơn giản như khi chứng kiến thận bài tiết nước tiểu ngay trong cuộc mổ ghép thận, hay gan bài tiết mật trong ca mổ ghép gan.

Ý nghĩa hơn đó là những cái vẫy tay chào bác sĩ khi bệnh nhân hồi phục, tỉnh dậy nằm trong buồng hồi sức, cách ly ngày đầu tiên sau ghép. Hay nhìn thấy các gia đình đoàn tụ sau khi người bệnh ra viện, trở về nhà. Chính những điều đó đã giúp mình thêm yêu nghề và tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để giúp ích cho nhiều mảnh đời hơn nữa”, bác sĩ Hoàng Tuấn chia sẻ.

Bác sĩ trẻ hồi sinh sự sống bằng “phép màu” ghép tạng

Anh Hoàng Tuấn đã có nhiều đóng góp về ghép tạng

Dù công việc chuyên môn bận rộn nhưng bác sĩ Hoàng Tuấn vẫn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội. Anh hiện là thành viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và tham gia rất nhiều chương trình tư vấn, phát thuốc, khám chữa bệnh tình nguyện cho người dân. Bên cạnh đó, anh cũng định kỳ tham gia hiến máu nhân đạo…

Với những đóng góp của anh đối với nghề y, cũng như ghi nhận tài năng của bác sĩ 8X Hoàng Tuấn, anh được trao tặng nhiều khen thưởng: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; Bằng khen của Đoàn Thanh niên Bộ Y tế; Giấy khen của Quận đoàn Hoàn Kiếm; Giấy khen của Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về ghép tạng.

Anh còn đạt 2 giải Nhì trong Hội nghị khoa học và công nghệ tuổi trẻ ngành y tế lần thứ 20 về đề tài ghép tạng; 2 giải Ba Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội…

Gửi gắm thông điệp tới các bạn trẻ theo đuổi ngành y, bác sĩ Hoàng Tuấn bày tỏ: “Ngành y là một hành trình vất vả nhưng cũng vô cùng ý nghĩa. Nếu bạn có đủ đam mê, lòng nhân ái và sự kiên trì, bạn sẽ không chỉ trở thành một bác sĩ giỏi, mà còn là một người mang lại hạnh phúc và hi vọng cho nhiều người.

Hãy bắt đầu hành trình của mình với trái tim rộng mở và tinh thần sẵn sàng học hỏi. Bạn còn trẻ, hãy cứ cho đi những điều tốt đẹp, chắc chắn sẽ nhận lại gấp bội những điều tốt đẹp ấy, vì bạn xứng đáng”.

Bác sĩ trẻ hồi sinh sự sống bằng “phép màu” ghép tạng

"Động lực giúp mình gắn bó và vượt qua những khó khăn trong công việc là chứng kiến sự hồi sinh, sự chuyển biến theo hướng tốt đẹp của người bệnh trước và sau khi được ghép tạng", anh Hoàng Tuấn bày tỏ.

Bác sĩ Hoàng Tuấn cho biết: Sự khan hiếm về nguồn hiến tạng vẫn là khó khăn, thử thách đối với Việt Nam. Bởi quan niệm, tập quán, văn hóa về bảo vệ sự toàn vẹn của cơ thể sau khi chết vẫn còn phổ biến, dẫn tới nguồn đăng ký hiến tạng sau khi qua đời còn rất thấp.

Tỷ lệ người hiến tạng sau khi qua đời ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất, với tỷ lệ 0.15 người/1 triệu dân. Trong khi đó trung bình của thế giới là 20 người/1 triệu dân. Ở các nước như Mỹ, Tây Ban Nha là 50 người/1 triệu dân.

Bởi vậy, theo anh Tuấn, để cho nhiều người bệnh được ghép tạng, chúng ta cần nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền cộng đồng về việc hiến và ghép tạng; tổ chức các chiến dịch vận động hiến tạng;

Bên cạnh đó, chúng ta cần đầu tư đào tạo đội ngũ nhân viên y tế chuyên sâu về ghép tạng, hỗ trợ trang thiết bị y tế, hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nền ghép tạng phát triển; hỗ trợ tài chính cho người bệnh, mở rộng phạm vi bảo hiểm trong lĩnh vực ghép tạng...

Bài viết và trình bày: Lê Dung

Lê Dung