3 yếu tố giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ Nghị quyết 68-NQ/TƯ
Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển hạ tầng đất nước Báo chí và doanh nghiệp: Gắn kết để vươn xa Tăng cường kỹ năng kinh doanh trên môi trường số cho doanh nghiệp |
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính để làm rõ giải pháp để doanh nghiệp có thể tận dụng những cơ chế từ Nghị quyết 68-NQ/TƯ để phát triển.
Phóng viên: Thưa ông, Nghị quyết 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành và triển khai. Theo đánh giá của ông, Nghị quyết này sẽ có những tác động như thế nào đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Quốc Trường: Nghị quyết 68-NQ/TƯ, cùng với các chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là việc xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, theo quan điểm của tôi, sẽ mở ra những cơ hội vô cùng to lớn cho sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn tới.
Điểm cốt lõi của Nghị quyết này là khẳng định vị trí, vai trò cao hơn của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc gia; coi kinh tế tư nhân không chỉ là “một động lực quan trọng nhất” mà là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững hơn.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính |
Nghị quyết 68-NQ/TƯ có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng thể chế phát triển ở Việt Nam theo hướng hội nhập, hiện đại, hiệu quả hơn, giúp tháo gỡ các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân lâu nay, đồng thời góp phần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, cũng như mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Khi những rào cản dần được tháo gỡ, môi trường kinh doanh sẽ trở nên thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn, tạo không gian phát triển mạnh mẽ cho các doanh nghiệp tư nhân nói riêng, kinh tế đất nước nói chung.
Nghị quyết đã khẳng định rằng, phát triển kinh tế tư nhân vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; cần được cụ thể hoá trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước.
Vì vậy, việc khẳng định vai trò đầu tàu của kinh tế tư nhân không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, mà đòi hỏi một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong tư duy xây dựng và thực thi chính sách.
Khu vực kinh tế tư nhân vốn dĩ đã rất năng động, hiệu quả, khi được "cởi trói" khỏi những ràng buộc không cần thiết về mặt thể chế, được tiếp thêm động lực từ chính sách, chúng tôi tin rằng khu vực này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp ngày càng tích cực và to lớn hơn vào tăng trưởng GDP, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Phóng viên: Với những thay đổi tích cực về chính sách này, liệu số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có gia tăng đáng kể trong những năm tới không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Trường: Hiện nay, theo thống kê, Việt Nam có khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động.
Con số này đã thể hiện sự lớn mạnh nhất định của khu vực kinh tế tư nhân. Với những định hướng cởi mở hơn về mặt chính sách, đặc biệt là sự quyết tâm chính trị được thể hiện qua Nghị quyết 68 và các văn bản liên quan, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng số lượng doanh nghiệp tư nhân sẽ tăng trưởng rất mạnh mẽ trong thời gian tới và mục tiêu đến năm 2030 nước ta có khoảng 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp tư nhân là có thể đạt được.
Bên cạnh đó, chất lượng của doanh nghiệp tư nhân chắc chắn cũng được nâng lên, đưa kinh tế Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
![]() |
Không chỉ thừa nhận, Nghị quyết 68 còn trân trọng, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khẳng định vai trò của doanh nhân là những người "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế" |
Sự gia tăng này không chỉ đến từ việc thành lập mới các doanh nghiệp mà còn từ sự chuyển đổi của các hộ kinh doanh cá thể có đủ điều kiện lên mô hình doanh nghiệp, nhằm tận dụng tốt hơn các cơ hội và chính sách hỗ trợ. Điều này sẽ đồng hành và cộng hưởng với nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam.
Các tổ chức quốc tế uy tín cũng đã dự báo lạc quan rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong trung và dài hạn. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao chính là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp tư nhân nảy nở và phát triển.
Phóng viên: Để hiện thực hóa được tinh thần và mục tiêu của Nghị quyết 68-NQ/TƯ, theo ông, đâu là những hành động cụ thể mà chúng ta cần phải triển khai ngay?
Ông Nguyễn Quốc Trường: Việc hiện thực hóa một chủ trương lớn như Nghị quyết 68 đòi hỏi một quá trình đồng bộ và quyết liệt. Theo đó, “việc cần làm ngay” là cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành các cơ chế, chính sách, pháp luật.
Bên cạnh rà soát, xây dựng và ban hành các quy định pháp luật mới, cần đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật hiện hành mà trước đây có thể chưa thực sự tạo điều kiện, thậm chí còn gây cản trở đối với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Điều này bao gồm việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là trong đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế, hải quan. Cần phải đảm bảo một môi trường pháp lý minh bạch, công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hay giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc loại bỏ các giấy phép con không cần thiết, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp cũng là những ưu tiên hàng đầu.
Phóng viên: Về phía cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, họ cần chuẩn bị và hành động như thế nào để nắm bắt và tận dụng hiệu quả những cơ hội mà Nghị quyết 68 cũng như các chính sách hỗ trợ mang lại, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Trường: Cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Để tận dụng tốt những cơ hội từ sự thay đổi chính sách, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần có sự chủ động và chuyển mình mạnh mẽ. Theo tôi có ba yếu tố then chốt mà doanh nghiệp tư nhân cần chú trọng.
Thứ nhất, đó là khả năng nắm bắt và phân tích bối cảnh. Doanh nghiệp cần phải nhạy bén với những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế. Bối cảnh hiện nay có nhiều biến động phức tạp, từ căng thẳng địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, đến sự trỗi dậy của các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Việc hiểu rõ bối cảnh sẽ giúp doanh nghiệp định vị đúng, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và ứng phó linh hoạt với các thách thức.
![]() |
Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào các chương trình, dự án lớn của Chính phủ, đặc biệt là những dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Trước đây, nhiều lĩnh vực đầu tư công có thể còn hạn chế sự tham gia của tư nhân nhưng với chủ trương mới, cánh cửa này sẽ rộng mở hơn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tư nhân không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước mà còn mở rộng quy mô, nâng cao năng lực và uy tín của mình.
Thứ ba, cũng là yếu tố mang tính sống còn, đó là không ngừng đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp không nên “ngồi chờ” được hỗ trợ, mà cần chủ động đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn lực cho phát triển. Khi các rào cản thể chế được gỡ bỏ, sân chơi sẽ trở nên bình đẳng hơn, đồng nghĩa với việc cạnh tranh cũng sẽ gay gắt hơn.
Doanh nghiệp nào không chủ động đổi mới, không đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, không ứng dụng công nghệ mới, không nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng lực quản trị, sẽ rất khó để tồn tại và phát triển bền vững.
Việc bắt kịp, thậm chí đi đầu trong các xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Điều này bao gồm cả việc nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch hóa hoạt động và chú trọng hơn đến các yếu tố phát triển bền vững.
Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chủ động, năng động của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ thực sự cất cánh, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu, khát vọng của Việt nam là trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hợp tác phát triển điện hydrogen xanh tại Việt Nam

SHB Chi nhánh Phú Thọ ký kết hợp tác với Trường Đại học Hùng Vương

Phó Thủ tướng mong muốn CMA-CGM đầu tư vào các dự án phát triển cảng biển xanh, thông minh

MISA eShop: Số hóa toàn diện hoạt động kinh doanh chỉ bằng smartphone

Chung tay vì một nền công nghiệp quốc gia hiện đại, bền vững

Tăng cường kỹ năng kinh doanh trên môi trường số cho doanh nghiệp

Bí quyết cân bằng và phát triển

“Săn - Tặng vé Superfest 2025”: Bùng nổ trải nghiệm số cùng Agribank

Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả: Chiến lược phát triển kinh tế quan trọng
