Khi em xa - một định nghĩa về hạnh phúc!

18:37 | 10/07/2023
TTTĐ - Đây là tựa đề của nhà phê bình văn học Thanh Nguyên viết về bài thơ “Khi em xa” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.

Theo Nhà phê bình văn học Thanh Nguyên, đã có không ít nhà nhơ viết về nỗi nhớ nhung khi các cặp lứa đôi xa cách. Nhà thơ Chế Lan Viên có bài thơ Tập qua hàng đưa ra một triết lý về tình yêu: Chỉ một ngày nữa thôi/ Em sẽ trở về/ Nắng sớm cũng mong/ Cây cũng nhớ/ Ngõ cũng chờ/ Và bướm cũng thêm màu trên cánh đang bay.

Khi em xa - một định nghĩa về hạnh phúc!

Cô gái (em) trong bài thơ này có lẽ là người hạnh phúc nhất vì có người yêu lý tưởng nhất. Em đi xa, “anh” đếm từng ngày. Chắc đã đếm nhiều rồi, đến ngày cuối cùng thì thốt lên: “Chỉ còn một ngày nữa thôi”. Nỗi nhớ của “anh” kỳ diệu đến mức gửi vào cả vào nắng, vào cây, vào ngõ… Thì ra tình yêu làm sinh động hóa thiên nhiên xiết bao!

Trong bài thơ mới đây của thi sỹ Nguyễn Hồng Vinh, hình tượng người vợ trong bài Khi em xa cũng hạnh phúc như vậy:

Em mới xa một ngày

Đêm như không dừng lại

Bước sang ngày thứ hai

Mâm cơm không động đậy

So với người yêu trong thơ Chế Lan Viên, người vợ ở đây mang chất đời thường và bình dị hơn. Thời gian chờ đợi bao giờ cũng lâu, nên “Đêm như không dừng lại”, nghĩa là “anh” đếm đêm đã suốt đêm! Sang ngày thứ hai, “anh” bỏ cơm. Đó là những hình ảnh có thật trong đời sống của những cặp vợ chồng đã từng gắn bó, quấn quít bên nhan, tạo nên động lực của cuộc đời. Bởi vậy, dù chỉ mới xa một ngày, nỗi nhớ nhau đã cồn lên da diết. Không có vợ, chồng bên nhau, chẳng thể “hưởng thụ” vật chất một mình… Đó là tình cảm thiêng liêng cần được cùng sẻ chia, thưởng ngoạn. Đó cũng là biểu hiện cụ thể của Hạnh phúc.

Khi em xa - Một định nghĩa về hạnh phúc!

Khổ hai, với ý thơ rất tinh tế:

Bằng lăng như bớt tím

Cánh lan trắng chuyển màu?!

Một con chim lẻ bóng

Nháo nhác bay qua đầu

Nỗi nhớ như gửi cả vào hoa. Nhưng điều này chưa vượt được thơ họ Chế. Song, ở hai câu sau, người đọc mới rõ “cái riêng” của tác giả. Tại sao một con chim lẻ bóng mà “nháo nhác” được? Vì “nháo nhác” thường dùng cho chủ thể số nhiều (đàn chim nháo nhác). Nhưng đọc kỹ, soi vào chủ thể trữ tình “anh”, mới thấy cái lý: như con chim kia lượn di lượn lại, bay đi bay lại để tìm đàn. Một mình nó làm ra cả một “thế giới”, giống tâm trạng “anh” buổi sớm, vẫn chưa thấy người vợ thương yêu trở về! Thì ra hai chữ “nháo nhác” này lại nói lên được cái cô đơn, lẻ loi trong nỗi nhớ thật bao la, dài rộng. Đó là thành công của tác giả khi hình tượng hóa.

Khổ ba nói về lý do cách xa. Vẫn biết rằng, em đang tham gia Đoàn thiện nguyện, nhưng không nhận được tín hiệu nào từ em, lòng vẫn bồn chồn, dù hiểu rằng, nếu ở thung sâu heo hút, làm sao có sóng để gửi nỗi nhớ về anh?

Khi em xa - Một định nghĩa về hạnh phúc!

Còn em ở thung sâu

Tặng quà cho các cháu

Nơi núi rừng heo hút

Điện thoại đành nằm im?!

Còn với em, anh có hiểu chăng nỗi nhớ anh và con vẫn trào dâng trong giấc ngủ và ban ngày vùi đầu vào công việc tặng quà cho học sinh nghèo để xua đi nhung nhớ:

Nhớ anh và các con

Chẳng phút giây chợp mắt

Lao vào việc nghĩa tình

Xua nỗi niềm xa cách

Thì ra họ chia xa để đi làm “việc nghĩa tình”, để sẻ chia gian khó với đồng bào vùng xa xôi hẻo lánh nơi thung sâu… Đó cũng là Hạnh phúc!

Khi em xa - Một định nghĩa về hạnh phúc!

Khổ cuối kết lại bài thơ, bật ra ý thơ mới, rất đời thường, nhưng thật ý nhị:

Trở về qua thị trấn

Sóng zalo hiện hình

Anh trách mình nóng vội

Dễ nghĩ điều lan man…

Vậy là vì quá yêu em, vì nỗi nhớ dâng đầy trong khi chưa nhận được tin tức từ em, nên anh “nghĩ điều lan man” với nhiều giả thiết không vui. Đúng như người xưa tổng kết: “yêu quá hóa ghen”! Trong bối cảnh này, đúng là “cái ghen” trong nồng nàn, say đắm của gái, trai là chất men của tình yêu đích thực. Nhưng “cái ghen” cần vừa đủ để tình yêu thêm thi vị, giúp đôi lứa quý nhau hơn, cần nhau hơn.

Bài thơ ngắn nhưng đa giọng, đúng hơn là đối thoại các giọng (anh với em) và độc thoại giọng (anh). Đó là một định nghĩa về hạnh phúc vợ chồng: nhớ nhung; Trong cái vì nhau có cả cái vì cộng đồng; Không thể thiếu nhau; và cũng không thể thiếu … “cái ghen thường tình”!

Khi em xa

Em mới xa một ngày

Đêm như không dừng lại

Bước sang ngày thứ hai

Mâm cơm không động đậy…

Bằng lăng như bớt tím

Cánh lan trắng chuyển màu?!

Một con chim lẻ bóng

Nháo nhác bay qua đầu

Còn em ở thung sâu

Tặng quà cho các cháu

Nơi núi rừng heo hút

Điện thoại đành nằm im?!

Nhớ anh và các con

Chẳng phút giây chợp mắt

Lao vào việc nghĩa tình

Xua nỗi niềm xa cách

Trở về qua thị trấn

Sóng zalo hiện hình

Anh trách mình nóng vội

Dễ nghĩ điều lan man…

Nguyễn Hồng Vinh - Tháng 7/2023

PV

Bản quyền thuộc https://cdn.tuoitrethudo.vn/